Nhiều nữ sinh thường chọn lựa cho mình những môn học “mềm mại”, thiên về nghệ thuật như Âm nhạc, Hội họa,… Trong khi đó, nam sinh lại thiên về các môn kỹ thuật hơn. Tuy nhiên, không phải nữ sinh nào cũng đi theo lối mòn này. Có những bạn trẻ quyết thử thách bản thân ở những môn học bị gán định kiến “khô khan”.
Bằng đam mê và tinh thần học hỏi không ngừng, họ chứng minh cho mọi người thấy: Rào cản giới tính chẳng là gì nếu chúng ta có năng lực. Câu chuyện của Đào Vũ Triều Hân – cô bạn nhỏ nhắn đến từ TP.HCM chính là minh chứng rõ nét nhất.
Nhờ niềm đam mê với môn Tin học, Hân đã xuất sắc giành được học bổng trị giá 300.000 USD (khoảng 6,9 tỷ đồng) của Đại học Stanford – đại học danh giá top đầu thế giới. Hành trình học tập của Hân đã truyền không ít cảm hứng cho các bạn trẻ.
Đào Vũ Triều Hân đã xuất sắc giành học bổng của Đại học Stanford.
Mục Lục
Thay đổi cách nhìn khiến chúng ta nhận ra sự thú vị của môn học
Triều Hân sinh ra ở TP.HCM nhưng sang Mỹ học tập từ năm 13 tuổi. Ngôi trường cô bạn theo học là Cypress Ridge High School, được đánh giá cao về chất lượng giảng dạy. Hồi mới sang Mỹ, giống như nhiều du học sinh khác, Hân từng gặp phải một số khó khăn khi kết bạn mới. Bởi đa số học sinh trong trường đều quen biết và thân nhau từ các cấp học trước.
Tuy nhiên khó khăn này không thể đánh gục cô gái trẻ. Sau quãng thời gian đầu, Hân dần làm quen với mọi người. Thành tích học tập của cô bạn cũng luôn nằm trong top của lớp với điểm thi AP (Advanced Placement) đáng ngưỡng mộ:
– AP Calculus BC: 5/5 AP Language and Composition: 5/5
– AP Physics 1: 4/5 AP Psychology: 5/5
– AP Physics 2: 3/5 AP Human Geography: 4/5
– AP Computer Science A: 5/5 AP Computer Science Principles: 5/5
Nói về cơ duyên với môn tin học, Hân chia sẻ: “Từ nhỏ em đã rất thích chơi game và mày mò các món đồ điện tử. Đến khi học ở Mỹ, em được thầy cô xếp vào lớp học “Tổng quan về bộ môn STEM”. Sự mới mẻ về lập trình và các ứng dụng của Khoa học máy tính nhanh chóng “hớp hồn” cô gái trẻ, khiến Hân say mê và theo đuổi đến tận bây giờ.
Triều Hân sinh ra ở TP.HCM nhưng sang Mỹ học tập từ năm 13 tuổi.
Có một câu nói về tình yêu rất nổi tiếng: “Đẹp hay không là do mắt kẻ si tình!”. Câu này tưởng chừng chẳng liên quan đến chuyện học nhưng đặt vào trường hợp của Hân lại tương đồng một cách đầy thú vị. Nếu nhiều nữ sinh khác coi Tin học là một bộ môn đầy khô khan, nhàm chán với những hàm code dài ngoằng, nhức đầu. thì Hân lại khác.
Sự đam mê, thay đổi cách nhìn nhận khiến Hân nhận ra những điều thú vị của môn học. “Em cảm thấy Khoa học máy tính là môn pha trộn cân bằng giữa lý thuyết và tính ứng dụng. Vì code có thể ứng dụng trong rất nhiều mảng như Toán học, Sinh học, kể cả những mảng Humanities (nhân văn học) như Văn học hay nghệ thuật như Âm nhạc hay Mỹ thuật”, Hân hào hứng chia sẻ.
Được biết, cô gái trẻ là học sinh duy nhất trong lớp theo học lập trình. Điều này từng khiến Hân đôi lần chán nản. “Em cũng nhận thấy được nhiều bình luận nói rằng nữ giới không phù hợp và không có khả năng với Khoa học máy tính. Do trong nhà em không ai theo ngành này nên đôi khi em cũng hơi mông lung, không biết bắt đầu từ đâu hoặc bước tiếp ở đâu…”, Hân hồi tưởng lại.
Tuy nhiên những mông lung cũng dần qua đi bởi sâu trong cô gái trẻ vẫn là sự đam mê với Tin học. Hân cho biết, mình từng tham gia nhiều cuộc thi về lập trình ở các trường trong thành phố nên cũng trau dồi được nhiều kiến thức và kinh nghiệm giúp bản thân tự tin hơn. “Cuối năm thì thầy Tin Học có đề cử cho em giải “student of the year” trong lớp Tin, nên em cũng thấy yên tâm và tự tin hơn trong môn học này”, Hân cho hay.
Cô bạn cũng khiêm tốn chia sẻ một số thành tích khác của mình như: Science Olympiad Data Science – hạng 5 cấp bang; Science Olympiad Data Science – hạng 3 cấp bang và đề cử “CS Principles Student of the Year”.
Nói về chương trình Tin học ở Mỹ, Hân cho biết, giáo trình giảng dạy ở xứ sở cờ hoa cũng chia làm 2 phần: Lý thuyết và thực hành. Cụ thể học sinh sẽ được học về lý thuyết trong Khoa Học Máy Tính và áp dụng kiến thức đó để xây dựng một dự án lập trình. Mỗi năm học sinh sẽ tham gia 3 – 4 dự án. Những dự án này giúp học sinh cọ xát, nâng cao kiến thức của bản thân.
