Sau hơn 3 tháng kinh doanh nhà hàng, đến nay chị M phải nhờ môi giới chuyển nhượng mặt bằng thuê để lấy lại số tiền cọc 70 triệu đồng. Trước đó, chị M thuê một mặt bằng khá rộng để kinh doanh nhà hàng với giá thuê 35 triệu đồng/tháng. Tháng đầu tiên, lượng khách khá tốt do còn chương trình khuyến mãi dịp khai trương. Khoảng hơn hai tháng nay, nhà hàng rất vắng khách, thậm chí nguồn thu không đủ để chi trả tiền mặt bằng, chưa kể các chi phí khác.
Theo chia sẻ của chị M, nếu như giai đoạn trước chị sẽ cố gắng “gồng” khoảng 6 tháng đến 1 năm, vì thường giai đoạn đầu phải chấp nhận câu chuyện kinh doanh ít khách. Tuy nhiên, vì bối cảnh chung khó khăn nên chị nhìn “không thấy tương lai”, nếu càng kéo dài có thể càng lún sâu. Vì thế, chị quyết định dừng kinh doanh dù trước đó là rất nhiều tâm huyết bỏ vào mảng này.
Ghi nhận cho thấy, làn sóng trả mặt bằng vẫn tiếp diễn tại Tp.HCM những tháng cuối năm. Nếu tại khu trung tâm tình trạng trả mặt bằng diễn ra khá nhiều thì khu ven – vốn giá mặt bằng ở mức thấp cũng đang chứng kiến lực càn quét mạnh mẽ. Tỉ lệ mặt bằng trống tăng lên rõ nét tại các tuyến đường kinh doanh dịp cuối năm. Điều này cho thấy, những khó khăn về kinh tế đang tạo ra sự ảm đạm trên thị trường mặt bằng cho thuê.
Số liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, nhu cầu tìm thuê nhà mặt phố Tp.HCM có động thái giảm từ quý 1/2023, nhất là ở các khu vực trung tâm. Theo đó, lượt khách tìm thuê nhà phố quận 1 giảm 40%, quận 3 giảm 45%, các quận ngoài trung tâm khác là quận 7 giảm 52%, quận 10 giảm 48% và Phú Nhuận giảm 50% so với nhu cầu thuê thời điểm quý 4/2022.
Việc hàng loạt mặt bằng đóng cửa trên các tuyến phố sầm uất và đang lan rộng ra khu ven Tp.HCM cho thấy những khó khăn kinh tế đang ảnh hưởng trực tiếp lên các ngành nghề kinh doanh. Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh thu của các cửa hàng giảm, thì chi phí mặt bằng đắt đỏ khiến các doanh nghiệp không thể kham nổi.
Các chuyên gia dự bá, làn sóng trả mặt bằng dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.