Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) đã đề xuất như vậy khi phát biểu tại tọa đàm “Tỉnh táo trong cơn sốt đất” do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 8-4.
Theo ông Lê Hoàng Châu, nhu cầu đầu tư là chính đáng của mọi người dân, thành phần kinh tế. Với thị trường bất động sản, có nhiều nhà đầu tư F0 (lần đầu tham gia thị trường) góp mặt trên thị trường nên xuất hiện tâm lý đám đông là điều dễ hiểu vì họ thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
Chủ tịch HoREA nhấn mạnh sốt đất hiện nay, thật sự là sốt giá bất động sản trên tất cả loại hình, không chỉ đất nền và đất nông nghiệp mà cả sốt giá căn hộ, dự án nhà biệt thự, nhà phố và cả khu vực đô thị cũ, giá nhà đất tại khu vực đô thị cũ cũng tăng lên rất cao….
Ông Lê Hoàng Châu đề xuất những biện pháp để chống sốt đất
Chưa kể, tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều cơ sở kinh doanh khiến họ phải chuyển hướng đầu tư, trong đó bất động sản là kênh có đặc thù cất trữ tài sản an toàn với tâm lý dù tiền có mất giá nhưng đất không mất giá.
“Lãi suất tiền gửi tiết kiệm chưa bao giờ thấp như vậy. Doanh nghiệp bất động sản được vay với lãi suất thấp nhất trong thời gian qua. Lãi suất xuống thấp cũng góp phần hướng dòng tiền tiết kiệm sang bất động sản. Ngoài ra, tâm lý đám đông có phần đến từ giới đầu nậu, môi giới vì cả nước chỉ khoảng 300.000 môi giới được đào tạo chứng chỉ hành nghề, nên đòi hỏi tính chuyên nghiệp, đạo đức kinh doanh là rất khó. Và việc một số đầu nậu làm giá, thổi giá là khó tránh” – ông Lê Hoàng Châu phân tích.
Hệ lụy của tình trạng sốt giá cũng không mới, đã từng xảy ra hơn 10 năm trước. Như câu chuyện của TP Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với 5 lần sốt giá và 5 lần xẹp “bong bóng” và nhà đầu tư cuối cùng “ôm sô”, không rút ra kịp thì mất tài sản. Hệ lụy này khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại, thậm chí phá sản trong khi nhà đất bị bỏ hoang. Bài học từ những cơn sốt giá đất trước đây, khi cơn sốt đi qua đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
“Hệ lụy lớn của những cơn sốt đất là đông đảo người thu nhập trung bình và thấp bị mất cơ hội vì mặt bằng giá đẩy lên quá cao. Như vừa qua có một dự án có giá 30-33 triệu đồng/m2 nhưng sau cơn sốt, giá bán đã được đẩy lên trên 50 triệu đồng/m2… Và cơ hội có nhà ở của người tiêu dùng có nhu cầu thật bị mất đi” – ông Lê Hoàng Châu nói.
Về giải pháp để triệt những cơn sốt đất, lãnh đạo HoREA đề xuất ở góc độ quản lý nhà nước kinh nghiệm từ một số nước cho thấy khi xử lý vấn đề này cần đánh thuế chuyển nhượng rất cao để triệt tiêu ý chí của nhà đầu tư. Cụ thể, nếu nhà đầu tư mua đi bán lại sẽ bị đánh thuế cao trong 2-3 năm đầu khi chuyển nhượng.
Đồng thời, nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa đất vào sử dụng. Hiện nay, nhà nước có chính sách thu hồi đất, chậm đưa vào sử dụng nhưng chỉ thu hồi những dự án bất động sản không đưa vào sử dụng. Trong khi ở Trung Quốc, họ làm những công cụ này rất tốt, như khi có “bong bóng” thì ngay lập tức chính quyền địa phương áp thuế suất cao.
Trong khi tại Việt Nam, thuế suất thuộc Luật thuế phải được Quốc hội thông qua nên chưa kịp thời do đó có thể giao mức thuế suất này cho Chính phủ quyết định để phù hợp với diễn biến thị trường.
Ngay với cơ chế về tín dụng, việc cho vay 70% giá trị tài sản bảo đảm có thể tạo cơ hội để nhà đầu tư vay mua lướt sóng nhiều hơn. Chính sách tín dụng này cũng cần thay đổi ở những giai đoạn sốt giá nhà đất, như giảm hạn mức cho vay xuống từ 70% về 30-50% tùy giai đoạn, kiểm soát việc đầu tư lướt sóng qua dòng tín dụng đổ vào thị trường bất động sản.
Ngoài ra, công cụ về quy hoạch, chủ yếu là các tỉnh, cần quy hoạch sử dụng đất, có kế hoạch sử dụng đất hằng năm, ví dụ định hướng phát triển TP HCM về hướng nào, mỗi năm sẽ được quy hoạch. Việc này nằm trong tầm tay của chính quyền các tỉnh, thành nên cần được triển khai hiệu quả, vừa tăng nguồn cung cho thị trường nhà đất, vừa kiểm soát được thị trường bất động sản.
Toàn cảnh tọa đàm “Tỉnh táo trong cơn sốt đất”
Theo Thái Phương. Ảnh: Tấn Thạnh