Được biết, Hân hiện là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ khoa học, Trưởng ban tổ chức của United Under Arts HCMC – một dự án về nghệ thuật của trường. Đồng thời Hân còn là thực tập sinh nghiên cứu về Hệ điều hành thời gian thực tại một trường đại học, đội trưởng trong các cuộc thi về khoa học hay lập trình máy tính,…
Trúng tuyển học bổng đại học danh giá top đầu thế giới nhờ đam mê với môn Tin học và sự chân thành
Giống nhiều bạn trẻ khác, đến năm đầu lớp 10, Triều Hân mới suy nghĩ và tìm hiểu về các trường đại học ở Mỹ. Lúc này cô bạn hoàn toàn không biết gì về các kỳ thi SAT/ACT hay các hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên trước đó, Hân từng đăng ký học các lớp AP. Trong quá trình này, cô bạn quen biết nhiều anh chị khóa trên và được hướng dẫn tận tình cách apply vào các trường đại học.
Sau khi được thông suốt, Hân quyết định apply vào Đại học Stanford, chuyên ngành Computer Science (Khoa học máy tính). Cô bạn tập trung tham gia các hoạt động ngoại khóa để làm dày hồ sơ xin học bổng. Dù không tham gia quá nhiều nhưng với mỗi dự án, Hân đều dồn toàn bộ tâm huyết, hết mình với các hoạt động.
Triều Hân không tham gia quá nhiều dự án nhưng với mỗi dự án đều cháy hết mình.
Trong hồ sơ, Hân luôn thể hiện sự đam mê cháy bỏng của mình với Tin học. Cô bạn cũng chia sẻ về sự liên thông giữa toán – nghệ thuật, cũng như cách áp dụng code để miêu tả mối liên kết đó. Chẳng hạn Golden Ratio (tỷ lệ vàng) hay là chuỗi Fibonacci được bắt gặp rất nhiều trong các bức họa nổi tiếng, trong thiết kế và kể cả trong tự nhiên.
Chính hiểu biết và cả đam mê đã khiến Hân lọt vào mắt xanh của Đại học Stanford – ngôi trường vốn nổi tiếng với tỷ lệ chấp nhận cực kỳ thấp.
Còn về bài luận, cô bạn đã có những ý tưởng từ trước. “Em có lưu riêng một mục note trong điện thoại để khi nào có ý tưởng cho chủ đề thì viết vào. Vì em cũng hay quên. Do có một list ý tưởng lưu sẵn trong máy rồi nên lúc bắt đầu viết luận, em không bị mất quá nhiều thời gian. Vậy nên em khuyên các bạn chuẩn bị apply đại học nên sớm bắt đầu suy nghĩ về chủ đề bài luận cá nhân của mình. Nếu để cận deadline, sẽ rất khó và áp lực nếu phải mà nhớ lại các trải nghiệm và câu chuyện của mình”.
Được biết trong bài luận, Hân đã chia sẻ những điều chân thật nhất từng gặp và nhận thấy. “Với bài luận chính, em so sánh thời tiết ở Việt Nam và thời tiết ở Mỹ. Thông qua đó truyền tải về cách em đối mặt với những sự thay đổi bất chợt trong cuộc sống. Thời tiết ở TPHCM thì chỉ có 2 mùa mưa – mùa khô nên rất quen thuộc và dễ đoán. Ngược lại thì thời tiết ở bang của em ở rất khắc nghiệt và không lường trước được.
Đồng thời, em viết về ý nghĩa của tên bố mẹ đặt cho em. Triều Hân! Triều là triều đại; Hân trong hân hoan. Khi đến Mỹ, mỗi khi gặp khó khăn thì em luôn nhắc nhở mình về cái tên bố mẹ đặt cho – phải hân hoan, lạc quan bước vào một triều đại mới, một thay đổi mới, dù thay đổi đó có bất chợt và khắc nghiệt như thế nào”, cô gái trẻ hào hứng kể lại.
Đào Vũ Triều Hân
Hãy thử sức và đặt cho mình các mục tiêu cao. You miss 100% of the shots you don’t take (Bạn bỏ lỡ cơ hội 100% nếu không dám thử sức).
Dù đã đạt học bổng khủng của Đại học Stanford nhưng đến giờ này, Triều Hân vẫn lâng lâng, không dám tin tất cả là sự thật. Cô bạn khiêm tốn cho rằng, thành tích của mình một phần nhờ may mắn, nhưng cũng không thể phủ nhận, sự cố gắng không ngừng của bản thân.
Quan trọng nhất, Hân đã tìm ra được môn học yêu thích của mình. Từ đó cô bạn theo đuổi 2 chữ đam mê và sống hết mình cho đam mê đó. Nói về Tin học, Hân thành thật chia sẻ: “Em nghĩ các bạn nữ không nên bận tâm đến các định kiến bên ngoài, thay vào đó tập trung vào việc trau dồi cho bản thân mình. Em nghĩ điều thú vị của môn Tin là tính ứng dụng và sự hiện diện của nó xung quanh chúng ta.
Bên cạnh đó, mọi người hãy thoải mái thử sức và đặt cho mình các mục tiêu cao. You miss 100% of the shots you don’t take (Bạn bỏ lỡ cơ hội 100% nếu không dám thử sức)”, cô gái trẻ đúc kết từ hành trình của chính mình.