Sau một thời gian không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng cùng với việc thử nghiệm tiêm chủng Vaccine đang được triển khai rộng rãi, ngành du lịch Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào mùa cao điểm của du khách nội địa trong những tháng hè sắp tới. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid một lần nữa tạo ra nhiều thách thức cho quá trình khôi phục của ngành du lịch Việt Nam.
Trong năm 2021, ngành du lịch đặt mục tiêu khai thác và phục vụ 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tương đương với lượt khách đạt được trong năm 2019 trước khi dịch Covid diễn ra. So sánh với lượt khách nội địa phục vụ trong năm 2020, mục tiêu này tương đương với mức tăng trưởng hơn 42%.
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 4 ngày đánh dấu sự khởi đầu cho những tích hiệu tín cực. Vào trung tuần tháng 4/2021, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, Phú Quốc, Phan Thiết, Hồ Tràm đều ghi nhận nhu cầu đặt phòng cao cho kỳ nghỉ lễ. Các khách sạn nội đô ghi nhận công suất tốt trên 75%, trong khi các khu nghỉ dưỡng ven biển ghi nhận ở mức cao hơn với 80%, thậm chí một số khu nghỉ dưỡng gần như đạt 100% trong dịp lễ 30/4- 1/5.
Theo số liệu công bố từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong giai đoạn phục vụ cao điểm dịp lễ (từ ngày 28/4/2021 – 02/5/2021) các cảng hàng không trực thuộc đơn vị này đã phục vụ gần 1,5 triệu hành khách. So với dịp lễ 30/4 – 1/5 năm 2019 (có số ngày nghỉ tương tự và chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) thì sản lượng hành khách quốc nội năm nay tăng đến 30%. Chỉ tính riêng ngày 29/4/2021, sản lượng hành khách quốc nội tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt hơn 108.000 hành khách, cao nhất lịch sử từ trước đến nay. Điều đó cho thấy nhu cầu và tiềm năng du lịch nội địa là rất lớn. Trong bối cảnh các chuyến bay thương mại quốc tế vẫn chưa được kết nối trở lại, du lịch nội địa là trọng tâm phát triển của hoạt động du lịch.
Sự bùng phát dịch bệnh gần đây đã lại một lần nữa ảnh hưởng đến ngành du lịch cả nước. Các địa điểm du lịch cần tiếp cận bằng đường hàng không như Đà Nẵng, Nha Trang ghi nhận nhiều yêu cầu hủy phòng ngay trước dịp lễ khi thông tin về những ca lây nhiễm đầu tiên được công bố.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và ngày 1/5, tổng lượng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 74.000 lượt, giảm 42% so với dự kiến trước lễ. Các sự kiện, lễ hội lớn tại Đà Nẵng cũng bị tạm dừng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch tại Đà Nẵng trong dịp lễ cũng chỉ đạt 40.000 lượt khách, giảm 30% so với ước tính trước lễ.
Ngược lại, các địa điểm dễ dàng tiếp cận bằng xe như Hồ Tràm, Vũng Tàu, Đà Lạt vẫn đón nguồn cầu tăng lên sát dịp lễ khi nhiều gia đình lo ngại nguy cơ lây nhiễm khi phải di chuyển bằng đường hàng không.
Thị trường đã ghi nhận nhiều tín hiệu tín cực trong các tháng vừa qua khi nhu cầu về dịch vụ lưu trú và hội nghị dần khôi phục. Tuy nhiên làn sóng Covid-19 thứ 4 lại một lần nữa gây ra tác động nặng nề cho ngành dịch vụ lưu trú, một số khách sạn thậm chí phải tạm ngưng phục vụ một số tiện ích. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đều nhận được nhiều yêu cầu hủy phòng hoặc thay đổi ngày lưu trú”, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh.
Thêm vào đó, hoạt động MICE và kinh doanh sự kiện của các khách sạn tại khu vực Tp.HCM và Hà Nội cũng bị ảnh hưởng, khi các hội nghị buộc phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan địa phương và một số doanh nghiệp cũng khuyến cáo hạn chế nhân viên tham gia các hoạt động tập trung đông người. Đây thực sự là một đòn giáng vào các khách sạn khi vốn dĩ tháng Tư và tháng Năm là mùa cao điểm cho các hoạt động hội nghị và hầu hết khách sạn đều rất kỳ vọng vào mảng kinh doanh này trong bối cảnh hiện tại để phần nào bù đắp doanh thu phòng.
Hoạt động kinh doanh của các resort cũng chịu chung tác động khi ghi nhận hơn 50%, một số resort thậm chí lên đến gần 80% số lượng đặt phòng hiện tại đã được yêu cầu hủy, chủ yếu đến từ nhóm khách đoàn và khách doanh nghiệp. Một số khách sạn thậm chí đã quyết định đóng cửa tạm thời cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định. “Bất ngờ” hơn cả khi trong lần bùng phát dịch lần này, vài khách sạn đã đưa ra thông báo khách lưu trú cần xuất trình giấy xác nhận âm tính với Covid-19 để có thể sử dụng dịch vụ. Đây là điều chưa có tiền lệ trước đó với mục đích nhằm đảm bảo yếu tố an toàn cũng như giảm thiểu rủi ro bị phong tỏa, cách ly”.
Theo ông Mauro, mức độ tác động của làn sóng thứ tư lên hoạt động du lịch của các địa phương cũng khác nhau. Những địa phương vốn chủ yếu tiếp cận qua đường hàng không sẽ chịu tác động tức thì khi mọi người có xu hướng hạn chế di chuyển bằng máy bay. Các địa điểm có thể tiếp cận thuận lợi chỉ sau vài giờ lái xe như Hồ Tràm, Đà Lạt được kỳ vọng sẽ chịu tác động ít hơn. Theo Google Destination Insights, ngay khi những ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên được xác nhận, nhu cầu tìm kiếm khách sạn tại khu vực Đà Nẵng theo ghi nhận vào ngày 1 tháng Năm đã giảm gần 50% so với ngày 26 tháng Tư. Nhu cầu tìm kiếm chuyến bay cũng ghi nhận mức độ sụt giảm tương ứng.
Kỳ nghỉ lễ dài vừa qua là một minh chứng cho thấy nguồn khách nội địa là động lực giúp ngành du lịch khôi phục. Trước khi có thông tin về làn sóng thứ 4, nhiều resort gần như không còn phòng trống trong dịp lễ, thậm chí giá phòng tại một số resort trong giai đoạn này còn cao hơn cùng thời điểm năm 2019 (thời điểm trước khi diễn ra dịch Covid-19).
Tuy nhiên, theo đại diện Savills Hotels, sự tái bùng phát dịch lần thứ tư ngay tại thời điểm khởi động mùa cao điểm du lịch hè đã trở thành một đòn giáng mạnh vào ngành nghỉ dưỡng vốn đã gặp nhiều khó khăn. Đà Nẵng, Hội An đều kỳ vọng vào mùa du lịch hè năm nay khi các địa phương này đã gánh chịu một năm 2020 thiệt hại nặng nề khi các làn sóng dịch trùng với những tháng cao điểm.
“Hy vọng rằng với những nỗ lực của Chính Phủ Việt Nam trong việc phòng chống dịch Covid-19, chúng ta có thể sớm khoanh vùng và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh để có thể khởi động lại các hoạt động kinh doanh và du lịch cho mùa cao điểm sắp tới.” ông Mauro Gasparotti chia sẻ.