Miếng bánh ngon của nhà bán lẻ
Tại nhiều cửa hàng bán lẻ, smartphone ở phân khúc phổ thông đang là “nồi cơm chính”. Còn với các hệ thống lớn khác doanh thu của nhóm hàng này chiếm chừng 12 – 15% là tỷ lệ không hề thấp. Ông P.T.N, Giám đốc ngành hàng thiết bị di động của một chuỗi bán lẻ thiết bị kỹ thuật số cho biết: “Doanh thu của phân khúc phổ thông không cao, lợi nhuận trên từng sản phẩm thấp nhưng thực trạng kinh doanh nhóm này lại ổn định, nhất là tại các tỉnh lẻ”.
Theo nhận định của một số nhà bán lẻ, vào cuối năm nay, doanh thu của nhóm hàng smartphone phổ thông sẽ tăng mạnh khi Việt Nam chấm dứt nền tảng mạng 2G để chuyển sang mạng 3G/4G. Với khoảng 10 – 12 triệu khách hàng hiện đang sử dụng những chiếc điện thoại cơ bản, chủ yếu ở vùng nông thôn, khi chuyển sang mạng 3G sẽ hình thành cuộc đua của các nhà sản xuất smartphone phổ thông. “Các nhà sản xuất và kinh doanh đã chuẩn bị gì cho cuộc chơi mới này?”, ông Tiến Đức, chủ một chuỗi cửa hàng kinh doanh điện thoại tại TP. Pleiku (Gia Lai) đặt câu hỏi. Theo ông Đức, từ năm 2020 trở về sau, nhóm smartphone phổ thông có lực bán mạnh nhưng số lượng mẫu mã mới lại không nhiều.
Chính vì lượng tiêu thụ lớn, nên hiện nay, mẫu mã mới của nhóm hàng phổ thông không những ít mà còn thiếu nhiều trên thị trường! Theo một nhà sản xuất smartphone tại Việt Nam, do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn những bất trắc nên các nhà sản xuất linh kiện trên thế giới “chạy chưa hết công suất”, dẫn đến thiếu linh kiện, có thời điểm tình trạng “thiếu hàng nghiêm trọng” đã xảy ra.
Nhà sản xuất này còn tiết lộ, vì thiếu những linh kiện quan trọng nên có những mẫu sản phẩm chỉ sản xuất chừng 70 – 100.000 máy đã gọi là nhiều! “Việc “ôm” được hàng triệu linh kiện cho sản phẩm giá phổ thông vào thời điểm này là điều tuyệt vời nhưng hình như không có nhà sản xuất nào làm được”, đại diện một hãng sản xuất smartphone chia sẻ.
Vì nguồn cung thiếu nên giá nhiều linh kiện quan trọng đã tăng từ 15–30%! Điều đó đã làm giá thành máy tăng lên đáng kể, từ 5 – 10%. Với những dòng máy cao cấp, mức tăng trên có phần làm chậm lại lượng hàng bán ra nhưng không đáng kể. Còn với máy giá rẻ, dù giá trị tuyệt đối tăng thấp nhưng so với túi tiền của người lao động, tăng giá vào thời điểm này lại là điều nan giải!
Trung thành với mục tiêu
Cuối năm ngoái, VinSmart đã gia tăng danh mục sản phẩm của mình và có thêm những phiên bản của dòng Aris với mức giá bán từ 5,99–8,49 triệu đồng, thuộc phân khúc tầm trung. Trong tình hình thiếu linh kiện ở tất cả các phân khúc hiện nay, VinSmart trung thành với mục tiêu “tạo chỗ đứng vững chắc ở phân khúc phổ thông”.
Với các đối tác bán lẻ smartphone hiện nay, Vsmart là thương hiệu có nhiều sản phẩm nhất ở dòng sản phẩm phổ thông và đặc biệt bán lẻ bán nhiều nhất các dòng máy của Vsmart, với 12 phiên bản của các dòng Joy, Star, Live và Bee.
VinSmart vừa chính thức tung ra thị trường sản phẩm mới nhất của dòng Star là Vsmart Star 5 với 3 phiên bản: 3GB RAM/32GB ROM, 3GB RAM/64GB ROM và 4GB RAM/64GB ROM với cùng chung cấu hình: màn hình IPS LCD độ phân giải HD+ kích thước 6,52″, chip MediaTek Helio G35 8 nhân, pin 5.000 mAh, sạc nhanh 18W cùng cụm 3 camera sau với các độ phân giải: 13MP, 2MP và 2MP, còn camera selfie có độ phân giải là 8MP. Star 5 có mặt lưng được làm sáng bóng cùng 3 màu: xanh hy vọng, xanh đam mê và đen huyền bí; màn hình được thiết kế dạng giọt nước. Star 5 được bán với mức giá 2,69 triệu đồng – phiên bản 3GB RAM/32GB ROM, 2,89 triệu đồng – phiên bản 3GB RAM/64GB ROM và 3,19 triệu đồng với phiên bản 4GB RAM/64GB ROM.
Tuy nhiên, điểm nhấn tạo nên khác biệt của Star 5 trong phân khúc phổ thông chính là “tích hợp miễn phí gói dữ liệu Internet” với dung lượng lên đến 10GB/tháng trong 18 tháng thông qua công nghệ SIM ảo (vSIM). “Với những ưu đãi về gói dữ liệu, cấu hình và thiết kế, Star 5 sẽ là dòng smartphone được người tiêu dùng đón nhận nhiều nhất trong phân khúc phổ thông nói riêng, và thị trường smartphone Việt Nam nói chung trong năm nay”, đại diện VinSmart tự tin nói.
Vì sản phẩm phổ thông nên lợi nhuận không cao, chưa kể việc phải nghĩ cách “lạ và độc” để tiếp cận thị trường nên những nhà sản xuất tham gia cuộc chơi ở phân khúc này phải có “trái tim thép” mới đủ sức tính toán được những va đập khắc nghiệt trên thương trường!