Người Pháp căng mình cứu những vườn nho
Đợt lạnh giá nghiêm trọng chưa từng có trong 3 thập niên qua đã tàn phá các vườn nho lâu đời trên khắp nước Pháp, gây ra nỗi đau khủng khiếp cho ngành công nghiệp rượu vang, vốn đã lao đao vì đại dịch Covid-19 và các biện pháp thuế quan của Mỹ.
Theo Ủy ban các công ty rượu vang châu Âu, băng giá đã ảnh hưởng đến 80% số vườn nho trong các vùng trồng nho chính của nước Pháp. Điều này sẽ khiến sản lượng ở một số khu vực giảm từ 25 đến 50%.
Nông dân Pháp đốt lửa cạnh những gốc nho để sưởi ấm cho những mầm cây mới nhú, vốn mọc sớm bất thường do quãng thời gian ấm áp trước đó.
Anne Colombo, lãnh đạo một hiệp hội những người trồng nho ở một địa phương thuộc vùng Rhone, cho biết thời tiết gây ra những sự tàn phá nghiêm trọng ở các vùng thung lũng Rhone, Bordeaux, Burgundy, Champagne, Provence và Loire. “Một số vùng sẽ có rất ít nho trong năm nay. Đây là sự kiện sương giá tồi tệ nhất ở chỗ chúng tôi trong nửa thế kỷ qua”, bà Colombo cho biết.
Các nhà sản xuất rượu đã cố gắng giữ cho nhiệt độ không khi tăng lên bằng cách đốt lửa gần những gốc nho. Tuy nhiên, điều đó dường như không đủ để bảo vệ những mầm cây mới nhú từ chiếc gốc nhiều năm tuổi.
“Còn quá sớm để ước tính những thiệt hại. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, đây rõ ràng là thảm kịch với những người trồng nho”, Christophe Chateau, giám đốc truyền thông của Hội đồng rượu vang Bordeaux, cho biết.
Không chỉ có nho, băng giá cũng đe dọa các loại cây trồng khác, bao gồm củ cải đường và hạt cải dầu. Liên đoàn Nông dân Quốc gia của Pháp phải thốt lên rằng: “Nỗi thống khổ đang bao trùm trong các vườn nho, vườn cây ăn trái và các cánh đồng trên khắp nước Pháp”.
Thủ tướng Pháp Jean Castex cũng nhấn mạnh chưa có nông trang nào phải đối mặt với điều kiện thời tiết tàn khốc như thế này kể từ năm 1991. Người phát ngôn Chính phủ thì cho biết một số khu vực gần như sẽ mất mùa trong năm nay.
Tình hình nghiêm trọng tới mức Bộ Nông nghiệp và Lương thực của Pháp đã phải kích hoạt tình trạng khẩn cấp vào tuần trước để chống lại “thiên tai trong nông nghiệp”. Các biện pháp giảm thuế và hỗ trợ tài chính cho nông dân cũng đã chính thức được triển khai nhằm giảm thiểu thiệt hại của thời tiết.
Các quan chức Chính phủ Pháp cũng đã tổ chức một cuộc họp khẩn với các chủ ngân hàng, công ty bảo hiểm và đại diện của nông dân vào đầu tuần này nhằm xác định các cơ chế hỗ trợ bổ sung cho những nông dân chịu thiệt hại.
Trên Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã gửi những lời động viên tới người dân của mình.
“Gửi tới mọi người, những nông dân trên khắp nước Pháp đã chiến đấu không mệt mỏi, hết đêm này qua đêm khác, để bảo vệ thành quả lao động của mình. Tôi muốn nói rằng, chúng tôi sẽ ủng hộ các bạn hết mình trong cuộc chiến này. Hãy đứng vững. Chúng tôi sẽ ở bên các bạn và sẽ luôn như vậy”, ông Macron viết.
Họa vô đơn chí
Cuộc khủng hoảng xảy ra vào một thời điểm đặc biệt khó khăn đối với các nhà sản xuất rượu vang của Pháp, những người đang hứng chịu doanh thu sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Các thị trường quan trọng của Pháp đang trong tình trạng giãn cách xã hội để chống dịch, ngành du lịch gần như vẫn đóng băng và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Liên minh châu Âu (EU) xung quanh việc trợ cấp cho Airbus khiến rượu vang Pháp không tìm được người mua. Xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh của Pháp đã giảm gần 14% xuống còn 14,5 tỷ USD vào năm 2020. Riêng doanh thu xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 18%.
Năm nay, băng giá trở nên cực kỳ tai hại bởi nó xuất hiện sau khoảng thời gian dài nắng ấm bất thường. Thời tiết ấm khiến những cây nho phát triển sớm và nhanh hơn so với mọi năm. Những mầm cây non cũng trở nên nhạy cảm hơn với cái lạnh hơn. Khi băng giá đột ngột quay trở lại, chúng lụi tàn hàng loạt.
Những đống lửa lớn được đốt lên phía đầu gió với hy vọng hơi ấm tỏa ra từ chúng có thể giúp những mầm cây không bị tàn lụi bởi băng giá.
Nhiệt độ ở khu vực Champagne đã giảm từ 26 độ C xuống âm 6 độ C chỉ trong vòng 1 tuần. Đợt lạnh đầu tiên đã kết thúc nhưng những đợt lạnh khác được dự báo vẫn sẽ ập tới. Thời tiết diễn biến bất thường khiến các loại cây trồng truyền thống đối mặt với những thiệt hại cao hơn do giá lạnh.
Với những gì đang xảy ra, Liên đoàn Nông dân Pháp nói rằng đây là “lời nhắc nhở rõ ràng” về tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa và “một chế độ quản lý rủi ro có thể đáp ứng được những thách thức về khí hậu”.
Rượu vang là loại đồ uống có cồn phổ biến khắp thế giới. Trong khi đó, nghề trồng nho và làm rượu vang đóng một vai trò quan trọng của nền nông nghiệp quốc gia châu Âu này. Sở hữu nhiều nhãn hiệu rượu vang nổi tiếng, Pháp đang là quốc gia nắm giữ thị phần nhiều nhất trong lĩnh vực xuất khẩu rượu vang trên thế giới.