Trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội hay trái phiếu bền vững là những khái niệm tương đối mới ở Việt Nam. Tuy nhiên trên thế giới, đây đang được coi là phương tiện hữu hiệu huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội.
Nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm kênh huy động vốn mới từ trong nước và quốc tế, ngày 12/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra hướng dẫn về phát hành trái phiếu xanh.
Tất cả các dự án hướng tới mục tiêu “xanh” như: năng lượng, quản lý chất thải, ô nhiễm…, thậm chí kể cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, du lịch… đều có thể phát hành trái phiếu xanh. Lãi suất phải trả thấp hơn và không nhất thiết phải thế chấp bất động sản để vay vốn như ngân hàng là những lợi thế của trái phiếu xanh mà nhiều doanh nghiệp mong muốn.
(Ảnh minh họa: Dân trí)
Nhà đầu tư trái phiếu xanh thường là các quỹ đầu tư quốc tế, với mức lãi suất ở các nền kinh tế phát triển đang ở mức thấp, nên ngày càng có nhiều quỹ quan tâm tới cơ hội đầu tư xanh ở các nền kinh tế đang phát triển.
Để gọi vốn thành công từ trái phiếu xanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh doanh nghiệp cần hiểu rõ hướng dẫn về cách thức phát hành, cách quản lý dòng tiền, nguồn vốn cho các dự án xanh, đặc biệt là việc công bố thông tin về môi trường, xã hội của doanh nghiệp một cách minh bạch.
“Các tổ chức đánh giá cần có uy tín, cơ sở dữ liệu tốt về ngành nghề và thông tin cập nhật của các thị trường. Với thị trường có đầy đủ thông tin minh bạch, họ có thể tiếp cận thông tin từ việc phát hành cho tới sử dụng vốn”, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết.
Theo báo cáo gần đây của tổ chức tài chính quốc tế IFC, giá trị phát hành trái phiếu xanh năm 2019 ở các thị trường đang phát triển đạt 52 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước. Việc huy động được trái phiếu xanh sẽ giúp Việt Nam có nguồn vốn nâng cao khả năng thích ứng và thực hiện các mục tiêu cam kết về biến đổi khí hậu, bởi hiện Việt Nam xếp thứ 6 trong các nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.
VTV.VN