Buổi trưa nắng oi ả, gia đình chị Rchăm Thu, làng Krái, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cùng một số nhân công mùa vụ đang tất bật hu hoạch điều. Chị Thu cho biết, năm ngoái gia đình lãi được 100 triệu đồng từ 3 ha điều, nhưng năm nay, mức lãi chỉ đạt một nửa vì sâu bệnh hại phát sinh quá nhiều ở thời điểm cây ra trái non, khiến năng suất giảm thấp.
“Năm nay, nếu không có sâu hại thì điều rất nhiều trái, vì ra hoa rất nhiều. Tuy nhiên phải có phân bón, thuốc trừ sâu đầy đủ mới bảo vệ được trái điều non. Hiện người dân rất khó khăn, mong nhà nước giúp đỡ về cách phòng trừ sâu bệnh” – chị Rchăm Thu nói.
Cùng xã Ia Khai, gia đình ông Ksor Huôn cũng đang cặm cụi thu hoạch 3 ha điều. Ông Huôn cho biết, do sâu bệnh nhiều, hạt điều nhỏ-xấu nên giá bán cũng thấp hơn hẳn. Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông chỉ bán được từ 22.000 – 25.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái, giá trung bình là 30.000 đồng/kg.
Điều mất mùa, người dân thất thu, thương lái cũng không có hàng để bán. Bà Phạm Thị Thúy, một thương lái chuyên thu gom hạt điều trên địa bàn huyện Ia Grai cho biết: “Năm nay chất lượng điều kém do mưa trái mùa và bị bệnh vì sương muối, thu mua thấp hơn mọi năm, giá cũng tụt vì điều không đạt nhân nhiều, hàng năm vào mùa thu mua được mười mấy tấn mỗi ngày, năm nay thì chỉ được 1/3 so với mọi năm”.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Lương, Chủ tịch UBND xã Ia Khai, địa phương là vùng có diện tích điều lớn nhất huyện Ia Grai với hơn 1.000 ha. Những năm qua, cây điều phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, trước biến đổi thời tiết như hiện nay, người trồng điều có thu nhập bấp bênh. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ hơn đối với loại cây trồng chủ lực xóa đói giảm nghèo này tại địa phương.
“Công tác giảm nghèo tại địa phương nhờ nhiều vào cây điều, do đó, đề nghị cấp chính quyền có nhiều định hướng mới, quan tâm hơn nữa đến vùng phát triển cây điều, mong muốn có sản phẩm OCOP để khẳng định sản phẩm điều của xã Ia Khai” – bà Nguyễn Thị Mai Lương nói./.