“Chỉnh” thuần túy kỹ thuật, cơ hội tăng vẫn còn

photo1618181731939 16181817321241348056957

Tuần trước các ý kiến vẫn cho rằng thị trường có thể cần một nhịp nghỉ sau khi bùng nổ vượt đỉnh lịch sử. Do vậy diễn biến lình xình đi ngang giảm dần 2 ngày cuối tuần qua được cho là nhịp nghỉ cần thiết và thị trường điều chỉnh thuần túy do yếu tố kỹ thuật.

Từ các yếu tố kỹ thuật đến yếu tố cơ bản, các chuyên gia đều chỉ ra rằng thị trường vẫn hoàn toàn lành mạnh. Thị trường vẫn đang hấp thụ áp lực chốt lời ngắn hạn. Hiện tượng điều chỉnh ở một số cổ phiếu – ví dụ như nhóm ngân hàng – là do dòng tiền chuyển hướng rời khỏi các mã đã tăng phản ánh trước kết quả kinh doanh. Đây vẫn sẽ là mạch thông tin chính hỗ trợ thị trường tăng cao hơn.

Theo các chuyên gia, thị trường vẫn sẽ có động lực thông tin tốt trong 1-2 tuần tới. Nhiều cổ phiếu blue-chips vẫn chưa công bố báo cáo tài chính. Thậm chí ý kiến lạc quan còn cho rằng hiệu ứng thông tin có thể kéo dài tới cuối tháng 4. Chính vì vậy việc thị trường điều chỉnh ngắn hạn vẫn được xem là cơ hội để tích lũy thêm cổ phiếu.

photo-1

Tôi đánh giá 2 phiên điều chỉnh này thuần túy là phiên điều chỉnh kỹ thuật, giúp giải tỏa áp lực chốt lời trong bối cảnh điều kiện cơ bản của thị trường vẫn đang ở trạng thái lành mạnh.

TRẦN ĐỨC ANH

Nguyễn HoàngVnEconomy

Nhịp tăng của VN-Index sau khi vượt đỉnh lịch sử vẫn chưa đạt tới ngưỡng dự kiến tuần trước của anh chị, nhưng đã gặp khó tại vùng 1250 điểm và thoái lui trong hai phiên cuối tuần. Liệu đây có phải là nhịp nghỉ cần thiết trước khi tăng cao hơn? Anh chị vẫn duy trì quan điểm thị trường sẽ tiếp tục sóng 5 như đã bàn luận tuần trước?

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Chưa có tín hiệu gì quá đáng báo động để tôi có thể thay đổi quan điểm của mình trong giai đoạn hiện tại. Xu hướng đi lên của thị trường vẫn được duy trì và việc VN-Index lên tiếp một số điểm cao mới trong ngắn hạn như mốc 1,250 – 1,260 hay 1,280 điểm chỉ là yếu tố thời gian.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Áp lực chốt lời gia tăng khiến chỉ số VN-Index điều chỉnh nhẹ trong 2 phiên cuối tuần trong bối cảnh chỉ số này đã trải qua chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp trước đó. Nhìn chung, tôi đánh giá 2 phiên điều chỉnh này thuần túy là phiên điều chỉnh kỹ thuật, giúp giải tỏa áp lực chốt lời trong bối cảnh điều kiện cơ bản của thị trường vẫn đang ở trạng thái lành mạnh.

Ông Nguyễn Việt QuangGiám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo tôi nhịp nghỉ này là cần thiết để VN-Index có thể tăng lên tới đỉnh cao hơn. Từ đáy nhịp chỉnh vừa rồi chỉ số cũng tăng được quanh 100 điểm rồi mà chưa có phiên chỉnh đáng kể nên nhịp nghỉ này của thị trường trước vùng kháng cự 1250 điểm là hợp lý.

Ông Lâm Gia KhangPhụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank

Diễn biến vượt ngưỡng kháng cự 1,200 điểm là tín hiệu xác nhận rõ ràng cho thấy chỉ số đang trong sóng 5 theo lý thuyết sóng Elliot. Với xu hướng dài hạn như thế, tôi cho rằng diễn biến điều chỉnh nhẹ trong tuần vừa qua chỉ nên được xem là giai đoạn tích lũy, hấp thụ lượng hàng lỏng lẻo trước khi chinh phục các đỉnh cao mới.

photo-1

Theo tôi các cổ phiếu đã tăng mạnh tuần vừa rồi sẽ dừng lại để các cổ phiếu có nền tích lũy ổn cũng như kết quả kinh doanh tốt sẽ tăng trong tuần tới. Hiệu ứng kết quả kinh doanh có lẽ còn kéo dài đến cuối tháng 4.

