Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự báo rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ làm giảm căng thẳng liên quan đến chính sách tỷ giá với các đối tác thương mại tại châu Á.
Fitch cho biết quan điểm rằng chính quyền ông Biden sẽ hạn chế bớt rủi ro căng thẳng về tiền tệ có thể dẫn đến những biện pháp trả đũa qua lại gây ảnh hưởng đến xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Trong báo cáo gần đây nhất công bố vào tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã có những cân nhắc về việc liệu một số nước có thao túng tỷ giá tiền tệ nhằm giành lợi thế thiếu công bằng trong thương mại. Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam và Thụy Sỹ vào danh sách nhóm nước thao túng tiền tệ.
Một số nước khác dù không bị đưa vào danh sách nước thao túng tiền tệ tuy nhiên cũng xuất hiện trong danh sách theo dõi của Bộ Tài chính Mỹ bao gồm Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, lãnh thổ Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. Ấn Độ và Singapore bị đánh giá đã có can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Việc bị Mỹ đưa vào danh sách nước thao túng tiền tệ không lập tức đồng nghĩa với nước đó sẽ ngay lập tức phải chịu chế tài phạt nào. Tuy nhiên, nó sẽ cần đến việc trao đổi song phương về chính sách tỷ giá, đồng thời nó có thể ảnh hưởng đến các thị trường ngoại hối, nó thể hiện việc phía Mỹ không hài lòng với chính sách tiền tệ hiện tại.
Tuy nhiên, Fitch lo ngại về rủi ro quy định mới sẽ có thể được áp dụng, đặc biệt nếu căng thẳng leo thang. Dưới thời của Tổng thống Trump, Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 5/2019 từng đề xuất biện pháp cho phép áp dụng biện pháp phạt với những nước hỗ trợ xuất khẩu thông qua việc hạ giá đồng tiền, dù rằng cuối cùng chưa có biện pháp nào được áp dụng.
Cho đến nay, chính quyền của ông Joe Biden vẫn giữ nguyên quan điểm chính sách cứng rắn với Trung Quốc mà chính quyền tiềm nhiệm Donald Trump đã áp dụng, tuy nhiên Fitch tin chính quyền Biden sẽ có chiến lược bớt đối đầu hơn với các nước đối tác thương mại tại châu Á bởi đã phát đi tín hiệu sẽ có cách tiếp cận đa phương với nhiều vấn đề căng thẳng kinh tế kéo dài.
Việc dự trữ ngoại hối tại nhóm các nền kinh tế châu Á từng được đề cập đến trong báo cáo mới đây nhất của Bộ Tài chính Mỹ tăng cao trong khoảng thời gian 12 tháng tính đến tháng 12/2020 chắc chắn sẽ khiến phía Mỹ quan tâm.
Tất nhiên, có nhiều yếu tố đằng sau việc dự trữ ngoại hối tăng, trong đó có thể là điều chỉnh tỷ giá, cũng có thể là do những nỗ lực điều chỉnh thay đổi cán cân thanh toán.
Fitch dự báo gói kích cầu của chính phủ Mỹ sẽ giúp hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nội địa và đẩy nhanh xuất khẩu của Mỹ, yếu tố này sẽ khiến cho thâm hụt hai chiều trong ngắn hạn với một số đối tác thương mại của châu Á leo thang, đặc biệt nơi mà nhu cầu nội địa bị hạn chế bởi các ảnh hưởng liên quan đến Covid-19.
Thặng dư thương mại cao sẽ có thể giúp cho dự trữ ngoại hối tăng cao nếu giới chức địa phương hạn chế nâng giá đồng tiền, tuy nhiên tác động của nó sẽ có thể được bù đắp bởi việc dòng vốn bị rút đi, cụ thể nếu như lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng khiến dòng vốn bị rút khỏi các thị trường châu Á.
Nếu căng thẳng tiền tệ giữa Mỹ và các nước đối tác châu Á không đúng như kỳ vọng của Fitch, so với các nền kinh tế châu Á được nhắc đến trong báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ lần trước, Việt Nam và Singapore sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất liên quan đến các rủi ro vĩ mô. Hai nền kinh tế này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, xuất khẩu của hai nước này sang Mỹ chiếm tỷ lệ cao trong tổng xuất khẩu nói chung.