Mỗi khi người quen đến nhà là bà Lý Thị Ngọc Anh (61 tuổi, ngụ cuối hẻm 15 đường Nhà Vuông, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP HCM) ái ngại. Bởi theo bà, ai cũng có cảm giác “ớn” khi bên trong nhà bà có đến 5 ngôi mộ. “Nhà chật, đi đâu cũng đụng bia mộ nên người quen đến nhà không sợ mới lạ” – bà Ngọc Anh phân trần.
Với hoài không tới
Theo bà Ngọc Anh, trước đây, gia đình bà có mảnh đất gần chợ đầu mối nông sản Hóc Môn. Tuy nhiên, khi có người thân lâm bệnh, gia đình phải bán và mua căn nhà kèm 5 nấm mộ, sinh sống hơn chục năm qua. Bà kể hồi năm 2014, tiền bán đất còn lại cộng với gần chục năm tích cóp được khoảng 700 triệu đồng nhưng ước mơ có một căn hộ chung cư vẫn hoài là mơ ước. Trước đây, mỗi khi nghe nơi này, nơi kia có căn hộ khoảng 800 triệu đồng, đủ cho 5 người ở là cả gia đình nháo nhào tìm đến nhưng đành phải hụt hẫng, vì đó chỉ là số tiền 60%-70% của căn hộ.
Không với tới căn hộ giá rẻ, bà Lý Thị Ngọc Anh buộc phải mua căn nhà mà bên trong có 5 phần mộ .Ảnh: LÊ PHONG
“Chờ hoài không thể mua được nhà giá rẻ, tôi đành phải mua căn nhà lá trong khu nghĩa trang với các nấm mộ thế này. Dần dần, nghĩa trang nơi này cũng xóa bỏ và tôi mua gạch về làm căn nhà tạm. Thế nhưng, ao ước có một căn hộ chung cư với giá tầm 1,5 tỉ đồng trong tôi luôn cháy bỏng” – bà Ngọc Anh chia sẻ.
Tương tự, hàng chục năm sống ở TP HCM nhưng không khi nào bà Trần Thị Sang không ao ước có được căn hộ “giấy hồng” với giá tầm 1 tỉ đồng để an cư cùng 2 con và cháu. Sau nhiều năm mòn mỏi, mới đây, để trụ được ở TP trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số tiền tích cóp vơi đi hơn nửa; và hơn cả, để tiết kiệm tiền trọ, bà xin chủ nghĩa trang tại giao lộ Nguyễn Thị Búp – Dương Thị Mười (quận 12) dựng chòi ở với con cháu.
“Giờ đây, người quen muốn vào thăm tôi phải chen chân vào 4 dãy mộ. Xung quanh nhà nhìn đâu cũng thấy bia mộ nên ai cũng sợ. Nghĩ mà tủi thân” – bà Sang chia sẻ. Theo bà, nếu thời điểm năm 2019 có căn hộ giá khoảng 1 tỉ đồng thì bây giờ bà không khổ như vậy.
Người sống và lập nghiệp lâu năm ở TP HCM đã thế, người mới lập nghiệp còn khổ trăm bề, khó gấp trăm lần khi tìm nơi an cư hợp túi tiền. Anh Trần Hoàng Hải, nhân viên một công ty chuyên lĩnh vực công nghệ thông tin, cho biết “cuộc rượt đuổi” mua căn hộ của vợ chồng anh được gia đình ví như nhiệm vụ bất khả thi.
“Cưới nhau được 2 năm, năm 2014, vợ chồng tôi tích cóp được 400 triệu đồng thì căn hộ giá rẻ nhất cũng tầm 900 triệu đồng. Ráng tích cóp đến năm 2017 được 1 tỉ đồng thì giá căn hộ thấp nhất cũng tầm 1,6 tỉ đồng. Kết quả, sau 9 năm lấy vợ, không kịp có con nhưng vợ chồng tôi vẫn ở nhà thuê” – anh Hải thổ lộ.
Ðâu là nguyên nhân?
