Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, có khá nhiều doanh nghiệp đang “một mình một đường” thống trị mảng kinh doanh độc, lạ, duy nhất trên sàn. Rất nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh độc, lạ như doanh nghiệp kinh doanh bao cao su, kềm, dây thừng, casino, dịch vụ mai táng, vàng mã, giấy vệ sinh, đồ chơi trẻ em, sát hạch lái xe….
Bán dây thừng cho ngư dân thu 4-500 tỷ doanh thu mỗi năm
Siam Brother – một cái tên “rất tây” sở hữu mã chứng khoán SBV trên sàn. Đây là doanh nghiệp chuyên bán các loại dây thừng, dụng cụ ngành cá cho ngư dân. Công ty đưa cổ phiếu lên sàn từ tháng 5/2017 với 20,5 triệu chứng khoán ban đầu. Đến nay công ty đã tăng vốn điều lệ lên gần 273,7 tỷ đồng.
Siam Brother được thành lập năm 1995, là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Thái Lan với hoạt động kinh doanh chính là sản xuất dây, các loại ngư lưới cụ. Về cơ cấu cổ đông, sau 4 năm lên sàn, Siam Brother không còn của riêng người Thái, đã có nhiều cổ đông nội nắm giữ cổ phần công ty.
Đến nay, Siam Brother vẫn là doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các loại dây thừng đánh bắt cá hàng đầu Việt Nam với các thương hiệu như Con Gà và Hải Mã. Mỗi năm công ty sản xuất hàng nghìn tấn các loại sản phẩm như dây thừng, chỉ cào PE, lưới PP, sợi đơn PE, lưới bùng nhùng, lưới giữ cá, lưới nuôi trồng thủy sản… Hiện tại, doanh thu của Công ty đến từ hai mảng chính là dây thừng và các sản phẩm khác, trong đó, dây thừng là sản phẩm chủ lực.
Doanh thu các năm từ 2014-2020 vừa qua đều rất cao, giao động từ 460 đến 530 tỷ đồng mỗi năm. Lợi nhuận sau thuế cũng hàng chục tỷ mỗi năm, giao động từ 40 đến 115 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó 2 năm lãi lớn nhất là 2016 và 2017 với trên 113 tỷ đồng lãi sau thuế.
Hai năm gần đây nhất, 2019 và 2010 Siam Brother ghi nhận đạt lần lượt 465 và 506 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt lần lượt 57 và 68 tỷ đồng. Báo cáo thường niên năm 2019 của Siam Brother cho biết, những năm gần đây ngành đánh bắt thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp trong ngành nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng IUU, dẫn đến việc kinh doanh các sản phẩm ngư nghiệp gặp khó.
Cổ phiếu SBV đã tăng 40% từ đầu năm 2021
Trên thị trường, cổ phiếu SBV có thanh khoản đều đặn hàng trăm nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Giá cổ phiếu không có giai đoạn tăng sốc, tuy vậy chính sự tăng đều đều của SBV lại không khiến các nhà đầu tư chú tâm.
Tính chung từ đầu năm 2021 đến nay cổ phiếu SBV đã tăng khoảng 40%, lên mức 17.400 đồng/cổ phiếu – tỷ lệ tăng khá cao so với mức trung bình chung các cổ phiếu trên sàn.
Diễn biến giá cổ phiếu SBV trong 1 năm gần đây.
Muốn lấn chân sang lĩnh vực bất động sản và điện năng
Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Siam Brother đã thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh. 3 ngành nghề mới được bổ sung gồm có kinh doanh bất động sản, sản xuất điện, truyền tải và phân phối điện.
Cùng với đó Siam Brother cũng đã thông qua tờ trình về việc thành lập công ty con 100% vốn trực thuộc công ty với chức năng hoạt động là sản xuất điện & truyền tải, phân phối điện. Ngay sau đó, cuối tháng 7/2020 Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Siam Solar Việt Nam được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng.
Chính sách cổ tức ổn định
Dù không nằm trong TOP các doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ cao, nhưng chính sách cổ tức của Siam Brother khá ổn định. Trong những năm 2012, 2013, tỷ lệ chi trả cổ tức mức trên 50%. Năm 2017 công ty trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15% và phát hành hơn 6,8 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 3:1. Những năm gần đây nhất, 2018 và 2019 công ty đều chi trả cổ tức tỷ lệ 12%