“Tú xiếc Moto ” là tên một cửa hàng moto – xe máy trên phố Phùng Hưng, Hà Nội. Cửa hàng nhỏ và không hề nổi bật với bảng biển quảng cáo nhưng ở đây đặt hơn chục moto Mỹ Rebel, Harley Davidson Fat Boy, Honda VTX hay xe máy Spacy Nhật, Honda Dream Thái hàng độc. Chúng nằm trong dàn xe với khoảng 40-50 chiếc mà Đỗ Quang Tú (sinh năm 1977, người Hà Nội) dày công tìm kiếm, sưu tầm và kinh doanh.
Trong dàn xe, Tú xiếc đặt chiếc Honda Cub đời 1999, trị giá 200 triệu ở vị trí trung tâm nổi bật. Dù không phải là chiếc xe đắt nhất, độc nhất nhưng thương hiệu Honda gợi nhớ về xuất phát điểm của ông chủ tiệm xe cách đây 30 năm, khi anh mới là chàng trai 15 tuổi theo cha đi nhập xe máy Nhật về bán.
Ngay cả khi trở thành “thợ săn” xe có tiếng Hà Thành, Tú vẫn không từ bỏ ngành xiếc, nơi anh từng là diễn viên xiếc đu dây tài năng thập niên 90 với hàng loạt huy chương vàng, huy chương bạc liên hoan xiếc trong nước và quốc tế.
“Nghề xe ngấm vào máu”
Tú kể, những năm 90, thị trường đã có nhiều dòng xe máy được nhập khẩu vào Việt Nam. Những chiếc xe được quy đổi giá trị bằng cây vàng hoặc nghìn đô la. Chúng trở thành vật tượng trưng cho “chất chơi” của người sở hữu, nếu “cưỡi” một chiếc Dream vào những năm đầu thập niên 90 cũng “sang chảnh” tương tự như Honda SH ngày nay vậy.
Bên cạnh xe mới nhập khẩu, xe đã qua sử dụng từ Nhật (hay còn gọi là xe “bãi”) được khách Việt rất yêu thích vì thiết kế đẹp, bền bỉ.
Gia đình có nghề buôn xe, năm 15 tuổi, vừa học văn hóa ở trường xiếc vừa phụ việc kinh doanh gia đình, Tú theo cha đi dỡ container, nhập xe Cub, Dream Nhật bãi về bán.
Trẻ nhất trong nhóm các “thợ săn” hàng bãi nhưng lại ngấm nghề vào máu nhất, Tú tỏ ra không hề kém cạnh các tay cự phách khi “đãi vàng” trong những container chứa hàng nghìn chiếc xe khác nhau.
Anh kể, ngày ấy, xe bãi đi tàu biển về Việt Nam. Việc chọn xe bãi như Tú nói là “rất tù mù” vì diễn ra vào buổi đêm. Không được xem danh sách, đời xe, số máy số càng, thậm chí, thợ xe không được cầm chìa khóa để nổ máy, kiểm tra nhưng anh luôn là tay “săn” được hàng ngon nhanh nhất, nhập nhiều lô hàng nhất.
“Ai cũng có 1 chiếc đèn pin để soi xe 1 lượt. Sau đó, dùng viên phấn đánh dấu thật nhanh vào yên xe để “xí” hàng. Cuối cùng, chủ container mới phát giá xem mình có mua được không. Vì thế, khi chọn xe phải tinh ý, ví dụ dòng xe từ đời 86 trở ra đã có khóa xăng, mình phải biết cách mở khóa bằng tay để kiểm tra”, anh Tú nhớ lại.
Nhiều chuyến hàng lênh đênh trên biển, qua Campuchia rồi mới cập bến Việt Nam mất tới 6 tháng, Tú lường trước có xe hỏng máy, chi tiết bị ăn mòn do ảnh hưởng của muối biển hay 1 số dòng xe cực “khoai” nếu chẳng may vớ phải.
“Nếu lấy nhầm xe 81 Presscub dòng 3 số, khi về phải chống số, bổ máy, một xe đó mà “chế” được về như thông thường phải thêm hơn 40 chi tiết mới, thế là lỗ rồi”, Tú nói.
Tú bắt đầu làm thân với chủ container, dùng tài ghi nhớ nằm lòng số khung, số máy của từng đời xe để giúp lên các đầu nậu lên danh sách lô hàng. Anh hiểu, nếu nắm rõ được conainer có loại xe gì, sẽ chắc phần thắng.
Dần dà, công việc của anh thuận lợi, ngoài 40 tuổi, Tú có dàn xe với nhiều dòng xe như Cub, Rebel, Spacy hay Dream, trị giá mỗi chiếc hàng trăm triệu đồng.
Huyền thoại Honda Super Cub giá 200 triệu của Tú xiếc.
Dàn xe của Tú xiếc moto.
Công việc kinh doanh đòi hỏi phải chi li tính toán, nhưng Tú chưa bao giờ ngại chi cho những mẫu xe anh yêu thích.
Từ xưa, ông chủ trẻ nổi tiếng bạo chi sẵn sàng trả gần 1.300 USD để mua bằng được chiếc xe Cub đầu vênh ngày ấy giá 800 USD.
Đến giờ, trong nhà Tú ở hàng Than, anh vẫn gìn giữ chiếc Motobecane DS45 82 năm tuổi – mẫu xe mà vua Bảo Đại từng yêu thích. Chiếc xe này được anh mua lại từ một chủ ở tận miền Tây Nam Bộ với giá không hề rẻ lên đến 20.000 USD (xấp xỉ 470 triệu đồng). Đỉnh điểm năm 2016, vì quá mê Spacy, trong nhà anh có tới 30 chiếc, với đủ các đời khác nhau.
Nhà chật mà chỉ toàn xe “sắt vụn”, nên mẹ có lần nói bán bớt nhưng anh không chịu.
“Thứ mình có không phải ai cũng có được vì chúng là những chiếc xe máy cổ hàng nguyên bản độc nhất vô nhị đến từ các thương hiệu nổi tiếng, thật sự rất đẹp. Nghề xe đúng là ngấm vào máu rồi”, ông chủ cửa hàng tâm sự.
“Với tôi, xiếc là nghiệp, là nơi cho tôi sự tử tế, cẩn trọng”
Tú đi học xiếc để tốt nghiệp văn hóa, nhưng không ngờ “hợp vía” xiếc đu dây. Những chuyến đi diễn ở nước ngoài kéo dài vài tháng, ảnh hưởng đến việc kinh doanh nhưng Tú kiên trì theo nghề.
Đến nay, ngay cả khi anh đã trở thành chủ cửa hàng kinh doanh có tiếng trong làng xe cổ Hà Thành, nhưng gắn bó với nghề đến tận nay với vai trò đảm nhiệm an toàn cho các tiết mục đu, bay tại rạp xiếc Quốc gia.
“Với tôi, xiếc là nghiệp, là nơi cho tôi sự tử tế, cẩn trọng”, Tú nói.
Anh Đỗ Quang Tú (ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp tham gia biểu diễn xiếc.
Tú kể, ngày còn đi diễn ở Đài Loan, có lần bên thuê diễn gọi riêng anh ra sau cánh gà, hứa cho tiền nếu đỡ hụt bạn diễn. “Họ nói, nếu không có người ngã thì không kịch tính, nhắn tôi làm 1-2 lần vậy để khán giả thích, vỗ tay”. Nếu đồng ý sẽ có số tiền bằng vài tháng buôn xe, đi diễn, nhưng Tú từ chối.
“Mình chỉ cần nao núng, đỡ hụt 1 lần thì bạn diễn sẽ sợ và chột mất cảm giác khi bay. Trong nghề mới hiểu nó nguy hiểm, thậm chí mất mạng nên chẳng đời nào tôi làm vây.”
Năm 2006, trong lần tham dự liên hoan xiếc tại Huế, Tú xiếc và đồng nghiệp phải trèo lên giàn mắc được dựng trong nhà thi đấu, cao hơn rất nhiều so với rạp xiếc. “Lúc đạt giải vàng, chúng tôi vẫn trêu nhau, chắc ban tổ chức nhìn thấy nhóm trèo lên treo mắc cao quá thì tự động đã trao giải vàng luôn rồi”.
Năm 2006, tiết mục đu quăng của nhóm Đỗ Anh Tú đạt giải Vàng liên hoan xiếc toàn quốc.
Công việc chuẩn bị cho 1 tiết mục xiếc rất tỉ mỉ. Chỉ tính riêng việc dựng giàn mắc chuẩn bị cho tiết mục đu dây có những lần mất tới 1 tuần. Dần dần, công việc này đã nhanh hơn nhưng trước khi ra diễn, anh và đồng nghiệp chỉ có khoảng 10 phút để kiểm tra lại đạo cụ, băng tay và nghỉ 5 phút để các cơ tay thư giãn trước khi diễn. Mọi khâu đều được tập tành thật khớp thời gian để buổi diễn trơn tru.
Kể những điều này, Tú cảm ơn nghề xiếc đã cho anh sự chỉn chu, kỹ năng khéo léo, những bài học áp dụng vào nghề xe.
Có những đơn hàng đã chuyển xe cho khách, nhưng vì những lý do nào đó phải trả lại, Tú tiếc xe đẹp, kỳ công sưu tầm nên chấp nhận “ôm”, có xe đến vài năm mới bán được cũng không sao. Hay như mỗi dòng xe có một đặc thù riêng, đôi khi do ảnh hưởng của khí hậu từng vùng mà việc đề nổ cũng sẽ trục trặc, khách chưa quen với xe, anh sẽ hỗ trợ kịp thời, giải thích để khách hiểu.
Bởi vì cái tâm của ông chủ hàng xe, dù cửa hàng đặt ở Hà Nội nhưng Tú xiếc có rất nhiều khách tỉnh. Phần đa, khách chỉ xem xe qua ảnh trên Facebook rồi bốc máy gọi điện, chuyển cho anh hàng trăm triệu đồng chẳng ngần ngại.
“Tôi tâm niệm, giống như khi đeo cáp, chuẩn bị dàn đạo cụ phải treo mắc trên cao phải thật cẩn thận, chính tay mình kiểm tra, đảm bảo an toàn cho đồng nghiệp, thì sau này khi bán xe, phải cẩn thận như vậy”, Tú nói.