Theo thông tin của tờ Thời báo Thông tin tại Trung Quốc, Xiaojun, một chàng trai 27 tuổi đến từ Quảng Châu đã phát hiện ra rằng các khớp của mình đột nhiên bị đau âm ỉ. Ban đầu anh chỉ nghĩ rằng đó là một chấn thương thể thao, nhưng các “cuộc tấn công” của cơn đau trở nên ngày càng thường xuyên hơn.
Mặc dù gia đình đã nhắc nhở Xiaojun rằng thói quen uống nước ngọt của anh là hoàn toàn không tốt, nhưng anh không bao giờ quan tâm và không kiểm soát chế độ ăn uống của mình. Cho đến gần đây, Xiaojun đã tìm đến bác sĩ để điều trị vì bàn chân phải bị lở loét nhiều lần, biến dạng nhiều khớp tứ chi và các hạt tophi màu trắng vàng xuất hiện chi chít trên tay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của anh.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện ra rằng axit uric của Xiaojun cao tới 597umol/L, siêu âm cho thấy dấu hiệu của bệnh thận và bệnh gút. Sau khi liên tục hỏi han, bác sĩ đã biết rằng Xiaojun đã uống rất nhiều cola, nước trái cây và các đồ uống khác mỗi ngày kể từ tuổi dậy thì của mình, hầu như không ngày nào là không uống.
Vì vậy, bác sĩ yêu cầu Xiaojun điều chỉnh lại lối sống, kiêng khem, uống nhiều nước, uống thuốc hạ axit uric, nếu có hạt tophi hay sỏi thận thì duy trì axit uric ổn định lâu dài và kiểm soát axit uric dưới 300umol/L có thể hòa tan tophi, ngăn chặn quá trình phá hủy xương tiếp tục xảy ra.
Ngày càng nhiều người trẻ bị gút vì… nghiện nước ngọt có ga
Tiến sĩ Huang Wenhui, Giám đốc Khoa Thấp khớp và Miễn dịch học tại Bệnh viện Chi nhánh thứ hai của Đại học Y khoa Quảng Châu chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc bệnh gút đã tăng lên hàng năm trong những năm gần đây, đặc biệt là ở giới trẻ.
Điều này có liên quan rất nhiều đến việc cải thiện mức sống, ăn uống thất thường và ăn quá nhiều. Bệnh gút là căn bệnh liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống, ngoài hải sản, thịt cá lớn, uống rượu bia có thể gây ra bệnh gút thì đồ uống nhiều đường, có ga và các đồ uống khác cũng có thể làm tăng axit uric.
Ông giải thích rằng đồ uống có ga chứa nhiều fructose (siro fructose cao), chất này có thể chuyển hóa trong cơ thể để thúc đẩy quá trình tổng hợp purin, cuối cùng tạo ra axit uric. Tiêu chuẩn hấp thụ lượng đường fructose hàng ngày đối với người bình thường là 30 – 80g (trung bình 40g). Và cứ 100ml nước ngọt có ga chứa khoảng 10,6g đường. Uống nhiều đồ uống có ga sẽ gây ra lượng đường fructose quá mức và axit uric sẽ tăng đáng kể.
Ông cũng cảnh báo một số loại nước ngọt được quảng cáo là không chứa đường, nhưng chất làm ngọt nhân tạo có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và thèm đồ ngọt vẫn có thể được cho vào, cuối cùng có thể dẫn đến béo phì do ăn quá nhiều.
Bác sĩ Huang chỉ ra rằng khi nồng độ axit uric trong cơ thể quá cao và máu không thể tiếp tục hòa tan, nó sẽ từ từ kết tụ thành các tinh thể ở các khớp và da, tạo thành các hạt tophi. Các hạt này không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn làm tổn thương xương khớp, vận động tay chân không thuận tiện, giảm chất lượng cuộc sống.
Ông chỉ ra rằng axit uric trong cơ thể con người chủ yếu xuất phát từ hai khía cạnh: sản phẩm sinh ra từ quá trình phân hủy protein của cơ thể, axit uric nội sinh hình thành do tác động của các enzym; và axit uric bên ngoài hình thành do ăn các hợp chất purin… thông qua quá trình tiêu hóa, hấp thụ và hoạt động của các enzym.
Do đó, ông khuyến cáo ngoài việc tránh xa đồ uống ngọt có ga, thực phẩm có hàm lượng purin cao (dễ gây bệnh gút), bạn cũng nên uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên. Nước tiểu giúp đào thải axit uric ra khỏi cơ thể con người, lượng nước đi tiểu hàng ngày của cơ thể con người là khoảng 1 – 2 lít, trung bình khoảng 1,5 lít, vì vậy người bình thường nên cố gắng uống từ 1,5-1,7 lít nước mỗi ngày. Đối với bệnh nhân gút, nên uống hơn 2 lít nước mỗi ngày.
Cuối cùng, bác sĩ Huang nhấn mạnh, mấu chốt của bệnh gút có thể kiểm soát và chữa khỏi là kiểm soát được axit uric, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa về miễn dịch, thấp khớp và không nên tin tưởng một cách mù quáng vào các bài thuốc khác nhau lan truyền trên mạng.
Nguồn và ảnh: Skypost, Healthline, BV ĐKQT Vinmec