Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ chính là do phía Mỹ tạo ra

photo1618721577102 16187215773202010125111

Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cơ cấu phân bổ doanh nghiệp FDI theo xuất xứ tiếp tục xu hướng ổn định của các năm trước. Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với 452 doanh nghiệp tham gia mẫu điều tra PCI 2020. Tiếp theo là Nhật Bản và Đài Loan, với số doanh nghiệp tương ứng của mỗi nước là 365 và 168 trong mẫu. 

Trong suốt 11 năm điều tra PCI-FDI, số doanh nghiệp Trung Quốc trong mẫu lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 doanh nghiệp, cụ thể là 104 doanh nghiệp Trung Quốc đã tham gia điều tra PCI 2020, so với chỉ 82 doanh nghiệp trong mẫu điều tra 2019. Số doanh nghiệp Singapore trong mẫu điều tra PCI 2020 cũng tăng từ 59 lên 69. Số doanh nghiệp FDI trong mẫu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, như Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Hoa Kỳ, Malaysia … hầu như không thay đổi so với các năm trước.

Các thay đổi trong cơ cấu mẫu điều tra PCI-FDI phản ánh sát thực tế dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2020. Theo Tổng Cục Thống kê (TCTK), tuy số lượng nhà đầu tư tương đối nhỏ, Singapore vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam năm 2020 với tổng vốn đầu tư trị giá 6,2 tỷ USD, chiếm 42% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trung Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (TCTK 2020). 

Dữ liệu về nước xuất xứ trong mẫu điều tra PCI-FDI có thể là bằng chứng cho việc giải đáp một vấn đề mới nổi lên gần đây liên quan đến quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Ngày 16 tháng 12 năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ gán nhãn “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam, cho rằng Việt Nam tiến hành các biện pháp can thiệp vào tỷ giá hối đoái VND-USD nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng (Reuters 2020). Nhà Trắng bày tỏ quan ngại về mức thặng dư thương mại lớn và ngày càng tăng của Việt Nam với Mỹ. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế đến từ Đại học Harvard, Giáo sư David Dapice (2020), mức thặng dư thương mại này của Việt Nam là do dòng tiền đầu tư FDI chảy vào Việt Nam gia tăng chứ không phải do Chính phủ Việt Nam chủ ý thao túng tiền tệ. 

Giáo sư Dapice lập luận trong trường hợp của Việt Nam, hoàn toàn thiếu vắng các yếu tố quan trọng để nhận định là thao túng tiền tệ, như định giá thấp đồng tiền để điều chỉnh GDP, dự trữ ngoại hối cao hơn bình thường và cán cân thương mại tổng thể chênh lệch lớn. Dữ liệu Ngân hàng Thế giới cũng ghi nhận lượng vốn FDI ròng chảy vào Việt Nam đã gia tăng từ 9,2 tỷ USD năm 2016 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2019 (WB 2020). 

GS. Dapice còn chỉ ra rằng chính sách thương mại thời gian gần đây của Hoa Kỳ đã thúc đẩy dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam, bởi các căng thẳng xung quanh thương chiến MỹTrung đã khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế cân nhắc đa dạng hóa chuỗi sản xuất bên ngoài Trung Quốc để ứng phó. Đơn cử, Chính phủ Nhật Bản hiện đang triển khai chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nước này di dời sản xuất khỏi Trung Quốc và Việt Nam hiện là điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp Nhật Bản (VnExpress 2020a). Cùng với đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào của Việt Nam cũng tăng tương ứng. 

Theo GS. Dapice, “hàng hóa xuất khẩu từ khu vực FDI tại Việt Nam sang các nước thường có giá trị gia tăng không cao, trong khi thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ có một phần không nhỏ là từ việc nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào từ các nước châu Á khác” (Dapice 2020). 

Nói cách khác, do các tác động gián tiếp của thương chiến Mỹ-Trung, Việt Nam nổi lên như một mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi sản xuất trước khi hàng hóa được xuất sang Hoa Kỳ, điều càng chỉ rõ một thực tế là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ chính là do phía Mỹ tạo ra. 

Dữ liệu từ điều tra PCI-FDI cho thấy có bằng chứng ủng hộ cho lập luận trên. Chính quyền của Tổng thống Trump đã bày tỏ lo ngại về việc các công ty Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể chuyển sản xuất sang Việt Nam để né việc Mỹ áp thuế suất cao với hàng hóa Trung Quốc. Như phân tích số liệu PCI cho thấy, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Năm 2020, 41% số doanh nghiệp Trung Quốc trong mẫu điều tra PCI-FDI là doanh nghiệp mới – tức là có thời gian hoạt động tại Việt Nam dưới ba năm. 

Trong khi đó, số doanh nghiệp Trung Quốc mới trong mẫu điều tra PCI-FDI năm 2018 và 2019 lần lượt là 23,7% và 24%. Trong số các doanh nghiệp Trung Quốc mới này, đa số là doanh nghiệp xuất khẩu. Trong mẫu điều tra 2020, 40% doanh nghiệp mới là doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi hai năm trước, con số này là chưa tới 20%.

Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *