Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản chính thức trả lời những câu hỏi đang làm nóng các mặt báo thời gian qua
Có nên thu thuế chuyển nhượng bất động sản theo “chênh lệch địa tô”?
Trước ý kiến cho rằng: Bản chất của thuế chuyển nhượng BĐS là thuế trực thu và phải thu trên “chênh lệch địa tô”, tức lợi nhuận của NĐT. Nhưng hiện nay cách thu 2% trên giá chuyển nhượng, lãi lỗ gì cũng phải nộp thuế có phần dễ cho cơ quan thuế nhưng lại làm méo mó chính sách”, Bộ Tài chính cho biết: Trước đây, Luật thuế TNCN 2007 quy định cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản nộp thuế theo mức thuế suất 25% trên phần chênh lệch giữa giá chuyển nhượng trừ giá mua và các chi phí liên quan. Trường hợp không xác định được phần chênh lệch này thì nộp thuế theo thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng.
Thực tế thực hiện đã gặp rất nhiều vướng mắc như không có căn cứ để xác định giá mua và các chi phí liên quan, đặc biệt là đối với bất động sản hình thành từ lâu không có hồ sơ, căn cứ chứng minh giá vốn, bất động sản được cho, tặng, thừa kế; việc chuyển nhượng giữa các cá nhân bằng tiền mặt khó kiểm soát; thậm chí có trường hợp phát sinh khiếu kiện…
Thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư có phù hợp?
Trả lời phản ánh việc dù hiện tại doanh nghiệp và người dân đã nộp các khoản phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu trên đầu phương tiện nhưng hiện nay dự thảo về việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm các đoạn TP Hồ Chí Minh – Trung Lương; La Sơn – Túy Loan (Huế); Nội Bài – Nhật Tân (Hà Nội) và cao tốc Bắc – Nam đang được các cơ quan chức năng soạn thảo, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay, số thu từ phí sử dụng đường bộ (theo đầu phương tiện) rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu tối thiểu cho hoạt động bảo trì đường bộ.
Việc đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc nhằm huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội là cần thiết và có cơ sở pháp lý, qua đó, tạo thêm nguồn lực cho nhà nước tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc theo mục tiêu đề ra.
VTV.VN