Tình yêu là một chủ đề mà chúng ta luôn cố tình lẩn tránh, rất nhiều người lựa chọn cách tự lừa dối và an ủi chính mình khi con đường tình duyên gặp trắc trở. Có thật sự ổn không? Chúng ta luôn nói “Em yêu anh/ Anh yêu em”, nhưng sau một khoảng thời gian chung sống, liệu những gì chúng ta đã từng cho rằng phù hợp có thật sự phù hợp hay không? Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận khi đối phương lột trần lớp vỏ phù hợp, lộ ra cái bản chất vốn có của họ hay không? Bản chất của hai chữ “phù hợp” trong tình yêu nói đúng ra cũng chỉ là: Chẳng có ai sinh ra đã phù hợp với một người nào đó, mà chỉ là họ có chịu vì một người nào đó để thay đổi bản thân cho phù hợp hay không thôi.
Như thế nào là không phù hợp? Trước đây, nếu hai người đến với nhau dựa trên những điều được đánh giá khách quan là phù hợp, ví như là sự phù hợp về điều kiện kinh tế thì ngày nay, chúng ta không chỉ có những yêu cầu về mặt vật chất mà còn đòi hỏi nhiều hơn về mặt tinh thần, chẳng hạn như tam quan, cách giao tiếp, sở thích, thói quen ăn uống, giải trí… Sau một khoảng thời gian tìm hiểu, cảm thấy mọi mặt của đối phương đều phù hợp thì quyết định kết hôn.
Cứ ngỡ nhận được một tờ giấy đăng ký, mua được một căn nhà, có một vài đứa con đáng yêu thì mọi chuyện đã ổn thỏa sao? Hôn nhân chỉ là khởi đầu của một chặng đường khác mà thôi. Đừng nghĩ cứ yêu nhau lâu là đã hoàn toàn hiểu hết về nhau, nói gì đến những cuộc hôn nhân chớp nhoáng, yêu vài ba tháng, sống chung một khoảng thời gian, và kết thúc lúc nào chẳng ai hay.
Hôn nhân ấy mà, không phải lúc nào cũng mãnh liệt như mối tình trong một bộ phim truyền hình. Hầu hết các bộ phim đều kết thúc khi hai người ở bên nhau ngọt ngào, chẳng mấy bộ phim nào kể tiếp về cuộc sống sau hôn nhân cả. Đến cả trong những câu chuyện cổ tích Đông Tây kim cổ cũng vậy, công chúa và hoàng tử sẽ có một đám cưới đáng ngưỡng mộ sau muôn vàn thử thách, nhưng đâu có mẩu chuyện nào kể về hai người sống với nhau thế nào.
Trên thực tế, những vấn đề trong tình cảm chỉ được nảy sinh khi dòng chữ “The End” của cuốn băng ghi lại hôn lễ hiện lên. Sau khi kết hôn, chúng ta sẽ phải đối mặt với vô số áp lực, điều này đã chia nhỏ và giết chết sự lãng mạn giữa hai người. Lúc này, ly hôn giống như một vụ tai nạn. Hai người đã hứa sẽ bên nhau trọn đời trên lễ đường nay lại gánh thêm những sự tổn thương do cuộc hôn nhân cả hai người đã hết sức hy vọng đó gây ra.
Khi nói về lý do ly hôn, họ nói rằng đối phương không phù hợp, thậm chí cũng chỉ có thể nói vậy thôi. Phù hợp hay không phù hợp, không chỉ đơn giản là vì hôm nay bạn mặc áo tôi không thích, tôi không dùng hương nước hoa bạn thích.
Thật ra, ba chữ “không phù hợp” chứa đựng tất cả, nhưng thực sự không biết nên giải thích như thế nào. Họ không chia tay ngay khi cảm thấy đối phương không phù hợp, mà trước tiên họ cảm thấy có gì đó không đúng, sau đó cuộc sống hôn nhân khiến họ nhận ra người ấy không hề giống với những gì mình nghĩ. Bất đồng tăng lên, cách giải quyết chẳng còn hợp ý hai bên. Mối quan hệ này không có khả năng để cải thiện nữa nên họ lựa chọn chia tay. Vậy thì, không phù hợp ở đây, chẳng phải là do người kia không hề giống người trong suy nghĩ của bạn hay sao?
