Tờ Bloomberg đưa tin, hiện thông tin vị trí ở các cửa hàng H&M đã không còn xuất hiện trên bản đồ Apple và bản đồ Baidu ở Trung Quốc vào ngày thứ 6. Sự việc xảy ra sau khi vào năm ngoái H&M đăng tuyên bố trên trang web chính thức của công ty nói rằng sẽ ngừng tìm nguồn cung ứng các sản phẩm từ Tân Cương, với lý do lo ngại về vấn nạn bóc lột lao động ở khu vực sản xuất bông. 8 tháng sau tuyên bố, H&M hiện đang đối mặt với phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo ghi nhận của người dùng ở Bắc Kinh, bất kỳ tìm kiếm nào về H&M ở cả bản đồ Apple trên iPhone hay ứng dụng bản đồ trên Baidu đều không cho ra bất kỳ kết quả nào. Trong khi đó, khi tìm cửa hàng của những đối thủ cạnh tranh với H&M như Uniqlo, các kết quả hiện lên bình thường.
Đặc biệt, khi tìm kiếm trên Google Maps, khoảng 12 địa điểm cửa hàng H&M ở Bắc Kinh và các vùng lân cận đều hiện lên. Dĩ nhiên việc này được truy cập thông qua sử dụng lưới mạng riêng bởi các sản phẩm của Alphabet hiện đều bị cấm tại Trung Quốc.
Apple lấy nguồn dữ liệu bản đồ tại Trung Quốc từ AutoNavi Software – được sở hữu bởi Alibaba Group Holdings. Trong khi đó Baidu tự thu thập dữ liệu của riêng họ. Đại diện của các công ty công nghệ cũng như H&M hiện chưa phản hồi về vấn này.
Việc các địa điểm cửa hàng H&M biến mất khởi bản đồ trực tuyến đến sau khi nhà bán lẻ này đã bị loại khỏi nền tảng mua sắm trực tuyến của Alibaba vào đầu tuần này khi những tranh cãi nổi lên.
Rất nhiều dân mạng để lại những bình luận công kích, thể hiện sự phẫn nộ trên tài khoản Weibo chính thức của H&M như: “Tôi nghe nói rằng công ty đang tẩy chay vải bông Trung Quốc, chúng tôi sẽ tẩy chay sản phẩm của hãng”…
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phản đối H&M, cho rằng hãng đã có “một tính toán sai lầm khi cố gắng đóng vai một anh hùng chính nghĩa” và “chắc chắn sẽ phải trả giá đắt cho hành động sai lầm của mình”.
Hiện thông báo về ngừng tìm nguồn cung ứng các sản phẩm ở Tân Cương đã không còn xuất hiện trên website của H&M nữa.
Tờ Bloomberg nhận định, không rõ ai là người chỉ đạo việc loại bỏ hiển thị địa chỉ các cửa hàng H&M trên các ứng dụng bản đồ vốn đều đang được điều hành bởi những doanh nghiệp công nghệ chịu sự soi xét kỹ lưỡng từ chính phủ.
Tối 24/3, H&M Trung Quốc khẳng định trong một thông báo rằng, tập đoàn luôn duy trì các nguyên tắc cởi mở và minh bạch trong quan lý chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như không đại diện cho bất kỳ quan điểm chính trị nào. “Tập đoàn H&M luôn tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc. Chúng tôi cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại Trung Quốc”, trích thông báo.
Thương hiệu bán lẻ thời trang nhấn mạnh, làn sóng tẩy chay hiện nay có thể phủ bóng đen lên hoạt động thị trường của họ tại Trung Quốc – nơi vẫn là một trong bốn thị trường hàng đầu của tập đoàn.
H&M là nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới tính theo doanh số, sau Inditex, chủ sở hữu của Zara.
Nguồn: Bloomberg