NGUYỄN VIỆT QUANG

Ông Ngô Quốc HưngChuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Mặc dù thị trường có 2 phiên giảm nhẹ vào cuối tuần vừa qua nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp trong chuỗi tăng 5/6 tuần vừa qua. Đà tăng này đã đưa chỉ số VN-Index tăng 11,6% kể từ đầu năm, vượt qua cả 2 chỉ số của thị trường chứng khoán Mỹ (S&P 500 tăng 9,9% và Dowjones tăng 10,4%), chứng khoán khu vực Châu Âu (STOXX Europe 600 tăng 9,6%) và chứng khoán khu vực Châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản (MSCI AC Asia Pacific chỉ tăng 3,8%).

Bên cạnh đó, chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp đã đưa thị trường vượt đỉnh lịch sử thì quán tính tăng sau đó có chậm đi như trong tuần vừa qua cũng là bình thường và cũng là nhịp nghỉ cần thiết trước khi lập các đỉnh cao mới. Trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu liên tiếp tạo các đỉnh mới cao hơn, thị trường trong nước vẫn còn nhiều thông tin hỗ trợ, con đường đi lên cũng ít cản trở hơn thì khả năng thị trường vẫn tiếp tục sóng 5 như đã bàn luận ở tuần trước dù chỉ số có thể sẽ không tăng mạnh do có sự phân hóa ở các cổ phiếu lớn sau chuỗi tăng vừa qua nhưng nhìn chung là thị trường vẫn tiếp tục hướng tới các đỉnh cao mới.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Kết quả kinh doanh quý 1 đã xuất hiện khá nhiều, tiêu biểu là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên giá cổ phiếu dường như đã phản ánh trước thông tin và tuần qua nhóm ngân hàng điều chỉnh giảm. Đà tăng giá của nhiều cổ phiếu đã khá lớn trong 2 tuần trở lại đây, theo anh chị liệu hiệu ứng của kết quả kinh doanh và dư địa tăng ngắn hạn dưới ảnh hưởng thông tin này còn nhiều không?

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Số lượng doanh nghiệp công bố các con số ước tính kết quả kinh doanh quý 1 mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng số các doanh nghiệp niêm yết, vì vậy tôi cho rằng các thông tin về lợi nhuận vẫn sẽ còn nhiều dư địa tác động đến diễn biến thị trường trong vài tuần tới.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã mở màn mùa báo cáo với các con số ước tính vượt kỳ vọng, đóng góp đáng kể vào diễn biến tích cực của thị trường trong 2 tuần gần đây. Việc áp lực bán có gia tăng trong 2 phiên cuối tuần ở nhóm ngành này là điều hoàn toàn hiểu được khi dòng tiền có sự vận động luân phiên chốt lời cổ phiếu vùng giá cao và tìm đến các cổ phiếu trễ nhịp.

photo-2

Giai đoạn tháng 4 có lẽ sẽ nhiều thông tin tích cực hơn giúp thị trường vận động đi lên là chủ yếu. Chưa kể đến những thông tin trả cổ tức, thông tin các quỹ nước ngoài giải ngân mới…

LÊ ĐỨC KHÁNH

Ông Ngô Quốc HưngChuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Tuần qua, VCB và BID giảm lần lượt 0,31% và 1,56% đã gây áp lực lên nhóm cổ phiếu ngân hàng, ở chiều ngược lại vẫn còn những cổ phiếu có mức tăng tốt như MBB tăng 5,91%, CTG tăng 2,91%, EIB tăng 10,05%,… và nhìn sang các nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn khác cũng tương tự do có sự phân hóa sau chuỗi tăng vừa qua.

Theo tôi hiện tượng này là bình thường của mùa báo cáo kết quả kinh doanh và dòng tiền sẽ dịch chuyển sang các cổ phiếu có thông tin mới cũng như được đánh giá có triển vọng hơn. Ở thời điểm hiện tại, các thông tin từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 hay từ mùa đại hội cổ đông vẫn sẽ là lực đẩy chính của thị trường trong ngắn hạn. Điều này cũng phù hợp với xu hướng của thị trường thế giới khi nhà đầu tư lạc quan về mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới. Tuần tới mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2021 ở Phố Wall sẽ bắt đầu, giới phân tích dự báo lợi nhuận quý 1 của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất của quý đầu năm kể từ năm 2018.

Ông Nguyễn Việt QuangGiám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Có lẽ nhịp tăng trước đó của nhóm ngân hàng đã phản ánh trước kết quả kinh doanh quý 1 rồi. Theo tôi các cổ phiếu đã tăng mạnh tuần vừa rồi sẽ dừng lại để các cổ phiếu có nền tích lũy ổn cũng như kết quả kinh doanh tốt sẽ tăng trong tuần tới. Hiệu ứng kết quả kinh doanh có lẽ còn kéo dài đến cuối tháng 4.

