Vì sao có một số điều tưởng như hợp lý nhưng lại không hợp lý? Vì sao chúng ta lại tranh nhau mua những thứ mà mình không cần? Lựa chọn của người khác ảnh hưởng đến ta như thế nào? Đằng sau những hành vi này là những hiệu ứng tâm lý mà chúng ta không biết rõ.
Hiệu ứng tâm lý là sự tác động của những người, sự vật khác nhau dẫn đến những chuỗi nhân quả, phản ứng dây chuyền. Thông qua việc lý giải các hiệu ứng tâm lý này, phân tích những hành vi phi lý trí, ta có thể thấu hiểu hơn về bản thân mình, hiểu thêm về người khác và hiểu về cả xã hội.
Nắm vững những hiệu ứng tâm lý cho phép chúng ta cư xử với người khác một cách hợp lý hơn, giải quyết công việc và kiểm soát cuộc sống của mình một cách tốt hơn. Đây là điều rất nên làm, ta nên dùng nó như một tấm gương để soi rọi chính mình.
Mục Lục
1. Định lý Giegler
Đặt mục tiêu cao tương đương với việc đạt được một phần của mục tiêu.
Charles M. Schwab – người sáng lập Bethlehem Steel – sinh ra ở một vùng nông thôn, có trình độ học vấn thấp. Năm 18 tuổi, ông đến làm việc tại công trường thuộc sở hữu của ông vua thép Andrew Carnegie. Ngay ngày đầu tiên đi làm, ông đã quyết tâm sẽ trở thành người xuất sắc nhất.
Khi những công nhân khác tán gẫu vào buổi tối, Schwab ngồi một mình đọc sách. Dù bị người quản lý nghi hoặc, các đồng nghiệp khác mỉa mai, ông vẫn tin chắc rằng thứ công ty thiếu không phải công nhân cơ bản, mà là người quản lý cùng nhân viên kỹ thuật. Schwab nỗ lực không đơn giản chỉ là để làm công kiếm tiền, mà còn vì tương lai huy hoàng của chính mình.
Với niềm tin này, Schwab một bước lên mây, được bổ nhiệm làm chủ tịch công ty thép, sau còn thành lập được công ty thép của chính mình, đạt được thành tựu phi thường. Nếu bạn đặt mục tiêu cao cho mình ngay từ đầu, bạn sẽ có tầm nhìn rộng rãi, dần hình thành thói quen và phương pháp làm việc hiệu quả, tích cực, mỗi bước đều sẽ đi đúng hướng.
2. Công thức Karel
Chuẩn bị tốt nhất cho cái xấu nhất.
Ở Mỹ có một tấm biển động viên nhập ngũ rất thú vị, ghi rằng:
“Đi lính nào! Đi lính thực ra không có gì đáng sợ. Sau khi nhập ngũ, có 2 khả năng: có chiến tranh hoặc không có chiến tranh. Không có chiến tranh thì còn gì khủng khiếp? Nay khi có chiến tranh, có 2 khả năng: ở tiền tuyến hoặc không ở tiền tuyến. Không ở tiền tuyến thì có gì ghê gớm?
Ra tiền tuyến còn có 2 khả năng nữa: bị thương hoặc không. Không bị thương thì có gì sợ? Thương nhẹ hoặc trọng thương, thương nhẹ có cái gì đáng sợ? Trọng thương sau lại có 2 khả năng: Chữa được hoặc không chữa được. Chữa được thì có gì đáng sợ? Chữa không được càng không thể sợ, bởi vì bạn đã chết.”
Chuẩn bị tinh thần để chấp nhận điều tội tệ nhất sẽ giúp bạn đối phó với mọi khả năng có thể xảy ra. Nói cách khác, khi đã sẵn sàng để đối mặt với tình huống xấu nhất có thể xảy ra, ta sẽ có thái độ tích cực cùng với phương án thích hợp để bình tĩnh xử lý tình huống.
