Đồng Nai đã nhiều lần kiến nghị với Bộ TN-MT, Chính phủ có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ vướng mắc cho các công trình, dự án. Thế nhưng, việc này vẫn chưa được tháo gỡ.
Chẳng hạn như trường hợp của Công ty TNHH Haiyatt Việt Nam đang sử dụng hơn 4,4ha đất tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa), diện tích đất trên được UBND tỉnh thu hồi và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm để thực hiện dự án khách sạn hoa viên. Sau một thời gian, công ty đã xin chuyển mục đích một phần diện tích đất thuê sang đầu tư chung cư cho thuê và bán (chuyển sang mục đích đất ở với hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất). Công ty TNHH Haiyatt Việt Nam đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2015, chuyển dự án thành Chung cư cao cấp cho thuê và bán. Hiện dự án vẫn ách ở khâu thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, tiếp tục cho thuê trả tiền hàng năm hay phải thu hồi đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Tương tự, dự án Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành) do Công ty CP Đô thị Amata Long Thành làm chủ đầu tư cũng vướng một số diện tích đất công chưa thống nhất được đất có đấu giá hay không.
Hiện nay, nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang triển khai cũng đang bị ách tắc ở khâu đất trong dự án là giao đất hay thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất.
Nhiều dự án tại Đồng Nai bị nghẽn lại chưa thể đầu tư xây dựng vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ về đất thực hiện dự án thuộc trường hợp giao đất hay thu hồi đất đấu giá rồi triển khai tiếp. Việc này nếu không được tháo gỡ nhanh sẽ khiến các dự án bị kéo dài không thể hoàn thành đưa vào khai thác.
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 119 Luật Đất đai năm 2013 thì đối với dự án đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại Điều 110 của Luật Đất đai năm 2013 không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong luật lại không quy định cụ thể chi tiết đối với trường hợp được miễn tiền thuê đất trong cả thời gian thuê hay miễn một thời gian nhất định. Do đó, Đồng Nai đang gặp khó khăn trong việc xác định việc đấu giá hay không đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Nếu không có hướng dẫn chi tiết của Chính phủ về các khó khăn liên quan đến đất đai trên, nhiều dự án của tỉnh sẽ phải tiếp tục nằm chờ. Dự án kéo dài sẽ khiến tổng kinh phí thực hiện dự án bị đội lên theo từng năm gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, vì chờ đợi nhiều thủ tục khác liên quan đến xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… dự án sẽ bị hết hạn, khi gỡ xong vướng mắc, doanh nghiệp lại mất thời gian dài điều chỉnh lại hồ sơ, thủ tục cho phù hợp và đúng quy định của pháp luật.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị