Giá thép còn tăng tới bao giờ?

photo1618478145910 16184781460751109299183

Sau đợt tăng giá quý I năm nay, giá thép tại thị trường trong nước hiện đang cao hơn khoảng 40% so với thời điểm quý III/2020. Đầu tháng 4/2021, mức giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép rất cao, tăng khoảng 25 – 30% so với thời điểm cuối năm 2020. Hôm nay (14/4), nhiều ông lớn ngành thép như Hoà Phát, Việt Ý… bất ngờ điều chỉnh giá thép tăng. Hiện giá thép đã thiết lập kỷ lục mới trong vòng 30 ngày qua.

Cụ thể, với thương hiệu thép Hoà Phát ghi nhận mức giá với thép cuộn CB240 đang ở mức 15.890 đồng/kg (tăng 310 đồng so với ngày hôm qua). Còn thép D10 CB300 hiện đang có giá là 16.080 đồng/kg, tăng 300 đồng. Tại thị trường miền Nam thương hiệu này cũng đã tăng giá bán các sản phẩm thép của mình. Với thép cuộn CB240 đang có giá 15.990 đồng/kg (tăng 200 đồng so với hôm qua); còn thép thanh vằn D10 CB300 cũng tăng 200 đồng, lên mức 16.040 đồng/kg.

Thương hiệu thép Việt Ý ngày hôm nay cũng tăng mức giá bán, hiện thép cuộn CB240 đang có giá là 16.040 đồng/kg, còn thép D10 CB300 tăng 300 đồng từ 15.690 đồng/kg (giá ngày 13/4) lên mức 15.990 đồng/kg.Với thép xây dựng Việt Đức (thuộc Công ty CP thép Việt Đức) cả 2 sản phẩm là thép cuộn CB240 và thép D10 CB300 đều tăng giá, vượt mức 16.000 đồng/kg. Hiện giá của 2 sản phẩm lần lượt là 16.140 đồng/kg (với thép cuộn CB240) và 16.020 đồng/kg (thép D10 CB300)…

“Rõ ràng nguyên liệu đầu vào là tác nhân chính khiến giá thép tăng giá. Thời điểm năm 2020, giá thép tăng từ 10 – 20%. Đến thời điểm hiện nay, có lúc giá thép giao dịch tăng 20 – 30%”, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam, giá thép tăng cao là do giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu. Cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3/2021 ghi nhận mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước; Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 660 USD/tấn, giảm 6% so với cuối năm và tăng 44% so cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh. Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước.

Nguồn cung vẫn luôn dồi dào nhưng giá thép xây dựng lại liên tục tăng cao khiến giới chuyên môn trong đó có Hiệp hội Thép Việt Nam nghi vấn có hiện tượng đầu cơ tại thời điểm hiện tại.

Các chuyên gia ngành thép dự báo nhu cầu thép năm 2021 sẽ tăng từ 3 – 5% so với năm 2020. Động lực tăng đến từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như cao tốc Bắc – Nam; cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ; sân bay quốc tế Long Thành;…

Giá thép còn tăng tới bao giờ? - Ảnh 1.

Nguồn cung vẫn luôn dồi dào nhưng giá thép xây dựng lại liên tục tăng cao khiến giới chuyên môn trong đó có Hiệp hội Thép Việt Nam nghi vấn có hiện tượng đầu cơ tại thời điểm hiện tại.

Hơn nữa, một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực… được thực thi kỳ vọng có thêm thị trường xuất khẩu mới. Nhu cầu tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm sẽ càng đẩy giá thép tăng cao thời gian tới.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BSC), chu kỳ tăng giá thép sẽ còn tiếp diễn đến nửa cuối năm 2021 nhờ vào những gì diễn ra tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và EU. Nhóm phân tích cho rằng điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến triển vọng ngành thép toàn cầu nhờ giá bán tăng cao sẽ cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Năm 2021, trước các cơ hội từ việc hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các FTA, ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận một thực tế, hiện nay các doanh nghiệp thép trong nước vẫn còn hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ dẫn đến việc sản xuất tiêu tốn nhiên liệu, chi phí cao. Ðó là lý do khiến các sản phẩm thép trong nước khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh hội nhập và các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng nhiều như hiện nay.

Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển ngành thép trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu khắt khe, cạnh tranh gay gắt về giá, chất lượng, các doanh nghiệp ngành thép phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất, công nghệ, nâng cao trình độ, kỹ năng người lao động,… Bên cạnh đó, phải giải quyết triệt để tình trạng mất cân đối cung – cầu trong nước, tạo vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tránh vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại không đáng có.

Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *