Sốt đất gây náo loạn, bất ổn thị trường BĐS
Theo ông Hoàng, giá đất tại một số khu vực tuy có tăng vì một vài lý do tác động, nhưng chưa cao đến mức gọi là “giá ảo”. Thực tế, phải kiểm tra tính xác thực của các giao dịch đó. Tuy nhiên, vấn đề phân khúc đất nền sôi động trong thời gian qua là có thực ở rất nhiều nơi. Và, đối với thị trường BĐS, tình trạng sốt đất, tăng giá tại nhiều địa phương đang gây náo loạn, làm bất ổn định thị trường. Giá đất tăng kéo theo nhiều hệ lụy như chi phí đầu vào của chủ đầu tư tăng. Chưa kể, giá nhà đất tăng liên tục, khiến khả năng mua nhà ở của đại bộ phận dân cư có mức thu nhập khiêm tốn ngày càng khó.
Đối với nền kinh tế xã hội nói chung, thì việc đầu tư mua đi bán lại sẽ làm cho nhiều dự án,khu dân cư, đô thị bị bỏ trống. Đồng thời, nhiều khu dân cư cũ nát, ven kênh rạch chưa được cải tạo khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của đại bộ phận dân chúng có thu nhập khiêm tốn vẫn rất lớn nhưng chưa đủ nguồn cung để đáp ứng.
Bên cạnh đó, công tác đền bù giải tỏa của nhà nước cho các công trình/dự án xã hội gặp nhiều khó khăn. Thị trường và kinh tế lệch lạc khi cả xã hội cứ đua vào đầu tư, đầu cơ BĐS. Trong khi đó, các hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh khác chưa nhận được sự đầu tư xứng đáng, đặc biệt là những ngành nghề sản xuất ra của cải vật chất.
“Cắt nghĩa” cơn sốt đất lan rộng, ông Nguyễn Hoàng chỉ ra 5 lý do chính. Thứ nhất do tâm lý thị trường. Thông thường, sau mỗi dịp Tết Nguyên Đán, thị trường BĐS nói chung và phân khúc đất nền nói riêng khá sôi động. Các chủ đầu tư và môi giới đua nhau ra hàng, tăng cường các hoạt động quảng cáo, tiếp thị nên thị trường khá rôm rả. Cùng với đó, người mua F0 hay Fn có tài chính tích lũy sau 1 năm, tìm mua BĐS để biến tiền mặt thành tài sản.
Thứ hai, kinh tế vĩ mô ổn định. An toàn y tế, xã hội ổn định (dịch Covid-19 được kiểm soát tốt); kinh tế và các hoạt động kinh doanh đi vào ổn định; vốn FDI vẫn rất tích cực và tiềm năng; xuất khẩu vẫn tích cực; tỉ giá VND khá ổn định trong 3 – 4 năm qua… là lý do khiến thị trường BĐS vẫn có đà phát triển.
Thứ ba, chính sách – Đô thị: Quyết định phân loại đô thị của thủ tướng chính phủ, trong đó giai đoạn năm 2021 – 2025 và năm 2025 – 2030 sẽ nâng cấp một số đô thị. Đề xuất các huyện lên quận tại Tp.HCM trong giai đoạn năm 2021 – 2025 và năm 2025 – 2030 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường BĐS các khu vực.
Thứ tư, hạ tầng giao thông: Hiện Chính phủ đang thúc đẩy tiến độ một số dự án/công trình đang dở dang – Chuẩn bị đầu tư một số dự án mới cũng tác động không nhỏ đến thị trường BĐS. Những khu vực được hưởng lợi trực tiếp từ hạ tầng, giá BĐS đã thiết lập mặt bằng mới thời điểm đầu năm 2021.
Thứ năm, dòng tiền đang chuyển đổi mạnh sang BĐS: Theo ông Hoàng, thị trường chứng khoán đang phát triển trong thời gian qua và tiếp tục diễn biến tích cực, nhiều người đã chuyển lợi nhuận vào BĐS. Ngoài ra, từ giữa tháng 3/2021 trở về trước, lãi suất ngân hàng vẫn trong xu hướng ổn định và thấp hơn trước, đây chính là động lực để người mua tiếp tục tìm kiếm BĐS.
Trước thông tin thật giả lẫn lộn, NĐT hết sức cẩn trọng
Theo ông Nguyễn Hoàng, mua bán BĐS là nhu cầu chính đáng, dù là mục đích ở hay đầu tư. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của thị trường và nhiều thông tin nhiễu loạn, thật giả lẫn lộn, người mua phải hết sức thận trọng tìm hiểu kỹ nhiều vấn đề, khía cạnh như: Xác định rõ nhu cầu và năng lực tài chính thực tế; Loại hình nhà đất phù hợp với nhu cầu: Đất nông nghiệp, đất thổ cư, căn hộ,…; Giấy tờ pháp lý, chủ quyền của BĐS đó; Theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin diễn biến thị trường. Đồng thời, NĐT thận trọng những thông tin không rõ ràng, không có căn cứ chính xác, kiểm tra tính pháp lý ngay tại địa phương.
“Đặc biệt, NĐT không để ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, nên tìm đến những dự án, chủ đầu tư hoặc đơn vị môi giới bán hàng có tên tuổi, uy tín và sự chuyên nghiệp để được tư vấn hợp lý”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Chia sẻ việc chính quyền địa phương cần làm gì để hạn chế rủi ro cho người dân trong cơn sốt đất, ông Hoàng cho rằng, thông tin minh bạch, rõ ràng, kể cả định hướng quy hoạch của địa phương về sự có mặt của dự án. Hiện nay, nhiều chính quyền địa phương làm rất tích cực về vấn đề này. Đồng thời, kịp thời có sự phối hợp kiểm tra với cơ quan chức năng, kể cả chủ đầu tư và các bên liên quan. Đối với những diễn biến có tính chất tiêu cực, vi phạm pháp luật, nên phối hợp với cơ quan công an để làm rõ vấn đề và có phương án xử lý mạnh mẽ, triệt để.