Denis Sverdlov, người trước đây từng là 1 Thứ trưởng trong chính phủ Nga, vốn đã là 1 người đàn ông giàu có nhờ khởi nghiệp trong lĩnh vực viễn thông. Năm 2015, ông bắt đầu chú ý tới xe điện và thành lập Arrival.
4 năm sau, thông qua 1 công ty đầu tư, Sverdlov bơm thêm khoảng 450 triệu USD vào nhà sản xuất xe bus và xe tải điện này. Và sau đó vào tháng 11 năm ngoái, ông sáp nhập Arrival với CIIG Merger Corp. Đây là 1 công ty thâu tóm có mục đích đặc biệt (Special Purpose Acquisition Corp, SPAC) được điều hành bởi Peter Cuneo, người từng làm CEO của Marvel Entertainment.
Arrival hiện đã được định giá 15,3 tỷ USD – tăng hơn gấp đôi so với thời điểm đầu năm ngoái dù hoạt động sản xuất chưa có gì đáng kể. Sverdlov (42 tuổi) sẽ kiểm soát gần như toàn bộ cổ phần của Arrival ngay sau khi thương vụ hoàn tất, đồng nghĩa sẽ có tài sản ròng 11,7 tỷ USD, theo tính toán của Bloomberg, tức thu về lợi suất hơn 3.000%.
Mức định giá của Arrival chủ yếu xuất phát từ những kỳ vọng lớn lao về các công ty xe điện trong năm vừa qua, mặc dù trong vài tuần gần đây các cổ phiếu xe điện cũng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng lợi suất trái phiếu tăng như các nhóm ngành khác. Còn cổ phiếu CIIG đã giảm hơn 20% kể từ khi lập kỷ lục tháng 12 năm ngoái. Cho đến trước khi thông báo sáp nhập, nguồn tiền mà Arrival sử dụng chủ yếu là tiền túi của Sverdlov.
Arrival dự định trong năm nay sẽ bắt đầu chạy thử xe điện do hãng sản xuất ra trên các con đường công cộng. Sverdlov tự tin startup này có thể tránh được những cạm bẫy về tài chính mà hầu hết các nhà sản xuất xe điện thường mắc phải bằng cách chỉ xây dựng những nhà máy quy mô nhỏ thay vì những siêu nhà máy. Công ty dự tính đến năm 2024 sẽ có 31 nhà máy và đặt kế hoạch bắt đầu có lãi trong 1-2 năm nữa.
Một mẫu xe bus điện mà Arrival sản xuất. Ảnh: Reuters.
“Trên thế giới có hơn 560 thành phố hơn 1 triệu dân, và chúng tôi sẽ đặt ở mỗi thành phố này 1 nhà máy nhỏ có công suất khoảng 10.000 chiếc. Đó là những chiếc xe được thiết kế đặc biệt theo nhu cầu của từng thị trường. Mô hình này dễ dàng nhân rộng như những cửa hàng McDonald’s hay Starbucks”, Sverdlov nói.
Là những công ty vỏ bọc được lập ra chỉ để sáp nhập với các công ty tư nhân nhằm giúp những công ty này lên sàn dễ hơn, kể từ đầu năm đến nay nhóm các SPAC đã huy động được tổng cộng khoảng 85 tỷ USD. Các vận động viên nổi tiếng và nhiều ngôi sao giải trí như Alex Rodriguez, Shaquille O’Neal và Sammy Hagar, kể cả các ông trùm quỹ đầu cơ như William Ackman và cựu Chủ tịch ngân hàng Goldman Sachs Gary Cohn cũng đã tham gia vào làn sóng SPAC.
Arrival không phải là công ty duy nhất có mức định giá tăng đột biến nhờ làn sóng SPAC. Giá trị của Archer Aviation, 1 startup phát triển từ ý tưởng taxi bay cũng đã tăng vọt từ mức 16 triệu USD trong tháng 4/2020 lên 3,8 tỷ USD sau khi thông báo sáp nhập với 1 SPAC hồi tháng trước. Giá trị của Lucid Motors – công ty xe điện đã đồng ý sáp nhập với 1 SPAC của cựu lãnh đạo Citigroup – thậm chí đã vượt qua cột mốc 55 tỷ USD, lớn hơn cả giá trị vốn hóa của Ford Motor.
Hiện nay các công ty Mỹ đang thống trị cơn sốt và làn sóng SPAC cũng đã lan sang cả châu Âu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cơn sốt SPAC đang dần xuất hiện những “vết nứt”. IPOX SPAC – chỉ số theo dõi 1 nhóm lớn các cổ phiếu SPAC – đã giảm gần 20% so với mức đỉnh hồi tháng 2.
Nhiều người cho rằng sở dĩ các công ty SPAC mọc lên “như nấm sau mưa” và nhanh chóng lớn mạnh là do các NHTW đã bơm tiền quá mạnh trong đại dịch và khiến nền kinh tế ngập trong tiền. Một số vụ sáp nhập có yếu tố SPAC gần đây không còn thu hút được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư như trước. Tuần trước, cả Cerberus Telecom Acquisition và Motion Acquisition Corp đều giao dịch ở dưới mức 10 USD thay vì tăng vọt sau khi thông báo kế hoạch sáp nhập như các công ty SPAC khác trước đây.
Tham khảo Bloomberg