Báo cáo về thực trạng thị trường bất động sản của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy có sự lệch pha về các phân khúc nhà ở. Nhà giá rẻ trong năm 2020 chỉ có 163 căn hộ, trong khi giai đoạn 2016-2019 đã thiếu hụt 134.000 căn giá rẻ.
“Hơn 80% người dân cần nhà giá rẻ nhưng thị trường nhóm nhà này đã không còn tồn tại. Giá hiện nay, mỗi căn hộ mới xây dựng đều trên 2 tỉ đồng” – Sở Xây dựng TP HCM đánh giá. Trước thực trạng này, Sở Xây dựng TP kêu gọi các chuyên gia, doanh nghiệp hiến kế để ưu tiên làm nhà giá rẻ một cách hiệu quả và hữu hiệu nhất.
Hiến kế cho lời kêu gọi trên, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, phân tích giai đoạn 2015-2019, thị trường bất động sản phục hồi và phát triển sôi động. Theo đó, các phân khúc bất động sản đều liên tục tăng giá và lập mặt bằng giá mới. Bằng chứng, căn hộ giá rẻ năm 2015 mức giá trung bình khoảng 18 – 20 triệu đồng/m2 thì đến năm 2019 đã vào khoảng dưới 25 triệu đồng/m2, sang năm 2020, dù dịch bệnh diễn ra nhưng mức giá cũng tăng đến gần 30 triệu đồng/m2.
“Ðiều này đồng nghĩa với việc căn hộ giá rẻ biến mất khỏi thị trường TP HCM” – ông Nguyễn Hoàng đánh giá. Nguyên nhân theo ông là do chi phí đầu vào gồm giá đất, nhân công, pháp lý và thủ tục hành chính còn cao; quỹ đất cho loại hình căn hộ giá rẻ cũng không còn nhiều. Kế đến, quy hoạch dành cho căn hộ bình dân, vừa túi tiền hiện nay chưa rõ ràng.
“Vì vậy, nhất thiết phải sớm giải quyết các vấn đề trên, đặc biệt phải ưu tiên quỹ đất cho các dự án căn hộ giá rẻ. Bởi thực tế hiện tại có không ít căn hộ cao cấp chủ sở hữu không ở mà chỉ “xí phần” rồi bán lại” – ông Nguyễn Hoàng phân tích. Ông cho rằng để những gia đình trẻ, những người thu nhập thấp được an cư thì ngoài việc hỗ trợ của nhà nước thì không còn cách nào khác, các ngân hàng, nhất là ngân hàng chính sách xã hội, phải có những gói vay ưu đãi cho người thu nhập thấp được mua nhà, mua căn hộ.
Ðồng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành, phân tích thêm để làm một dự án nhà ở giá rẻ có khi mất 2 đến 3 năm làm thủ tục, thậm chí có dự án mất gần chục năm. Ðiều này đồng nghĩa chi phí đầu tư tăng khiến sau này sản phẩm bán ra phải “gánh” thêm chi phí.
Ông Lê Hữu Nghĩa đề xuất để sản phẩm nhà giá rẻ dồi dào, đáp ứng nhu cầu đa số người dân TP HCM, nhất thiết chính quyền TP phải đơn giản hóa thủ tục. “Nếu thủ tục cứ nhiêu khê như bây giờ, cộng với quỹ đất tại TP ngày càng ít thì các gia đình trẻ, người thu nhập thấp mãi mãi sống cảnh nhà thuê” – ông tổng giám đốc Công ty Lê Thành nhấn mạnh.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho rằng để tăng nguồn cung nhà giá rẻ thì TP phải tính toán đánh thuế căn hộ bỏ trống. Việc làm này còn góp phần trị nạn đầu cơ, hạ cơn sốt căn hộ.
“Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, nhu cầu nhà ở của TP giai đoạn 2021-2025 là 45 triệu m2 sàn. Giá nhà tăng cao, căn hộ bình dân không còn dẫn đến nghịch cảnh chung cư xây lên không ai ở. Bằng chứng là có đến 70% người mua căn hộ trung cấp, cao cấp chỉ để đầu cơ và bỏ trống.