Tăng tỷ trọng ở 3 ngân hàng, HDB là cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục
Trong tháng 3, PYN Elite Fund thực hiện nhiều thay đổi lớn về danh mục đầu tư, trong đó có các hoạt động cơ cấu cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu VietinBank (HoSE: CTG) bị hạ tỷ trọng từ 10,11% về 8,9% và rơi xuống vị trí thứ 6.
Trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng khác được tăng tỷ trọng. Đáng chú ý nhất là cổ phiếu của HDBank (HoSE: mã HDB) được quỹ đầu tư Phần Lan tăng mạnh tỷ trọng từ 8,76% lên 9,4%. Tổng giá trị danh mục của PYN tại 31/3 đạt hơn 631 triệu Euro (tương đương hơn 17.420 tỷ đồng).
Như vậy, giá trị khoản đầu tư vào HDB của PYN Elite Fund đến cuối tháng 3 đạt hơn 59,3 triệu EUR (hơn 1.630 tỷ đồng), tăng gần 4,4 triệu EUR trong tháng vừa qua. Hoạt động cơ cấu này đưa cổ phiếu HDB vào top 3 khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục quỹ đến từ Phần Lan và là cổ phiếu ngân hàng được đầu tư lớn nhất.
“HDBank được điều hành bởi Madame Thảo – người phụ nữ giàu nhất Việt Nam, nhà sáng lập hãng hàng không Vietjet. Đây là ngân hàng chất lượng cao, có chính sách quản trị rủi ro thận trọng nhưng định giá còn thấp. Thách thức lớn nhất là giữ được tốc độ tăng trưởng cao và quản trị rủi ro khách hàng tại công ty tài chính tiêu dùng”, PYN Elite giới thiệu về ngân hàng.
Quỹ này kỳ vọng giá trị vốn hóa thị trường HDB có thể đạt 3 tỷ EUR, tương ứng mức sinh lời 98%. PYN cho rằng định giá P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) của ngân hàng có thể lên mức 2,5 lần.
Hiệu quả kinh doanh cao với dư địa phát triển lớn
Năm 2020, HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.818 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước đó. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 20,6% và 1,7%. Ngân hàng cũng hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 9.810 tỷ lên hơn 16.088 tỷ thông qua chia cổ tức và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ 65%.
Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của riêng ngân hàng ở mức 0,93%, thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Toàn bộ trái phiếu VAMC đã được tất toán trước thời hạn. Tỷ lệ an toàn vốn CAR theo chuẩn Basel II đạt tới 12,1%.
Đóng góp vào mức tăng trưởng tích cực trên, bên cạnh hoạt động tín dụng thì mảng dịch vụ đã khởi sắc rõ rệt khi lãi từ dịch vụ năm 2020 tăng gấp rưỡi so với năm 2019. Các hoạt động dịch vụ thanh toán, ngân quỹ và nhiều dịch vụ khác đều ghi nhận tăng trưởng. Kết quả nêu trên cho thấy các sản phẩm dịch vụ của HDBank đang được khách hàng đón nhận, giúp nhà băng này đa dạng hóa nguồn thu nhập.
Sang năm 2021, HDBank ghi nhận kết quả tích cực ngay trong quý đầu năm với con số lãi trước thuế hợp nhất ước vượt 2.000 tỷ đồng, tăng 68% so với quý I/2020. Chỉ số ROE đạt trên 26%, cao hơn mức 19% của cùng kỳ năm trước. Dư nợ quý 1 tiếp tục tăng trên 5% đạt khoảng 198.000 tỷ đồng tại cuối tháng 3.
Theo các nhà phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect, HDBank là một trong 3 ngân hàng sẽ được hưởng lợi nhất từ Thông tư 03 về cơ cấu nợ, giãn nợ, quy định về trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, HDBank là một trong số ít các ngân hàng chưa ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, nên dư địa phát triển mảng bancassurance, thẻ tín dụng và các sản phẩm dịch vụ khác còn lớn trong năm 2021 và các năm tiếp theo.