Tiêu thụ thực phẩm vào mùa hè – Nguy cơ ngộ độc thực phẩm cực cao
Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến tháng 8/2020, cả nước đã xảy ra 57 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1.574 người bị ngộ độc, trong đó 19 người tử vong. Bộ Y tế cũng có thông báo, tính từ đầu năm đến tháng 6/2020, cả nước ghi nhận 48 vụ làm hơn 824 người nhập viện điều trị, so với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ (29,7%) và số ca tử vong tăng tới 17 người. Hầu hết tập trung vào giai đoạn mùa hè, thời tiết nóng ẩm.
Riêng vào năm 2021, ngay dịp đầu năm cũng đã có vô số vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận. Cụ thể là trong 2 tháng đầu năm 2021, Bộ Y tế công bố có đến 192 người bị ngộ độc thực phẩm.
Ngay dịp đầu năm cũng đã có vô số vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận.
Điều đáng nói, đây chưa phải là giai đoạn đỉnh điểm của ngộ độc thực phẩm. Giới chuyên gia nhận định, ngộ độc thực phẩm có nguy cơ xuất hiện dày hơn hẳn vào mùa hè. Hiện tại mới chỉ bước sang mùa hè nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm là điều khó tránh, đòi hỏi người dân cần cảnh giác cao độ.
Vì sao ngộ độc thực phẩm gia tăng mạnh vào mùa hè? Theo PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm), vào mùa hè nắng nóng, độ ẩm cao, thực phẩm không bán hết, không ăn hết dễ bị ôi thiu, sinh giòi, vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm…
Ngộ độc thực phẩm vào mùa hè tăng mạnh trước hết là do điều kiện nhiệt độ. “Nhiệt độ cao làm cho vi khuẩn phát triển nhanh, từ đó dẫn đến thực phẩm nhanh bị hư hỏng, biến chất. Bên cạnh đó cũng dễ bị nấm mốc hơn. Đây cũng là yếu tố gây ngộ độc thực phẩm”, chuyên gia nhận định.
Chưa kể, vào mùa nắng nóng, cơ thể thường hay bị mệt mỏi, sức đề kháng giảm, lại gặp nguồn thức ăn không đảm bảo tươi mới, nhất là chỉ cần sơ suất trong bảo quản thực phẩm là có thể gây ngộ độc như thường.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết thêm, trong ăn uống nói chung, nguy cơ ngộ độc thực phẩm nhiều hơn cả là ở khâu bảo quản thực phẩm. Tức là những loại thức ăn cho dù đã được nấu chín kỹ nhưng lại vẫn xuất hiện vi khuẩn gây bệnh. Lý do là bảo quản thực phẩm không đúng cách như ăn thực phẩm bày biện ngoài trời, không che đậy hoặc không đảm bảo che đậy đúng cách, không có phương pháp bảo quản lạnh… khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, dính bụi bẩn đường phố…
Trong ăn uống nói chung, nguy cơ ngộ độc thực phẩm nhiều hơn cả là ở khâu bảo quản thực phẩm.
Vậy, làm thế nào để bảo quản thực phẩm đúng cách vào mùa hè?
Theo giới chuyên gia, để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ăn phải thực phẩm chất lượng kém vào mùa hè, người dân cần chú ý khi đi ăn hàng quán. Cẩn trọng với những hàng quán vỉa hè. Khi đi ăn bên ngoài cần chú ý tìm nơi uy tín để ăn, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Tại nhà, chúng ta cũng cần trang bị ngay những kiến thức bảo quản thực phẩm vào mùa hè, để tránh mất dinh dưỡng cũng như nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho cả gia đình. Cụ thể, bạn nên áp dụng những những cách bảo quản thực phẩm sau:
– Tốt nhất không dự trữ quá nhiều thực phẩm tươi sống, tốt nhất ăn lúc nào mua lúc ấy.
– Thực phẩm sau khi mua về cần được sơ chế, phân chia và bao gói thành các đơn vị nhỏ đủ dùng từng bữa trước khi cất trữ trong tủ lạnh, nhằm duy trì nhiệt độ bảo quản phù hợp và tránh việc phải rã đông nhiều lần.
– Bảo quản thực phẩm đúng theo từng loại:
+ Với các loại rau xanh: Sau khi mua về rửa sạch, nhặt bỏ bớt lá sâu, úng, để nơi khô ráo, thoáng mát hoặc ngăn mát tủ lạnh. Nếu chưa ăn ngay không nên rửa hoặc ngâm nước vì nước làm rau mau úng và chất bẩn có thể ngấm vào rau khiến rau mau hỏng hơn.
+ Với bông cải, bắp cải: Nếu không để trong tủ lạnh, có thể dùng giấy báo bọc kín, để nơi thoáng mát.
+ Với các loại rau củ: Để nơi mát mẻ có thể bảo quản từ 2 – 3 ngày tùy loại, hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh, bảo quản được từ 5 – 7 ngày.
+ Với trái cây: Mua về rửa sạch để chỗ mát. Với dưa hấu, dưa gang, nên mua trái nhỏ, vừa ăn để sau khi cắt ra là ăn hết. Nếu ăn không hết, nhớ dùng một miếng ni-lon đậy lên mặt dưa để giữ cho dưa không bị khô và làm giảm hương vị.
+ Với các loại thực phẩm tươi sống như cá, thịt… bạn có thể dùng phương pháp ướp muối để bảo quản bằng cách gói thực phẩm trong khan sạch đã nhúng qua dung dịch giấm (có thể để dành 1 ngày) hay ngâm trong nước mắm (có thể để dành được cả tuần).
Bảo quản thực phẩm đúng theo từng loại.
Cá mua về rửa sạch, để thật ráo nước, cạo rửa sạch bằng da, bỏ mang, ruột trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Sau khi sơ chế, chia thịt, cá ra thành các phần vừa ăn để tiện cho việc bảo quản và rã đông sử dụng. Nếu cần, sau khi rửa sạch, tẩm ướp và cho vào ngăn tủ lạnh.
Đối với các loại hải sản như tôm, cua, sò, ốc… chỉ nên chọn loại còn sống, được chế biến ngay sau khi mua về từ 3 – 5 giờ đồng hồ và dùng trong ngày.
– Khi mua thực phẩm đông lạnh, xem kỹ hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản của sản phẩm để lưu trữ hợp lí: Thực phẩm trữ mát: thịt nguội, giò chả… trữ đông từ 0 – 5 độ C. Thực phẩm đông lạnh: chả giò, thủy hải sản… trữ đông từ -25 độ đến -18 độ C.
– Trong mỗi bữa ăn, trong trường hợp không ăn hết, thức ăn thừa cần được đựng trong những hộp có nắp kín. Trước khi sử dụng lại, thức ăn cần được đun sôi, kiểm tra mùi vị.
– Nếu phát hiện đã ôi thiu hoặc có mùi vị bất thường thì tuyệt đối không sử dụng. Tốt nhất không để thức ăn đã chế biến còn dư thừa qua 2 ngày trong tủ lạnh.
– Với các loại thức ăn đã nấu chín, nếu dùng không hết mà muốn để lại thì cách bảo quản tốt nhất là nấu sôi trở lại. Sau đó mở nắp, làm nguội nhanh và cho vào hộp cất vào tủ đông. Khi dùng lại các loại thực phẩm này, nên nấu sôi lại lần nữa để tiêu diệt vi khuẩn đã thâm nhập và tồn tại trong thức ăn và không tiếp tục lưu trữ lại lần thứ hai.