Ngày 13/4, dư luận xôn xao về thông tin hơn 100 y bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai làm đơn xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác.
Đây là chuyện hy hữu chưa từng có trong lịch sử Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và ngành y tế nói chung.
“Ở đây không phải tất cả là các nhân lực có trình độ cao, bác sỹ, mà có cả các lao động phổ thông như tổ dịch vụ mang nước sôi… nghỉ việc do giảm biên chế và vị trí việc làm khi Bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn”, ông Tuấn nói.
Lãnh đạo Bệnh viện cũng thông tin, có một số người có trình độ Tiến sỹ, được phong hàm Phó Giáo sư… cũng xin nghỉ, chuyển công tác nhưng là do chuyển sang nơi có thu nhập cao hơn.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng nêu rõ, Phòng tổ chức cán bộ của Bệnh viện sẽ có thêm thông tin cụ thể về vấn đề này đến báo chí.
Trao đổi thêm với báo chí vào tối 13/4, TS.BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Bệnh viện Bạch Mai khẳng định việc thay đổi nhân sự vừa qua tại Bệnh viện Bạch Mai là hoàn toàn bình thường. Theo bác sĩ Thành, tổng cộng có 221 cán bộ chuyển công tác từ ngày 1/2/2020 đến nay.
“Trong số 221 người nghỉ thì chỉ có 43 người là bác sĩ, điều dưỡng còn hơn 100 người là lao động phổ thông nên đây không phải tình trạng chảy máu chất xám”, BS Thành cho biết. Lãnh đạo Bệnh viện cũng nêu rõ, dù có 221 cán bộ chuyển công tác, thôi việc nhưng BV đã tuyển dụng, ký hợp đồng mới với 500 người, đều là nhân lực có chất lượng như bác sĩ nội trú, giáo sư, tiến sỹ.
Lý giải thêm về việc hơn 200 cán bộ, bác sĩ nghỉ việc, ông Thành cho rằng, có 4 lý do: Thứ nhất, một số đơn vị không còn phù hợp như nhà tang lễ, trông xe, bán báo, vận chuyển người bệnh bị giải thể.
Thứ hai, do thu nhập giảm. Trong năm 2020, do ảnh hưởng Covid-19, giảm khoảng 2.000 tỷ đồng (tương đương 30%) so với năm trước, còn 5.500 tỷ đồng.
Thứ ba, tâm lý cán bộ công chức căng thẳng, áp lực trong thời gian Covid-19. Sau đó nguyên Giám đốc Bệnh viện, nguyên Phó giám đốc bệnh viện, trưởng phòng lại vướng vào vòng lao lý và cơ quan điều tra, thanh tra Chính phủ liên tục xuống làm việc nên tâm lý anh em dao động.
Thứ tư, do áp lực đổi mới. GS Nguyễn Quang Tuấn kể từ khi được bổ nhiệm vào tháng 3/2020 đã quyết liệt thay đổi thái độ phục vụ. Bệnh viện trong giai đoạn khó khăn nhưng vẫn yêu cầu chăm sóc toàn diện nên điều dưỡng, bác sĩ vất vả hơn.
“Tinh thần thái độ mang lại hài lòng cho người bệnh, người nhà nên nhân viên phải thay đổi và phong cách phục vụ mới cũng có áp lực. Kể cả đau đớn nhưng nếu không làm thì không thể có được kết quả như ý. Có áp lực mới tạo nên thay đổi tích cực”, TS Thành nói.
Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế lớn hàng đầu Việt Nam, mỗi ngày có 6.000-7.000 người đến khám, hàng ngàn người điều trị nội trú.
Đây là Bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt và nổi bật về chất lượng điều trị ở nhiều chuyên khoa: cấp cứu, chống độc, phục hồi chức năng, tim mạch, ung thư, nhi khoa…
Đây cũng là bệnh viện công đầu tiên áp dụng mô hình tự chủ toàn diện, có hội đồng quản lý, được quyết định về đầu tư, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Năm 2020 vừa qua, bệnh viện Bạch Mai đã bị phong tỏa trong hơn 1 tháng trong dịch Covid-19.
Ngoài ra, tháng 9/2020, cơ quan CSĐT (Bộ Công an) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quốc Anh (SN 1959, nguyên Giám đốc BV Bạch Mai); ông Nguyễn Ngọc Hiền (SN 1960, nguyên Phó Giám đốc BV Bạch Mai) và một số cán bộ khác.
Các bị can bị khởi tố để điều tra do liên quan đến việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại BV Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.
Tiếp đó, đến tháng 3/2021, sau hai ngày Bạch Mai thông báo tăng giá một số dịch vụ khám chữa bệnh từ 1/4, Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện không điều chỉnh tăng giá cho đến khi Bộ ban hành khung giá mới.