Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản Aeon đã công bố khoản lỗ ròng 71 tỷ yên (647 triệu USD) cho năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2021. Đây là khoản lỗ lớn nhất của Aeon kể từ khi niêm yết vào giữa những năm 1970 và lần đầu tiên kể từ khi năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2009, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của họ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Mặc dù hoạt động kinh doanh siêu thị của Aeon đã chứng kiến sự gia tăng về nhu cầu, nhưng tổ hợp kinh doanh và cho thuê thương mại cốt lõi của tập đoàn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tính đến thời điểm hiện tại, Aeon vẫn chưa tiết lộ dự báo về thu nhập ròng cho năm tài chính 2021.
Ông Akio Yoshida, chủ tịch Aeon, cho biết nhu cầu về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đang tăng lên trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt là những sản phẩm được cho là cải thiện khả năng miễn dịch. Ông Yoshida khẳng định rằng tập đoàn sẽ tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ và sản phẩm trong lĩnh vực này.
Tập đoàn cũng đã công bố một chiến lược mới nhằm tìm cách tăng thị phần ở các khu vực khác của châu Á, khu vực dự kiến sẽ chứng kiến dân số tăng lên 5 tỷ người trong tương lai. Đến năm 2025, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập từ hoạt động kinh doanh ở châu Á so với năm tài chính 2019.
Trong khi đó, Aeon Mall, một công ty con của Aeon đã báo cáo khoản lỗ ròng 1,8 tỷ yên cho năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2021. Đáng chú ý, công ty đã phải ghi nhận khoản lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết vào năm 2002.
Doanh số bán hàng của công ty đã giảm phần lớn do sự đình trệ kinh doanh tại các trung tâm thương mại trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đối với năm tài chính 2022, công ty dự kiến thu nhập ròng là 31 tỷ yên, trong khi tập trung vào các thị trường nước ngoài như Trung Quốc và Việt Nam để giảm lỗ.
Tại Việt Nam, Aeon Mall cho biết, đơn vị này đã chuẩn bị nguồn vốn lên đến 2 tỷ USD để đầu tư, phấn đấu sẽ xuất khẩu 1 tỷ USD hàng hoá từ Việt Nam sang Nhật Bản và các nước khác.
Ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng Giám đốc Aeon Mall Việt Nam cho biết, hệ thống Aeon Mall đã chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên với sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam, doanh nghiệp này vẫn giữ mục tiêu phát triển 20 trung tâm thương mại (TTTM) đến năm 2025.
Để thực hiện thành công mục tiêu đó, Aeon Mall không chỉ phát triển ở các trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM mà bắt buộc mở rộng ra các địa phương khác. “Khu vực nào có quy mô dân số trên 500 nghìn người trong bán kính thời gian đi bộ khoảng 5 phút, thời gian lái xe 20 phút là đủ điều kiện thành lập trung tâm thương mại”, ông Tetsuyuki cho biết.
Theo chiến lược, mới đây Aeon Mall Việt Nam đã triển khai xây dựng TTTM Aeon Mall đầu tiên tại Hải Phòng – Aeon Mall Hải Phòng Lê Chân. Dự án này được thực hiện trên diện tích khoảng 9,3ha với tổng mức đầu tư lên tới 180 triệu USD, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Aeon Mall cũng đang khảo sát để triển khai một TTTM Aeon Mall tại Hoàng Mai (Hà Nội). Dự án này đã được doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng trong dịp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sang thăm chính thức Việt Nam.
Theo tìm hiểu, Aeon Mall Giáp Bát tại quận Hoàng Mai sẽ là dự án ‘khủng’ tiếp theo mà tập đoàn Aeon dự định đầu tư ở Hà Nội sau sự thành công của Aeon Mall Long Biên và Aeon Mall Hà Đông. Dự án có tổng mức đầu tư vào khoảng 280 triệu USD với quy mô diện tích lên đến 6,1ha.
Với tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam, cuối tháng 12/2020, UBND tỉnh Thanh Hoá và Aeon Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ về việc thực hiện đầu tư dự án trung tâm thương mại Aeon Mall, có tổng vốn đầu tư 190 triệu USD với tiêu chuẩn Nhật Bản.
Sau đó 2 tháng, Aeon Mall Việt Nam tiếp tục ký kết Biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc nghiên cứu đầu tư trung tâm thương mại Aeon Mall với tổng vốn đầu tư 150 – 160 triệu USD.
Thành lập vào năm 2013, Aeon Mall Việt Nam hiện đang vận hành 6 trung tâm thương mại tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Hải Phòng. Với mục tiêu phát triển và vận hành 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam đến năm 2025, Aeon Mall Việt Nam không ngừng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các tỉnh thành.
Tính đến thời điểm hiện tại, công ty sẽ phải đưa 14 trung tâm thương mại mới vào hoạt động để có thể hoàn thành kế hoạch này.
Đây là một thách thức không hề nhỏ, kể cả là đối với một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới khi tốc độ mở rộng trong sáu năm qua tại Việt Nam chỉ mới đạt trung bình mỗi năm một trung tâm mua sắm.