3. Hiệu ứng Wallach
Ai cũng là thiên tài, chỉ cần biết được điểm xuất phát dành cho mình.
Otto Wallach là một nhà hóa học đã từng đoạt giải Nobel. Thế nhưng, khi Wallach mới lên cấp 2, bố mẹ đã muốn ông theo con đường văn chương. Đến cuối học kỳ, cô giáo viết nhận xét: “Wallach rất chăm chỉ. Nhưng nếu quá cứng nhắc thì khó mà trở thành nhà văn được “.
Cha mẹ lại yêu cầu ông chuyển sang vẽ tranh sơn dầu, nhưng Wallach không giỏi về bố cục và đánh bóng nên luôn xếp cuối lớp. Gặp với một học sinh “vụng về” như vậy, hầu hết các giáo viên đều cho rằng người này không còn hy vọng thành công nào nữa.
Chỉ duy nhất giáo viên dạy hóa cho rằng Wallach tỉ mỉ trong công việc và có tố chất làm thí nghiệm hóa học. Tìm được đúng lĩnh vực phù hợp, ngọn lửa trí tuệ trong ông như được khơi dậy. Cuối cùng, cậu bé bị thầy cô đánh giá thấp năm nào lại trở thành một nhà khoa học được ngưỡng mộ vô cùng.
Thành công của Wallach là minh chứng cho thấy: Trí thông minh của mỗi người phát triển không đồng đều. Chỉ khi tìm ra phương diện phù hợp nhất, ta mới có thể phát huy trí tuệ và tận dụng trọn vẹn tài năng của bản thân để tạo nên những kết quả đáng kinh ngạc.
4. Định lý Goodman
Đôi khi im lặng là cách giao tiếp tốt nhất.
Trong một số hoạt động kinh doanh, im lặng đúng lúc cũng là một kỹ năng giao tiếp hiệu quả.
Một giám đốc đã lên kế hoạch thanh lý lô máy móc cũ trong nhà máy với giá rẻ. Ông ta ước tính rằng giá tối thiểu là 500.000 USD. Trong quá trình thương lượng, một người mua đã phàn nàn về những lỗi của lô máy cũ kỳ này, nói rằng chúng đã lạc hậu, ngoại hình không đẹp, không có giá trị gì nhiều. Vị giám đốc nhà máy không nói gì, chỉ kiên nhẫn lắng nghe những phàn nàn của bên kia.
Cuối cùng, người mua không còn tìm được lời nào để chê trách nữa, bất ngờ ông ta nói: “Tôi chỉ có thể đưa cho anh nhiều nhất 800.000 USD cho lô máy này. Nếu nhiều hơn nữa, tôi thực sự không thể.” Giám đốc rất vui mừng, lập tức bắt tay hợp tác. Giám đốc nhà máy, người giỏi im lặng, không cần nói một lời, đã dễ dàng kiếm thêm được 300.000 USD.
Người có giá trị nhất không nhất thiết phải là người có thể nói nhiều nhất. Biết lắng nghe là phẩm chất cơ bản nhất của một người trưởng thành. Khi nắm bắt được thời điểm và hiểu tình hình, im lặng tốt hơn ngàn lời nói.
5. Hiệu ứng lựa chọn Hobson
Khi dường như chỉ có một con đường để đi, đây thường là con đường sai.
Năm 1631, một thương gia người Anh tên là Hobson muốn bán ngựa. Ông cho khách hàng tự do lựa chọn, nhưng với một điều kiện là chỉ được mua con ngựa gần cửa nhất. Rõ ràng, điều kiện này chẳng khác nào việc không được lựa chọn. Cái gọi là “sự lựa chọn” mà thực tế không có sự lựa chọn nào cả bị thế hệ sau chế giễu là “hiệu ứng lựa chọn Hobson.”
