Hầu hết mọi người đều biết tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Thiếu ngủ vào ban đêm có thể ảnh hưởng tới hoạt động của bạn vào sáng hôm sau. Theo thời gian, tình trạng này góp phần dẫn tới các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là bệnh tâm lý. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, người trưởng thành cần chợp mắt 7-8 tiếng mỗi đêm để sở hữu một cơ thể khỏe mạnh.
Tất cả chúng ta đều muốn ngủ đủ, có một giấc ngủ ngon và không bị gián đoạn. Tuy nhiên, tại sao điều này lại khó thực hiện đến vậy?
Những chia sẻ dưới đây của Olivia Arezzolo, chuyên gia về giấc ngủ tại Sydney, Úc sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này và làm rõ mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm với rối loạn giấc ngủ :
Mục Lục
Liên hệ mật thiết
Căng thẳng là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống. Nếu tình trạng này kéo dài và không được kiểm soát kịp thời, chúng có thể dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ.
Trầm cảm là một trong những bệnh về tâm lý vô cùng phổ biến. Trên thực tế, theo thống kê của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, 300 triệu người trên toàn thế giới, tương đương với 4,4% dân số toàn cầu, đã phải đối mặt với tình trạng này.
Chuyên gia Olivia chia sẻ: “Là người đã từng mắc trầm cảm, tôi hiểu được tình trạng này ảnh hưởng thế nào tới giấc ngủ. Nhìn chung, 97% những người bị trầm cảm nói rằng họ bị rối loạn giấc ngủ”.
Thiếu ngủ dẫn đến trầm cảm
Sở hữu chất lượng giấc ngủ kém liên quan đến các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm lý như lo âu, trầm cảm.
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy thiếu ngủ ảnh hưởng thế nào tới tâm trạng. Nói cách khác, tâm trạng phản ánh phần nào thời gian chợp mắt mỗi đêm của chúng ta. Các chuyên gia tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) đã tiến hành nghiên cứu về thời gian ngủ mỗi đêm trong một tuần sẽ ảnh hưởng thế nào tới tâm trạng.
Họ phát hiện ra càng thiếu ngủ thì tâm trạng càng trở nên tồi tệ hơn. Hơn nữa, những người mắc chứng mất ngủ mãn tính còn có nguy cơ phải đối mặt với bệnh trầm cảm cao gấp 10 lần so với người khác.
Tác động của trầm cảm đến giấc ngủ
Theo ước tính, cứ năm người thì có một người Úc gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm lý mỗi năm.
Ngược lại, trầm cảm cũng tác động không nhỏ tới giấc ngủ. Theo báo cáo của NIH, 97% những người đang phải đối mặt với tình trạng này bị rối loạn giấc ngủ, 58% không ngủ được, 59% thường xuyên thức dậy giữa đêm, 61% thức dậy quá sớm, vào 3-4 giờ sáng và không thể ngủ được nữa.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện, những người mắc trầm cảm dành nhiều thời gian hơn trong giai đoạn giấc ngủ REM , ít thời gian hơn trong giai đoạn ngủ sâu và thường bị lệch nhịp sinh học, ngủ hoặc thức dậy muộn hơn bình thường.
Những người có giấc ngủ kém liên quan đến căng thẳng thường phải đối mặt với 2 ảnh hưởng sức khỏe là: Thay đổi nhịp sinh học và ảnh hưởng tới hormone
Thay đổi nhịp sinh học
Nhịp sinh học là chu kỳ ngủ và thức tự nhiên của con người. Ngoài yếu tố di truyền, chúng còn chịu tác động từ bên ngoài như ánh sáng xanh, căng thẳng, thói quen ăn uống, lối sống. Theo chuyên gia Olivia, những “cú đêm” thức tới 1-2 giờ đêm và dậy sau 9 giờ sáng có xu hướng phải đối mặt với trầm cảm gấp 4 lần so với người có thói quen ngủ sớm và dậy sớm.
Ảnh hưởng tới hormone
Các hormone hạnh phúc serotonin và dopamine chịu ảnh hưởng bởi nhịp sinh học. Do đó, thiếu ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ sẽ tác động tới tâm trạng của bạn.
Mất ngủ cũng góp phần làm tăng cortisol, hormone gây căng thẳng. Mọi người có thể dễ dàng nhận thấy sau một hoặc hai ngày không ngủ đủ giấc, cảm giác mệt mỏi hay kiệt sức là điều khó thể tránh khỏi.
Ngoài ra, lý do khiến tâm trạng trở nên tồi tệ cũng bắt nguồn từ nhiều vấn đề cùng một lúc. Theo chuyên gia Olivia, 80% những người mắc trầm cảm cho biết họ bị căng thẳng trong thời gian dài, kéo theo tình trạng rối loạn giấc ngủ liên tục.
Làm thế nào để đi vào giấc ngủ nhanh hơn?
Ngoài việc luyện tập và ăn kiêng, một vấn đề quan trọng mọi người cần lưu ý là những thói quen trước khi đi ngủ. Ánh sáng từ máy tính xách tay, điện thoại có thể cản trở cơ thể sản sinh hormone đưa bạn vào giấc ngủ. Do đó, đừng quên tắt các thiết bị điện tử trước khi đặt lưng lên giường và điều chỉnh ánh sáng trong phòng. Đồng thời, theo chuyên gia Olivia, ngủ trước 10 giờ tối cũng là việc làm cần thiết để có giấc ngủ sâu.
Ngoài ra, cố ngủ bù cũng không mang lại lợi ích như nhiều người vẫn nghĩ. Nếu bạn thường thức dậy lúc 6h30 nhưng ngủ đến 8h30, đồng hồ sinh học sẽ bị lùi lại 45 phút, từ đó khiến bạn khó thể chợp mắt vào ban đêm hơn.
(Nguồn: Bodyandsoul)