Ông Lâm Gia KhangPhụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank

Vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp chưa công bố số liệu ước tính về lợi nhuận quý I như VNM, nhóm cổ phiếu họ Vingroup, BVH, nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ, chứng khoán và một số cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản như NVL, KDH, KBC, v.v… Đây là các cổ phiếu có tác động khá lớn với chỉ số và kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực, nên dư địa tăng điểm của thị trường là vẫn còn.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Thông tin tác động tích cực và tiêu cực theo 2 hướng vẫn luôn ảnh hưởng đến diễn biến thị trường trong ngắn hạn. Giai đoạn tháng 4 có lẽ sẽ nhiều thông tin tích cực hơn giúp thị trường vận động đi lên là chủ yếu. Chưa kể đến những thông tin trả cổ tức, thông tin các quỹ nước ngoài giải ngân mới…

Cho dù khó có thể nói thông tin nào tác động tốt hơn hay tích cực hơn thông tin nào nhưng việc chỉ số chứng khoán đang ở điểm cao mới kèm theo thanh khoản duy trì ở mức tốt như hiện nay thì chúng ta có thể tạm gọi thị trường đã, đang và sẽ đón nhận thêm 1 số thông tin vĩ mô cũng như triển vọng ngành hay thông tin tốt về các doanh nghiệp trong 1 – 2 tuần tới.

photo-3

Chứng khoán từ nửa cuối năm 2020 đã trở thành kênh đầu tư thu hút sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Chính dòng tiền mới từ các nhà đầu tư mở tài khoản trong tháng 3 là động lực quan trọng giúp chỉ số vượt đỉnh ngay trong phiên đầu tiên của tháng 4.

LÂM GIA KHANG

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thị trường tuần qua cũng đón nhận con số kỷ lục về số lượng tài khoản mở mới trong tháng 3. Có nhiều hồ nghi về thực chất của con số này, chẳng hạn việc di chuyển tài khoản của cùng một nhà đầu tư sang các công ty chứng khoán nhỏ để tránh nghẽn lệnh, hoặc di chuyển tài khoản sang các công ty có dịch vụ margin rẻ hơn. Liệu con số tài khoản mới kỷ lục tháng 3 có bị khuếch đại nhiều lần?

Ông Lâm Gia KhangPhụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank

Theo tôi thì con số hơn 113,000 tài khoản mở mới trong tháng 3 khá tin cậy, là tổng hòa của nhiều yếu tố. Các nguyên nhân được đề cập như chuyển sang tài khoản công ty nhỏ để tránh nghẽn lệnh, chuyển tài khoản sang công ty có chính sách margin hấp dẫn chỉ là một phần nguyên nhân.

Trên thực tế, chứng khoán từ nửa cuối năm 2020 đã trở thành kênh đầu tư thu hút sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Chính dòng tiền mới từ các nhà đầu tư mở tài khoản trong tháng 3 là động lực quan trọng giúp chỉ số vượt đỉnh ngay trong phiên đầu tiên của tháng 4.

Ông Ngô Quốc HưngChuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Tôi cho rằng thật khó để bóc tách con số tài khoản mở mới như trên và những hồ nghi về thực chất của con số này là điều dễ hiểu. Nhưng về tổng thể thì số lượng tài khoản mở mới trong tháng 3 vừa qua tăng kỷ lục ở cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Điều quan trọng là thị trường đã phản ứng tích cực với thông tin này: chỉ số vượt đỉnh lịch sử, thanh khoản bình quân toàn thị trường (bao gồm HSX, HNX và Upcom) kể từ đầu tháng 4 đang ở mức kỷ lục mới 21.000 tỷ đồng/phiên và khối ngoại đã trở lại mua ròng sau chuỗi 6 tháng bán ròng liên tiếp.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Việc số lượng tài khoản mở mới tăng đột biến trong tháng 3 là hệ quả của nhiều yếu tố. Một mặt, việc hệ thống trên HSX bị nghẽn lệnh hay tình trạng margin căng cứng ở 1 số công ty chứng khoán lớn đã kích thích nhà đầu tư mở thêm tài khoản ở các công ty vừa và nhỏ khiến số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh nhưng không đồng nghĩa với việc số lượng nhà đầu tư mới tăng tương ứng.

