Thời gian trước, một bức ảnh của cửa hàng Điện Máy Cam xuất hiện trên mạng xã hội, khiến mọi người không khỏi chú ý. Nhiều ý kiến nói, đây là phiên bản “nhái” của Điện Máy Xanh – chuỗi cửa hàng điện máy chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam của doanh nhân Nguyễn Đức Tài.
Dù bên cạnh còn có những cái tên “nhái” không kém như Điện máy Đỏ, Điện máy Vàng nhưng Điện máy Cam trông có vẻ “chuyên nghiệp” hơn hẳn.
Chưa bàn tới sự thành công trong tương lai của Điện Máy Cam nhưng ít nhất, cái tên của nó cùng màu sắc rực rỡ đã tạo được sự quan tâm của người tiêu dùng nhiều nơi, dù Điện máy Cam chỉ hoạt động ở Long An, với 5 chi nhánh tại huyện Đức Huệ, huyện Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, huyện Bến Lức và huyện Cần Giuộc.
Đằng sau cửa hàng điện máy gây chú ý này là Đỗ Thanh Tịnh – một cái tên đã xuất hiện khá nhiều trên truyền thông với câu chuyện: một người trẻ khởi nghiệp không ngừng nghỉ, dù từng muốn lao đầu vào xe tải quyên sinh sau nhiều lần thất bại!
Đỗ Thanh Tịnh – Ông chủ của Nội thất Tứ Hưng và Điện máy CAM
Theo các bài báo cũ, Đỗ Thanh Tịnh bắt đầu với việc bỏ mối sách tại các cửa hàng sách báo trước cổng trường, kiêm giao báo tận nhà.
Thấy công việc tiến triển tốt, năm 2005, Tịnh quyết định lập doanh nghiệp chuyên giao báo tại nhà, bán sách và truyện thiếu nhi. Do nhanh nhạy thị trường, cộng với bản tính chịu khó, anh đã nhanh chóng có tiếng trên thị trường sách thiếu nhi khi mới 25 tuổi, đặc biệt là tại thị trường miền Nam.
“Công việc thuận lợi, năm 2008 tôi lại liều lĩnh tham gia liên kết phát hành truyện tranh độc quyền. Và cái kết buồn là công ty chỉ phân phối được hơn một nửa, còn tồn kho hơn 18.000 cuốn sách phải bán ve chai. Tôi chính thức phá sản cùng số nợ gần 300 triệu đồng”, Tịnh kể lại.
Cuối năm 2009 Tịnh khởi nghiệp lại sau gần một năm “bán hàng ngoài đường” với nồi cơm, bình đun, bếp gas… Thị trường điện máy lúc này đang khá màu mỡ, vậy là Tịnh quyết định bán đất gầy dựng lại doanh nghiệp với tên gọi Tứ Hưng chuyên kinh doanh điện tử, điện gia dụng. Cũng như cách chọn thị trường ngách với truyện tranh, lần này anh chọn thị trường điện máy giá rẻ cho công nhân, sinh viên nhà trọ, bán dọc khu công nghiệp.
Từng mong muốn xây nên một “đế chế nội thất” phương Nam đối trọng với Hòa Phát ở phía Bắc, nhưng Tứ Hưng tiếp tục khiến Đỗ Thanh Tịnh thất bại trong “cuộc chơi” nội thất. Không phân tích thị trường, không biết quản trị nhân sự, quản lý dòng tiền, khởi nghiệp lần 2 thất bại, từ đỉnh cao kinh doanh, Thanh Tịnh ôm khoản nợ 3 tỷ đồng.
Sau cú sốc 3 tỷ đến từ chuỗi nội thất, Tịnh chia sẻ, hơn 1 tuần lễ anh đi lang thang ngoài đường không muốn về nhà. Đang trên đỉnh cao rồi rơi xuống, cô đơn hụt hẫng, thậm chí tuyệt vọng, có lúc anh từng muốn tông vào xe tải để quyên sinh.
May mắn là trong thời gian ngắn sau đó, Tịnh bình tâm suy nghĩ trốn cũng không giải quyết được gì, trốn mãi cũng không không được. Anh đứng dậy với quyết tâm càng thua càng đánh, càng làm và khi đó các chủ nợ của anh nhận ra và cho cơ hội trả chậm từ từ.
Lần thứ 3, Đỗ Thanh Tịnh làm lại với nội thất tự phục vụ Tứ Hưng. Bước vào cuộc chơi một cách dè dặt hơn, cẩn trọng hơn, nhưng rồi vẫn “ngã ngựa”. Nội thấy tự phục vụ Tứ Hưng là những gì gần nhất anh Tịnh chia sẻ trên báo chí (cách đây 3 năm). Có nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù chàng trai gốc Quảng Nam có khả năng marketing, có sự nhanh nhạy nhất định trong việc tìm kiếm thị trường và tham gia vào cuộc chơi kinh doanh online khá sớm nhưng không đúng thời điểm để có thể thành công.
Điện máy Cam có lẽ là cuộc khởi nghiệp tiếp theo của doanh nhân gốc Quảng Nam. Vẫn là điện máy và vẫn định vị khách hàng ở phân khúc bình dân với quảng cáo: “Điện máy Cam Trùm giá rẻ!!!” Tuy nhiên ngoài sự quan tâm nhất thời vì “cùng cha khác bố” với Điện máy Xanh thì fanpage của Điện máy Cam khá “hẻo” khi mới có chưa đầy 200 người theo dõi, ít bài đăng và tương tác kém. Bài đăng lần cuối của Điện máy Cam là ngày 21/01/2021.
Fanpage của Nội thất Tứ Hưng tốt hơn, khi thu hút trên 22.000 người theo dõi và Facebook cá nhân của Đỗ Thanh Tịnh – nơi anh thi thoảng chia sẻ các bài học kinh doanh – cũng có trên 10.000 người theo dõi.