Các nhà tâm lý học xã hội chỉ ra rằng bất kỳ ai vướng vào “hiệu ứng lựa chọn Hobson” đều không thể tham gia học tập, sống và làm việc sáng tạo. Lý do rất đơn giản: tốt và xấu, ưu hay kém, tất cả đều được tạo ra từ sự so sánh và lựa chọn. Chỉ khi nào có nhiều phương án để so sánh thì chúng ta mới có thể đưa ra phán đoán hợp lý.
Nếu một phán đoán chỉ cần nói “có” hoặc “không” thì nó không thể được coi là một phán đoán. Chỉ khi ta tiếp cận vấn đề theo nhiều hướng để từ đó so sánh và lựa chọn, đồng thời đưa ra quyết định dựa trên sự hiểu biết của mình, thì đó mới có thể được coi là phán đoán. Vì vậy, không có sự lựa chọn nào đồng nghĩa với bóp chết sự sáng tạo.
6. Hiệu ứng quyền uy
Người sang trọng thì lời nói cũng có trọng lượng.
Các nhà tâm lý học người Mỹ đã từng làm một thí nghiệm: Khi giảng bài cho sinh viên khoa tâm lý của một trường đại học nọ, họ giới thiệu một giáo viên người Đức của trường khác, nói rằng vị này là một nhà hóa học nổi tiếng.
Trong thí nghiệm, “nhà hóa học” lấy ra một chai nước cất, nói rằng đó là một chất hóa học mới mình vừa phát hiện ra. Ông ta bảo rằng chất hóa học này có mùi lạ, yêu cầu sinh viên giơ tay nếu ngửi thấy. Kết quả là hầu hết học sinh đều giơ tay.
Tuy nhiên, nước cất đâu có mùi. Vậy sao họ lại ngửi thấy?
Đây là một hiện tượng tâm lý xã hội phổ biến, gọi là hiệu ứng quyền uy. Nếu người nói có địa vị xã hội cao, sự nghiệp thành công, có uy tín và được người khác kính trọng, thì điều họ nói sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của người khác và khiến người ta tin rằng nó đúng.
7. Hiệu ứng danh thiếp
Danh thiếp tinh thần có thể thúc đẩy việc thiết lập mối quan hệ xã hội.
Có một thanh niên đi xin việc liên tục bị loại. Vì vậy, trước khi ứng tuyển vào công ty, anh đã hỏi trước về lý lịch của nhà tuyển dụng thuộc công ty đó và tình cờ biết rằng người này cũng có trải nghiệm tương tự với anh.
Vì vậy, khi nộp đơn xin việc, anh ta không quên kể về những thăng trầm trong quá trình tìm việc. Cách làm này đã nhận được sự đồng cảm từ nhà tuyển dụng, giúp anh ứng tuyển thành công.
Điều này gọi là hiệu ứng danh thiếp. Khi hai người tiếp xúc với nhau, nếu ngay từ đầu bạn cho rằng thái độ và giá trị quan của mình giống với đối phương, đối phương sẽ cảm thấy bạn có nhiều điểm tương đồng hơn với họ, từ đó nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với bạn và trở nên gần gũi hơn.
Hãy giỏi trong việc nắm bắt thông tin và thái độ của đối phương, đồng thời tìm ra những điểm chung giữa đối phương và bản thân. Danh thiếp tâm lý được ra đời từ điều này, sau khi được sử dụng đúng cách sẽ có giá trị lớn đối với quá trình giao tiếp xã hội và thiết lập các mối quan hệ giữa các cá nhân.
8. Hiệu ứng phóng chiếu
Đồng cảm để tránh suy bụng ta để suy ra bụng người.
Khi nhìn nhận và đánh giá người khác, chúng ta thường suy đoán và đánh giá dựa trên kinh nghiệm và cảm nhận của bản thân về sự việc. Ta luôn có thói quen suy nghĩ cho rằng nhận thức chủ quan của ta về sự vật là nhận thức của người khác, quên rằng quan điểm và tiêu chuẩn đo lường của mỗi người một khác, vì trải nghiệm của mỗi người đều khác nhau.
