Hôm 22/4, Uniqlo khai trương mặt bằng mới tại Saigon Center, quận 1. Cửa hàng mới này trải dài trên diện tích bán hàng hơn 3.000 m2 ngay khu trung tâm quận 1, trưng bày toàn bộ dòng sản phẩm LifeWear dành cho mọi đối tượng nam, nữ, trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Đại gia Baccarat mở thêm cửa hàng tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, quận 1 trong khi Digibox với đại lý ủy quyền đầu tiên của Apple tại Việt Nam xuất hiện tại Estella Place quận 2. Nhiều thương hiệu quốc tế: Hermès Beauty (Pháp), Som Tum Thai (Thái Lan), Skechers (Mỹ) cũng mở thêm cửa hàng tại Crescent Mall, quận 7 trong quý vừa qua. Trong khi đó Guerlain Ultimate Boutique cũng đã khai trương cửa hàng đầu tiên thuộc khu vực Đông Nam Á, đặt tại TP HCM vào tháng 6 năm nay.
Trong quý III tới, Muji (thương hiệu nội thất của Nhật) dự kiến mở thêm cửa hàng thứ tư tại khu Nam TP HCM. Không đứng bên lề cuộc đua này, Aeon (nhà bán lẻ lâu đời của Nhật Bản) có kế hoạch mạnh tay mở rộng quy mô hoạt động 100 cửa hàng MaxValu trước năm 2025 và ra mắt 6-16 khu mua sắm quy mô lớn.
Trong báo cáo mặt bằng bán lẻ quý II, CBRE Việt Nam đánh giá, các nhà bán lẻ quốc tế đã có màn khởi động sôi nổi tại TP HCM suốt 3 tháng qua khi chào đón sự gia nhập mới và hoạt động mở rộng cửa hàng, bành trướng thị phần của các thương hiệu nước ngoài. Theo CBRE, tốc độ mở cửa hàng mới của khối ngoại đang diễn ra khá nhanh so với khối nội tại thị trường bán lẻ TP HCM.
Bà Trang Bùi, CEO Cushman & Wakefield đánh giá thị trường bán lẻ TP HCM được kỳ vọng diễn biến khởi sắc trong 6 tháng cuối năm khi ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế đổ bộ vào thành phố sôi động này.
Cụm các trung tâm mua sắm cao cấp thuộc quận 1, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Bà Trang phân tích, 2 yếu tố chính tác động đến thị trường bán lẻ là: tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm cộng thêm lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đạt 0,6 triệu lượt trong 6 tháng đầu năm nay, tăng gần gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
CEO Cushman & Wakefield dự báo diện tích còn trống của các trung tâm mua sắm và bán lẻ tại các khu vực sầm uất, lưu lượng dân cư đông sẽ được lấp đầy bởi nhóm khách thuê quốc tế, trong đó ngành thời trang đang có nhu cầu mặt bằng mới để trưng bày sản phẩm cho mùa cao điểm cuối năm.
Trao đổi với VnExpress, Thạc sĩ Trang Minh Hà, Chủ tịch North Stars Asia xác nhận, thị trường mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại đang có dấu hiệu lấp đầy tích cực và phục hồi mạnh mẽ từ cú hích của khối ngoại.
Theo ông Hà, có 3 yếu tố dẫn đến việc các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, ẩm thực quốc tế đang tái đổ bộ vào TP HCM từ quý II đến nay. Yếu tố thứ nhất là xu hướng đánh chiếm thị phần của phân khúc trung – cao cấp đang mạnh dần. Ông Hà đánh giá, đại dịch khiến xu hướng mua bán trực tuyến online bùng nổ với các dòng sản phẩm bình dân, đại trà và giá rẻ. Song với những thương hiệu tầm trung cao cấp trở lên, việc trải nghiệm ngay tại cửa hàng, được nhân viên tư vấn, hỗ trợ và phục vụ cùng những dịch vụ hậu mãi hấp dẫn, chăm sóc khách hàng … Đây là những yếu tố quan trọng để các dịch vụ bán lẻ tự tin để quay trở lại thị trường.
Yếu tố thứ hai, là chiến lược win – win (đôi bên cùng có lợi) đang áp đảo. Các trung tâm thương mại bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các đại dịch. Để vực dậy sinh khí, tăng lưu lượng (traffic) khách đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm, rất nhiều trung tâm thương mại đã và đang thực thi chiến lược ưu đãi và chào đón với mức thuê hấp dẫn, thời gian lâu dài và vị trí tốt nhất… dành riêng cho các thương hiệu nổi tiếng, uy tín để thu hút họ đầu tư và đồng hành cùng các trung tâm mua sắm. Sự hiện hữu của các thương hiệu trung và cao cấp này góp phần mang đến giá trị quan trọng để gia tăng giá trị của các trung tâm thương mại và thể hiện đẳng cấp của trung tâm thương mại.
Yếu tố cuối cùng, là tiềm năng của thị trường mua sắm, trải nghiệm tại Việt Nam rất lớn. Ông Hà phân tích, sau khi đã ổn định được đại dịch, những chính sách và hoạt động kích cầu du lịch đã, đang và sẽ được nhà nước và các tập đoàn du lịch lớn triển khai đồng loạt và liên tục nhằm gia tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Việc đón đầu một thị trường tiềm năng trên 90 triệu dân và du lịch trên đà hồi phục là điều nhiều tập đoàn bán lẻ sở hữu các thương hiệu trung – cao cấp hướng tới. Mặt khác, hiện diện sớm sau đại dịch còn có thể giúp các nhà bán lẻ nước ngoài cạnh tranh được những vị trí tốt, đàm phán giá thuê và chính sách thanh toán hấp dẫn cùng với nhiều ưu đãi kép từ chủ mặt bằng.
Tuy nhiên, Chủ tịch North Stars Asia cho rằng, để tạo động lực cho thị trường 6 tháng cuối năm, cần có thêm sự hỗ trợ mạnh mẽ bằng chiến lược kích cầu mua sắm đúng trọng tâm. Ví dụ: đưa ra những lễ hội, chương trình và chính sách khuyến mại, kích cầu hấp dẫn. Chẳng hạn như tăng giới hạn giảm giá từ 50% lên 70-80% … để góp phần kích thích mãi lực và tạo sự hấp dẫn, thu hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.