Hiện có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam gồm HSBC (Hồng Kong – Thượng Hải), ANZ (Australia), Standard Chartered (Anh), Shinhan (Hàn Quốc), Hong Leong (Malaysia), Public Bank Berhad (Malaysia), Woori (Hàn Quốc), CIMB (Malaysia) và UOB (Singapore).
Đa số các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam không đẩy mạnh cạnh tranh với các ngân hàng nội ở mảng thị trường bán lẻ mà tập trung phát triển thế mạnh riêng của mình về dịch vụ ngân hàng đầu tư, dịch vụ tài chính doanh nghiệp, cung cấp các sản phẩm tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Quy mô của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam những năm qua cũng dần có sự phân hoá mạnh, có ngân hàng tiếp tục phát triển, có ngân hàng lại chọn thu hẹp hoạt động.
Trong khi đa số ngân hàng Việt vẫn khá ăn nên làm ra trong năm 2020 thì các ngân hàng ngoại tại Việt Nam lại có một năm kinh doanh kém khả quan hơn so với năm 2019. Tuy nhiên, các ngân hàng ngoại vẫn luôn có chất lượng tài sản tốt hơn với nợ xấu ở mức rất thấp.
Theo BCTC của HSBC Việt Nam, năm 2020, ngân hàng này có lãi trước thuế 1.985 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2019 dù chi phí dự phòng rủi ro cũng đã giảm mạnh 78% xuống còn 25 tỷ. Đây là năm lợi nhuận thấp nhất của HSBC Việt Nam trong 4 năm trở lại đây.
Nguyên nhân lợi nhuận ngân hàng sụt giảm chủ yếu do 2 nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần và lãi từ hoạt động dịch vụ đều kém khả quan hơn so với năm trước, giảm lần lượt 20,3% xuống 2.953 tỷ đồng và giảm 18% xuống còn 686 tỷ đồng.
Tổng tài sản cuối năm 2020 của HSBC Việt Nam là 129.045 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cuối năm 2019. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 0,3% xuống 48.045 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 1,4%, đạt 111.450 tỷ đồng.
Nợ xấu cuối năm 2020 của ngân hàng ở mức 348 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,7% so với cuối năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu đứng ở mức 0,36%.
Tại ANZ Việt Nam, lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ngân hàng là 391 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2019.
Tương tự như HSBC, thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ của ngân hàng kém khả quan hơn so với năm trước. Thu nhập lãi thuần của ANZ Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 474 tỷ đồng, giảm 24,6% so với năm 2019, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 35% xuống còn 35 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay của ANZ Việt Nam ở mức thấp, chỉ 7.197 tỷ đồng, giảm 19,2% so với năm ngoái. Trong khi đó, ngân hàng lại tăng cường gửi tiền tại các TCTD khác và cho các TCTD khác vay, dư nợ đến cuối năm 2020 lên tới 31.110 tỷ đồng, tăng 70% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng năm 2020 của ANZ Việt Nam tăng 53% đạt hơn 28.800 tỷ đồng.
Do không còn hoạt động mảng ngân hàng bán lẻ, nợ xấu của ngân hàng ở mức 0%.
Trong khi HSBC và ANZ ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong năm qua tại Việt Nam thì Shinhan Bank vẫn có tăng trưởng. Khác với 2 ngân hàng kia, Shinhan Bank đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Năm 2017, Shinhan Bank cũng từng mua lại mảng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam.
Lợi nhuận trước thuế của Shinhan Bank Việt Nam năm 2020 đạt 3.070 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2019. Theo đó, Shinhan Bank đã vượt HSBC để trở thành ngân hàng ngoại có lợi nhuận lớn nhất tại Việt Nam dù tiến vào thị trường Việt Nam muộn hơn.
Các mảng kinh doanh nhìn chung đều có kết quả khả quan dù mức tăng không mạnh. Chẳng hạn, thu nhập lãi thuần tăng 3,2% đạt 4.469 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 1,4% đạt 300 tỷ; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 5,6% đạt 490 tỷ. Ngoài ra, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 20% đạt 258 tỷ và lãi từ hoạt động khác đạt 119 tỷ, tăng 133%.
Chi phí hoạt động năm 2020 của ngân hàng là 2.324 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm trước đó. Chi phí dự phòng giảm 25% xuống còn 242 tỷ đồng.
Hongleong Bank Vietnam chưa công bố báo cáo tài chính cả năm 2020 nhưng theo báo cáo tài chính đến cuối quý 2, ngân hàng bị lỗ trước thuế 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 có lãi 11 tỷ đồng.
Public Bank Berhab Việt Nam lại khả quan hơn, ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 420 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2019.