Khu lăng mộ bạc tỷ rộng 40ha, xây không ưng đập đi xây lại
Chạy dọc theo tuyến quốc lộ 49 từ Thành phố Huế về biển Thuận An rồi tiếp tục chạy theo con đường ven biển khoảng 30km là đến xã Vĩnh An (huyện Phú Vang), bạn sẽ bắt gặp một khu đất rộng khoảng 40ha với đầy đủ các lăng mộ cao hơn cả nhà của người dân, đa dạng thiết kế.
Đây cũng là địa danh từng được tờ Daily Mail ví như chốn “thiên đường nghỉ dưỡng” xa hoa của người đã chết vô cùng độc, lạ.
Khu lăng mộ hoành tráng đặc biệt ở Huế.
Khung cảnh từng được tờ Daily Mail kinh ngạc.
Tờ Dailymail từng dành sự trầm trồ kinh ngạc khi viết về khu lăng mộ này ở Huế.
Tờ báo viết: A quiet fishing village outside Vietnam’s ancient imperial capital Hue has become an off-the-beaten-track tourist attraction for its bizarre graveyard, featuring colourful and lavish tombs (Tạm dịch: Một làng chài yên bình tại ngoại ô thành phố Huế, Việt Nam trở thành điểm thu hút khách du lịch với nghĩa địa kỳ lạ, nơi xuất hiện lăng mộ xa hoa đầy màu sắc)”.
Ngay sau khi bài báo được đăng tải, nhiều độc giả quốc tế không khỏi trầm trồ và ví khu lăng mộ này giống hệt như những người Ai Cập cổ đại xây Kim Tự Tháp làm nơi các vua chúa nghỉ ngơi, an dưỡng sau khi chết.
Nghĩa địa xa hoa đầy màu sắc.
Còn ở Việt Nam, cũng đã có khá nhiều bài báo viết về khu lăng mộ này và vì nó như là một “thành phố ma” xa hoa bậc nhất ở thời điểm hiện tại. Nơi đây, các lăng mộ được người dân xây dựng thiết kế với đầy đủ kiểu dáng, chạm trổ hoa văn tinh xảo và có chiều cao hơn cả ngôi nhà. Theo quan niệm “sống cái nhà, thác cái mồ”, từ năm 2003 người dân ở làng An Bằng đã bắt đầu đua nhau xây dựng lăng mộ với kiến trúc đồ sộ, quy mô bậc nhất cả nước như vậy.
Hiện nay, khu này có cả nghìn ngôi mộ rộng từ 40 – 400 m2 với cổng cao đến 7- 8 m. Mỗi ngôi mộ ở nơi đây có chi phí xây dựng từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Thậm chí có gia đình đã xây lăng mộ có giá trị hàng tỷ đồng nhưng không ưng ý hoặc lăng thấp hơn gia đình khác sẽ đập đi xây dựng cho bằng hoặc cao hơn.
Mỗi ngôi mộ ở đây đều có giá siêu khủng.
Các lăng mộ trùng trùng điệp điệp, san sát nối đuôi nhau với đủ màu sắc hình dáng trải dài trên đồi cát bao la khiến ta như bước vào một vùng đất thâm sâu, bí hiểm khác với vẻ ngoài nghèo khó của người dân An Bằng.
Hầu hết các lăng mộ được thiết kế giống lăng Khải Định với mức độ tinh xảo cực cao. Tùy thuộc vào quan điểm tôn giáo của mỗi gia đình mà các lăng mộ ở xã An Bằng sẽ có nhiều phong cách khác nhau như: phong cách Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, nhiều ngôi mộ được xây theo kiểu cách Tạng.
Ngoài ra, nhiều gia đình còn xây dựng các khu lăng mộ theo lối biệt thự sang trọng, có sân vườn, cây cảnh, ôtô, xe tay ga cùng các hoa văn được chạm khắc không kém các nghệ nhân thời vua chúa.
Mỗi lăng một ở đây là một tác phẩm kiến trúc cầu kỳ.
Khu mộ hoành tráng nhất ở đây là chiếc lăng 4 tỷ được người dân xây dựng để dành cho người… sống. Theo đó, nguyên một dòng họ đã chi cả khu làm 26 phần mộ để chờ cho người sống chết đi sẽ được đưa vào.
Bà Trần Hy (người dân trong làng) cho biết: “Xưa kia người dân An Bằng thuộc dân chài lưới nghèo nàn, cuộc sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào nghề đi biển. Sau này, những gia đình có người ở nước ngoài làm ăn được nên đã gửi tiền về cho cha mẹ. Từ đó cuộc sống mọi người nơi đây trở nên khá giả hơn và họ bắt đầu nghĩ đến việc xây lăng báo hiếu”.
Khu lăng mộ trị giá 4 tỷ đồng.
Từng đường nét đều rất cầu kỳ, tinh xảo.
Nơi “người chết nuôi người sống”
Nói thêm về tục lệ xây dựng lăng mộ bề thế, bà Hy cho biết, xuất phát từ lòng báo hiếu của người dân. Quan niệm “trần sao âm vậy” và nghĩ xây dựng lăng mộ to người chết sẽ phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt nên họ bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng. Xưa kia rất ít các lăng mộ to nhưng dần dần người dân họ càng quan niệm nhiều về vấn đề này nên xuất hiện hàng loạt các lăng lớn và đồ sộ.
Nhiều người dân nơi đây tếu táo nhau rằng, vào khu vực này tìm kiếm lăng vài ba trăm triệu thì rất khó nhưng để kiếm lăng tiền tỷ thì la liệt, đi mỏi chân vẫn không hết.
Những khu lăng tiền tỷ ở đây là không hề hiếm.
Sở dĩ có câu nói này là bởi từ khi có tục xây lăng mộ to với giá trị hàng tỷ đồng, người dân tại An Bằng có thêm nguồn công việc. Những người thợ nơi đây ngày càng bận rộn hơn, thu nhập cũng sẽ cao hơn nghề bình thường. Đặc biệt, nếu ai có tay nghề cao thì số tiền kiếm về có thể lên đến hàng chục triệu/ tháng. Ngoài ra, những người làm nghề chạm khắc lăng mộ cũng được hưởng lợi từ điều này.
Thậm chí, nhiều người có nghề chở cát, đá, gạch bằng xe trâu cũng nhờ việc này mà có công ăn việc làm ổn định hằng năm.
Những tác phẩm thủ công tinh xảo do các người thợ ở đây làm ra.
Theo người dân, xưa kia khi mới xây dựng khu lăng mộ rộng 40ha này thì cuộc sống có chút đảo lộn về tâm linh, nhiều người cảm thấy sợ sệt không dám đi vào buổi tối. Nhất là lũ con trẻ, hầu hết đều sợ khi màn đêm buông xuống.
Nhưng về sau này, họ coi đây là điều bình thường và xem đây là một nguồn sống của nhiều gia đình khi chưa có công ăn việc làm ổn định. So với những tháng ngày làm chài lưới lênh đênh trên biển thì bây giờ đời sống người dân khá giả hơn nhiều.