Đây là hiệu ứng phóng chiếu trong tâm lý học, đại khái có nghĩa là mọi người luôn thích giả định trong tiềm thức rằng người khác có cùng hệ giá trị và quan điểm với mình. Ví dụ: những người hay cạnh tranh luôn nghĩ rằng người khác thích cạnh tranh với họ, những người thích sầu riêng nghĩ rằng ai cũng sẽ thích sầu riêng.
Học cách đồng cảm là một cách hiệu quả để tránh các hiệu ứng phóng chiếu, đồng thời, giao tiếp và trao đổi với người khác cũng dễ dàng hơn và có thể đạt được sự đồng thuận.
9. Hiệu ứng Barnum
Hiểu chính xác về mình là điều khó nhất.
“Bạn thực sự cần người khác thích và tôn trọng mình. Bạn có xu hướng tự phê phán bản thân. Bạn có nhiều điểm mạnh mà bạn chưa sử dụng, và bạn cũng có một số khuyết điểm, nhưng nhìn chung bạn có thể khắc phục được. Bạn gặp một số khó khăn trong giao tiếp với người khác phái, tuy bề ngoài tỏ ra điềm tĩnh nhưng thực chất bên trong bạn lại rất lo lắng. Đôi khi bạn băn khoăn không biết quyết định hay hành động của mình có đúng không.
Bạn thích một số thay đổi trong cuộc sống của mình và bạn ghét bị hạn chế. Bạn tự hào về khả năng suy nghĩ độc lập và bạn sẽ không chấp nhận những đề xuất của người khác mà không có đủ bằng chứng. Bạn nghĩ rằng thật không khôn ngoan khi thể hiện bản thân quá thẳng thắn trước mặt người khác. Bạn đôi khi hướng ngoại, tốt bụng và hòa đồng, đôi khi hướng nội, thận trọng và im lặng. Một số tham vọng của bạn thường rất viển vông.”
Bạn có nghĩ rằng đoạn văn này rất phù hợp với mô tả của bạn không? Thật ra, đây là một đoạn văn phù hợp với bất kỳ ai.
Mọi người thường nghĩ rằng những bản mô tả tích cách và đặc điểm riêng của mình là chính xác. Tuy nhiên, đó chỉ là sự khái quát sơ bộ về bản chất và tính cách mà bất cứ ai cũng có. Đây được gọi là hiệu ứng Barnum.
Hiệu ứng Barnum được ứng dụng rộng rãi trong đời sống để tìm hiểu các lĩnh vực liên quan đến tâm lý. Đặc biệt là đối với những người hay bất an, chúng sẽ có tác động lên những người này hơn những người bình thường.
10. Hiệu ứng võng mạc
Cuộc sống giống như một tấm gương. Nếu bạn khóc với nó, nó sẽ khóc với bạn; nếu bạn cười với nó, nó sẽ mỉm cười với bạn.
Ai cũng có thể từng trải qua những trải nghiệm tương tự trong cuộc đời. Chẳng hạn, bạn đắn đo mãi mới dám mua một đôi giày nên rất đắc ý, nhưng khi thấy bị đụng hàng thì liền cảm thấy thất vọng. Hoặc khi có khuyết điểm, bạn cảm thấy rằng người khác dường như cũng có khuyết điểm này.
Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng võng mạc” trong tâm lý học. Khi sở hữu thứ gì đó hoặc một đặc điểm nào đó, chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn đến việc liệu người khác cũng sở hữu thứ đó hoặc đặc điểm đó giống mình hay không.
Vì thế, chúng ta nên hình thành thói quen đánh giá cao và khẳng định bản thân. Một người có thể nhìn thấy ưu điểm của bản thân, dưới tác động của hiệu ứng võng mạc, cũng sẽ nhìn ra được ưu điểm của người khác. Có thể nhìn những người xung quanh với thái độ tích cực thường là điều kiện tiên quyết để tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá nhân.
(Theo Aboluowang)