Nếu trước kia, sự hiểu biết về một đối tượng khác giới của thế hệ trước cơ bản chỉ dựa vào những lời giới thiệu, mai mối qua miệng đơn giản, gặp nhau một vài lần cảm thấy phù hợp thì sẽ lập tức kết hôn. Lời yêu thời đó cũng rất tiết kiệm, họ cũng chỉ có thể nói một hay hai lần, tuy nhiên, họ ý thức được tình yêu và hôn nhân đều là những điều rất quan trọng. Thời đó, cái gì hư cũng muốn sửa lại. Khi hai người xa lạ, quen nhau, kết hôn, và khi ở bên cạnh nhau chắc chắn sẽ xảy ra mâu thuẫn và họ sẽ dành cả 2/3 cuộc hôn nhân để giải quyết vấn đề. Vậy nên, cuộc sống dù xuất hiện điều gì đó không thể chấp nhận nổi, nhưng thế hệ trước vẫn cố gắng thay đổi, làm đó vấn đề chuyển biến tốt hơn. Tuy mối quan hệ không còn hoàn hảo nhưng chí ít vẫn họ vẫn vì nhau, hoặc vì bản thân họ để cố gắng thay đổi.
Còn thế hệ chúng ta lại khác. Mấy ai thành thật tuyên bố: “Em/ Anh là mối tình đầu tiên, cũng là mối tình cuối cùng của anh/em” trong đám cưới đâu. Trước khi tiến tới hôn nhân, chuyện ai đó yêu đương – chia tay vài lần trước đó cũng là chuyện hết sức bình thường. Vì sao lại có những mối tình kết thúc chóng vánh? Khi một vấn đề gì đó xảy ra, có người sẽ quá lười biếng để nỗ lực xử lý, họ mặc kệ những lời phàn nàn của đối phương, không thèm đôi co vì đã quá mệt mỏi rồi, để chúng dần tích tụ lại và bùng nổ vào một ngày không đẹp trời nào đó.
Đặc biệt, trong hôn nhân, giữa những cặp vợ chồng không phù hợp luôn tồn tại một nỗi sợ hãi, đó chính là những cuộc cãi vã, giằng xé hoặc những hành vi có tính tiêu cực hơn tưởng chừng không có hồi kết. Những câu nói vô tình hay cố ý đều rất dễ làm người còn lại tổn thương, khổ sở. Nó giống như những cái dằm, tuy nhỏ nhưng khi bị động đến lại có thể rỉ máu.
Và khi cả hai không thể bằng lòng với cách giải quyết thì sự bao dung trong tình yêu cũng đang được đẩy đến mức giới hạn. Vì vậy, họ sợ hãi, họ sợ hãi đến mức khi thấy mối quan hệ ấy không phù hợp, họ muốn cắt đứt cuộc hôn nhân ngay lập tức. Miễn là cắt đứt thì sau đó sẽ không còn những cuộc cãi vã dai dẳng, những giọt nước mắt cố gắng nuốt ngược vào trong. Chia tay rồi, cũng đâu thể không đi thêm bước nữa như ngày xưa đâu. Một mối tình khác cũng có thế chớm nở khi nỗi đau của cuộc hôn nhân thất bại trước đã mờ nhạt đi. Vậy nên, không giống như ngày xưa, chúng ta bây giờ, cái gì hư cũng chỉ muốn đổi.
Một số người cũng nói rằng “không thích hợp” cũng chỉ là cái cớ để cố che giấu việc đã hết yêu. Có đúng hay không? Cũng không sai. Khi đã hết yêu, cái tôi sẽ càng lớn hơn, khi sự kiên nhẫn trong tình yêu cũng cạn kiệt, khi không thể tìm được cách thích hợp để hoà hợp thì chia tay là điều sớm muộn gì cũng sẽ đến. Vậy nên, càng yêu, càng tổn thương. Lúc này đây, ngay cả đối với người chúng ta từng cho rằng họ là cả thế giới, là lý lẽ để sống và cố gắng cũng dễ dàng bị cảm giác bất lực ấy lấn át.
Ảnh: Tổng hợp