Mặt khác, không thể phủ nhận việc chỉ số VN-Index vượt mốc 1.200 điểm 1 cách thuyết phục, kéo theo đó là các đánh giá tích cực từ giới phân tích về triển vọng thị trường đã kích thích nhiều người dân mở mới tài khoản tham gia lần đầu.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi nghĩ không quá quan trọng về số liệu các tài khoản mở mới, mà điều chúng ta chú ý hơn đó là xu hướng cải thiện hay tăng trưởng quy mô của thị trường, sản phẩm tài chính, số lượng công ty niêm yết, tổng khối lượng, giá trị giao dịch trên 3 sàn giao dịch để có cái nhìn tổng thể về bức tranh chung về thị trường chứng khoán.

Số liệu tăng trưởng kỷ lục về tài khoản mở mới trong tháng 3 cũng là điều hợp lý và là số liệu tin cậy bởi thanh khoản từ các nhà đầu tư nội đang lên và vượt mức cao mới đang phản ánh rõ nhất. Tôi cho rằng số lượng các tài khoản mở mới sẽ còn gia tăng nhiều hơn chứ không chỉ một vài trăm nghìn tài khoản mở hàng tháng như hiện nay. Tất nhiên giai đoạn thị trường diễn biến tốt là lúc tâm lý nhà đầu tư lên cao nhất và là lúc số lượng tài khoản tăng vọt. Rồi lại đến lúc số lượng gia tăng lại giảm hơn ví dụ trong quý II sắp tới.

Ông Nguyễn Việt QuangGiám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo tôi số lượng tài khoản mở mới tháng 3 tăng kỷ lục do các nguyên nhân: i) Thị trường chứng khoán vượt đỉnh thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư F0; ii) Thị trường nghẽn lệnh vẫn chưa được khắc phục, nhiều nhà đầu tư mở tài khoản ở các công ty chứng khoán nhỏ để giảm thiểu rủi ro hệ thống; iii) Giai đoạn vừa rồi nhiều công ty đưa ra chính sách chương trình ưu đãi margin, phí giao dịch thu hút khách hàng ở công ty chứng khoán khác.

photo-4

Trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu liên tiếp tạo các đỉnh mới cao hơn, thị trường trong nước vẫn còn nhiều thông tin hỗ trợ, con đường đi lên cũng ít cản trở hơn thì khả năng thị trường vẫn tiếp tục sóng 5, dù chỉ số có thể sẽ không tăng mạnh do có sự phân hóa ở các cổ phiếu lớn sau chuỗi tăng vừa qua nhưng nhìn chung là thị trường vẫn tiếp tục hướng tới các đỉnh cao mới.

NGÔ QUỐC HƯNG

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tuần trước anh chị giữ tỷ trọng cổ phiếu cân bằng và chờ đợi điểm giải ngân tốt hơn khi thị trường kiểm định lại. Vậy nếu thị trường điều chỉnh lúc này thì nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng cổ phiếu?

Ông Lâm Gia KhangPhụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank

Thị trường vẫn đang trong xu hướng đi lên trong dài hạn, việc điều chỉnh nếu xảy ra là cơ hội cho các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, với tỷ trọng cổ phiếu/tiền được khuyến nghị là 60/40. Cổ phiếu được lựa chọn giải ngân nên thuộc các nhóm ngành có triển vọng tích cực trong năm 2021 như ngân hàng, chứng khoán, thép, xi măng, đá, nhựa đường, xây dựng hạ tầng.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi vẫn đang duy trì tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt ở mức trung bình. Tỷ trọng cổ phiếu vẫn nhiều hơn và việc lựa chọn cổ phiếu mua vào đang trở nên khó khăn hơn. Tôi vẫn nghĩ sẽ ưu tiên cho các cổ phiếu triển vọng nhất cho dù Tthị trườngT có tăng vượt đỉnh tiếp hay không. Tất cả tùy thuộc vào các cơ hội đầu tư hay đầu cơ riêng lẻ trong tháng 4 quan trọng này.

Ông Nguyễn Việt QuangGiám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo tôi nhịp thị trường hiện tại NĐT có thể gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu nhưng chỉ nên giải ngân ở các mã chưa tăng mạnh và có nền tích lũy chặt chẽ hoặc đang hoàn thiện mô hình kỹ thuật tốt.

Ông Ngô Quốc HưngChuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Như đã phân tích ở trên, đây có thể là nhịp nghỉ cần thiết trước khi tăng cao hơn, dù chỉ số có thể tăng chậm lại do có sự phân hóa ở mặt bằng cổ phiếu nhưng nhìn chung con đường đi lên ít cản trở hơn và thị trường vẫn sẽ tiếp tục trong sóng 5. Do vậy, nếu thị trường điều chỉnh sẽ là cơ hội để nhà đầu tư có thể cơ cấu danh mục hoặc gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực về triển vọng thị trường và duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình cao.

Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *