Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC (Thông tư 40) hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Thông tư 40 này đặc biệt thu hút sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động cho thuê nhà.
Để làm rõ nội dung liên quan đến hoạt động cho thuê nhà, mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đã giải thích với báo chí: “Có thể nói chính sách thuế đối với hoạt động cho thuê nhà không có gì thay đổi”.
Cụ thể, trong Thông tư 40 chỉ quy định một số biện pháp để đảm bảo công tác quản lý sát với hoạt động cho thuê nhà và công bằng với các hoạt động kinh doanh khác cũng như việc làm công ăn lương. Bởi theo Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi một số điều của Luật thuế GTGT cũng như là Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật thuế trong đó có thuế TNCN đều quy định: cá nhân và người kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm (năm dương lịch) đều không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
Thông tư 40 chỉ quy định về mặt thủ tục hành chính thuế đối với thu nhập phát sinh trong năm ví dụ như người cho thuê có thể có nhiều nhà khác nhau, ở các địa bàn khác nhau hoặc người có nhà cho thuê nhưng không đứng tên hợp đồng cho thuê mà lại ủy quyền cho người khác. Điển hình như rất nhiều người ở Hà Nội nhưng lại đầu tư cho thuê nhà tại Đà Nẵng.
Chính vì vậy, cơ quan thuế phải có quy định và hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp đặc thù này để những người được ủy quyền cho thuê hoặc trong những trường hợp cá nhân cho thuê nhà theo từng lần phát sinh có thể tính được số thuế để nộp được quy định cụ thể tại Điều 9 Thông tư 40 quy định rõ phương pháp tính thuế đối với cá nhân cho thuê nhà. Tuy nhiên, ông Minh cho biết, cần khẳng định đây chỉ là số tạm thu theo doanh thu phát sinh.
Không chỉ có vậy, Thông tư 40 cũng có quy định cá nhân có thể lựa chọn kê khai thuế theo năm và người cho thuê nhà tùy theo thực tế phát sinh có thể lựa chọn hình thức kê khai, đặc biệt các tổ chức khai thay, nộp thay được ủy quyền có thể kê khai ngay phù hợp với kỳ hạch toán chi phí của doanh nghiệp. Bởi bên khai thay, nộp thay không thể biết được một cá nhân có bao nhiêu nguồn thu nhập khác nhau từ hoạt động kinh doanh.
Trường hợp cá nhân đã nộp thuế, đến cuối năm tổng hợp các nguồn thu nhập nếu từ 100 triệu đồng trở xuống thì cá nhân được đề nghị xử lý hoàn trả hoặc bù trừ vào số phải nộp phát sinh của kỳ sau theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Ngoài ra, để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, trong đó có quy định rõ nếu, cá nhân cho thuê tài sản phát sinh thuế TNCN phải nộp trong năm 2021 sẽ chưa phải nộp thuế cho đến ngày 31/12/2021.
Cũng theo ông Minh, thu ngân sách từ hộ kinh doanh và cá nhân chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng thu ngân sách. Đơn cử như năm 2020, tổng thu ngân sách khoảng 1.260.000 tỷ đồng nhưng số thu từ hoạt động của các hộ, cá nhân kinh doanh trong đó có hoạt động cho thuê nhà chỉ có gần 4.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 0,3% tổng số thu NSNN).
Chính vì vậy, việc tăng quản lý đối với cá nhân kinh doanh, trong đó có cá nhân cho thuê nhà không đặt nặng việc tăng thu ngân sách mà quan trọng hơn là tạo môi trường công bằng, bình đẳng với các hoạt động kinh doanh khác.