Tuy nhiên, khả năng thành công trong việc vận hành một nền kinh tế vốn suy thoái do đại dịch lại không hiệu quả ở những nền kinh tế mới nổi. Điều này làm nổi bật tình trạng chia rẽ giữa các nền kinh tế.
Ngay cả khi có sự chia rẽ, triển vọng kinh tế toàn cầu đã có sự cải thiện đáng kể sau những dự báo trước đó của IMF vào đầu năm nay. Mới đây, tổ chức này đã điều chỉnh, nâng kỳ vọng với hầu hết các quốc gia. Theo dự báo của IMF, nền kinh tế toàn cầu sẽ ghi nhận 2 năm tăng trưởng nhanh là 2021 và 2022, với 6% và 4,4%. Ngoài ra, IMF cũng hạ quy mô ước tính đối với sự sụt giảm của sản lượng toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch vào năm ngoái.
Các dự báo của tổ chức này cho thấy ảnh hưởng đối với nền kinh tế hậu đại dịch sẽ giống như cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008-2009 – vốn khiến các quốc gia chật vật vì đà tăng trưởng yếu trong 1 thập kỷ sau đó. Theo IMF, các nền kinh tế phát triển sẽ tạo ra sản lượng thấp hơn khoảng 1% so với mức trước đại dịch. Tuy nhiên, trong cuộc suy thoái 2008-2009, con số này là hơn 10%.
Tăng trưởng GDP của thế giới, nền kinh tế phát triển, nền kinh tế mới nổi và quốc gia thu nhập thấp theo dự báo của IMF.
Theo Gita Gopinath – kinh tế gia trưởng của IMF, nhìn chung, tác động kinh tế của đại dịch “yếu hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.” Bà cho biết thêm, các nền kinh tế phát triển đang có rất ít “tàn dư sau đại dịch và ở Mỹ thậm chí là không có.”
IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ cho năm 2021 thêm 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó vào tháng 1. Dự báo đối với Canada tăng 1,4 điểm phần trăm, Italy tăng 1,2 điểm phần trăm và Anh tăng 0,8.
Ngoài ra, IMF đặc biệt lạc quan về triển vọng hồi phục nhanh chóng của Mỹ trong khi không có áp lực lạm phát. Bà Gopinath cho hay: “Mỹ thực sự là nền kinh tế lớn duy nhất có sản lượng kinh tế năm 2022 được dự báo sẽ vượt qua mức trong trường hợp đại dịch không xảy ra.”
Tuy nhiên, IMF lưu ý rằng một số quốc gia, nhóm người sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn so với những nước khác. Các khu vực ở châu Âu đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh khác và có thể mất nhiều thời gian hơn để hồi phục. IMF lại lạc quan rằng EU sẽ bắt kịp các nền kinh tế phát triển khác như Mỹ chỉ trong vài năm tới.
Dự báo tăng trưởng của IMF với 1 số quốc gia trong năm 2021.
Đến năm 2024, IMF dự kiến các nền kinh tế châu Âu vốn chịu tác động mạnh sẽ gần như lấy lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Đó là bởi các quốc gia phát triển và doanh nghiệp tại đó đã chứng tỏ sự vững chắc hơn nhiều so với dự đoán của IMF.
Ngược lại, IMF dự báo cuộc khủng hoảng sẽ là “lực cản” kéo dài đối với các nền kinh tế mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc. Sản lượng kinh tế của các quốc gia này vào năm 2024 được dự báo sẽ thấp hơn gần 8% so với mức ước tính trước đại dịch.
Các quốc gia có nguy cơ hồi phục chậm nhất cũng là các nền kinh tế mới nổi, bởi họ ít có khả năng tiếp cận với vắc-xin Covid-19, những quốc gia có hệ thống tài chính công yếu và phụ thuộc vào du lịch. Tác động đối với các nền kinh tế mới nổi trong ngắn hạn thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi lĩnh vực giáo dục gặp gián đoạn, nhất là các nước nghèo hơn vì khả năng tổ chức các lớp học trực tuyến bị hạn chế.
Gopinath cho biết việc các gói kích thích tài khóa lớn dẫn đến áp lực lạm phát chưa gây ra mối lo ngại ở thời điểm hiện tại. Đó là bởi các chính phủ toàn cầu sẽ kiểm soát mức giá chung và chưa có dấu hiệu nào cho thấy các NHTW hay chính phủ mất kiểm soát.
Tuy nhiên, điều này cũng làm nổi bật mối rủi ro về việc Mỹ cần đi đầu trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng nếu áp lực lạm phát tăng nhanh. Điều này có thể ảnh hưởng đặc biệt đến các thị trường mới nổi khi dòng vốn có thể quay trở lại các nền kinh tế phát triển.
Gopinath nói thêm, cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD của Mỹ gây bất ổn cho thị trường quốc tế. Đây là dấu hiệu đáng mừng.