Bất động sản đang trở thành mối quan tâm lớn của nhiều người. Bất kể là ai, dù làm nghề gì đều có suy nghĩ rằng chỉ cần nhen nhóm chút vốn là có thể đầu tư bất động sản. Nhiều địa phương đang chứng kiến cơn sốt đất lan rộng.
Bên cạnh các dự án có tính pháp lý minh bạch, hạ tầng được đầu tư đồng bộ hiện đại, các sản phẩm có tính thanh khoản cao, thậm chí nhiều khu đô thị có sổ đỏ ngay khi tiến hành giao dịch đất nền…được các nhà đầu tư săn đón, tạo nên không khí giao dịch sôi động trên thị trường.
Nhưng cũng chính việc sốt đất lan rộng cũng là cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng trục lợi bằng nhiều “chiêu” bán đất nền, tạo giá sốt ảo…khiến nhiều nhà đầu tư nếm trái đắng.
Trên thị trường hiện nay, hàng trăm dự án được rao bán dưới hình thức “bán múa non”. Nghĩa là bán dự án khi chưa đủ điều kiện huy động vốn, thiếu các pháp lý quan trọng nhưng vẫn đưa vào kinh doanh. Thậm chí, nhiều dự án căn hộ rao bán khi mới chỉ ½.000, rồi ký kết nhận cọc của khách hàng dưới hình thức “Hợp đồng vay vốn”.
Ngoài ra, không ít dự án nhà ở, khu đô thị thậm chí chưa có bất kỳ pháp lý nào đã tiến hành thu tiền cọc của khách hàng lên đến 50% giá trị của sản phẩm.
Thông thường, trước khi giao kết hợp đồng giao dịch BĐS, các bên sẽ tiến hành đặt cọc. Đây là hình thức phổ biến nhằm đảm bảo cho việc giao dịch hoặc là bước chuẩn bị cho việc giao kết hợp đồng mua bán. Tuy vậy, có nhiều rủi ro trong quá trình ký hợp đồng đặt cọc khiến cho người mua rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Mới đây, bà N.T.T.H có đơn phản ánh đến báo chí về một dự án nhà ở tại khu Tây, Tp.HCM huy động vốn từ năm 2018. Sản phẩm rao bán là các căn nhà phố, shophouse có giá từ 5-7 tỷ đồng.
Tin tưởng lời hứa hẹn của chủ đầu tư, bà H. đóng cho sàn môi giới của công ty này hơn 3,5 tỷ đồng để mua 1 căn nhà phố xây sẵn. Theo như hợp đồng đặt cọc, công ty này hứa hẹn đến đầu năm 2020 sẽ tiến hành giao nền đất và tiến hành xây dựng nhà.
Tuy nhiên, quá thời hạn giao đất, bà H. đến khu đất nói trên thì vẫn chỉ bãi đất trống nên vô cùng hoang mang. Sau khi nhờ người thân quen thì tìm hiểu thì bà H. mới vỡ lẽ là dự án nói trên chưa có bất kỳ văn bản pháp lý nào. Rất may, sau đó bà H. lấy lại được tiền cọc nhưng vô cùng khó khăn khi chủ đầu tư chỉ trả tiền nhỏ giọt, chia làm 5-7 đợt thì mới hết số tiền đã đóng.
Theo quan sát, hiện nay khá nhiều nhà đầu tư bỏ hàng tỷ đồng đi mua bán BĐS nhưng lại không hiểu gì về BĐS. Không ít gia đình lâm vào cảnh không nhà chỉ vì tin lời hứa hẹn của người bán. Điển hình là câu chuyện Alibaba lừa đảo hàng ngàn người với hàng chục ngàn tỷ đồng vào năm 2019, là một lời cảnh tỉnh trong đầu tư nhà đất.
Liên quan câu chuyện này, nhà chức trách xác định Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện) lập ra Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty thành viên thu gom nhiều đất nông nghiệp. Nhóm cầm đầu sau đó giao cho các cá nhân đứng tên rồi tự vẽ ra dự án không có thật để bán cho 6.700 khách hàng, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng. Đầu năm 2020, hàng loạt công ty bán dự án ma cũng bị phanh phui. Không ít lãnh đạo bán dự án ma lừa đảo hàng ngàn khách hàng để họ lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Theo các chuyên gia, đầu tư BĐS là một cuộc chơi mạo hiểm và chỉ phù hợp cho những người “tàu ngầm” lâu trong ngành. Với những nhà đầu tư lâu năm, họ sẽ biết phân tích cơ hội, rủi ro, thách thức của một dự án để tính toán hợp lý về mức độ sinh lời và tránh được những rủi ro cần thiết. Trong khi đó, đối với những nhà đầu tư quá non nớt thì khả năng đánh giá pháp lý, rủi ro và những thách thức khác xung quanh dự án gần như không có.
Thậm chí, nhiều người sau khi biết mất tiền thì mới tá hỏa là mua phải dự án không có pháp lý. Do đó, theo lời khuyên của các chuyên gia, bất động sản vốn dĩ không phải là cuộc dạo chơi nên lại càng phải hết sức thận trọng. Trước khi đầu tư vào bất cứ khu vực nào, nhà đầu tư cần trang bị đầy đủ kiến thức và khảo sát thật kỹ lưỡng trên nhiều yếu tố rồi mới “xuống tiền”.