Một đêm thứ 6, Kwon Tae-hoon nhận được một cuộc điện thoại. Người ở đầu dây bên kia thông báo rằng em trai của anh đang nằm trong phòng cấp cứu và yêu cầu anh tới ngay lập tức. Bệnh viện cho biết tình trạng của chàng thanh niên “không nghiêm trọng lắm”.
Kwon nghĩ rằng em trai mình đánh nhau sau khi uống rượu nên phải vào viện. Bắt taxi đến Bệnh viện Seoul, Kwon đã chuẩn bị sẵn những lời giáo huấn cho em trai mình vì gây rắc rối. Tuy nhiên, Kwon không bao giờ có cơ hội làm việc đó. Khi anh đến, cậu em trai 24 tuổi đã bất tỉnh.
Cậu là nạn nhân trong một vụ phẫu thuật thẩm mỹ gọt cằm biến chứng. Máu chảy rất nhiều sau cuộc phẫu thuật khiến những miếng băng quấn quanh mặt chàng trai trẻ đổi màu. Chàng trai xấu số tử vong 7 tuần sau đó.
Gia đình Kwon nói rằng cậu trai trẻ là nạn nhân của một “bác sĩ ma”, thuật ngữ được dùng để mô tả một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ bị tráo đổi bác sĩ. Khi một bệnh nhân bị gây mê, họ sẽ được thực hiện phẫu thuật bởi một bác sĩ khác thay vì người họ đã chọn lựa từ trước. Rõ ràng, tay nghề của những người này sẽ không thể so sánh với vị bác sĩ họ chọn.
Việc làm này là bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nói rằng quy định yếu kém trong quản lý ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ trị giá 10,7 tỷ USD ở Hàn Quốc đã dung túng cho tình trạng này. Các phòng khám hoạt động theo mô hình công nghiệp và những nhân viên không đủ trình độ được sử dụng để thay thế các bác sĩ có bằng cấp.
Do khan hiếm bác sĩ, một người đôi khi thực hiện một vài cuộc phẫu thuật cùng lúc. Để đáp ứng được đòi hỏi, những bác sĩ mới vào nghề, những người học việc, y tá hay thậm chí là nhân viên bán thiết bị y tế cũng được trưng dụng vào các cuộc phẫu thuật.
Theo luật pháp Hàn Quốc, việc thực hiện các hoạt động y tế mà không có giấy phép sẽ phải chịu hình phạt tối đa là 5 năm tù giam hoặc số tiền 44.000 USD. Nếu cuộc phẫu thuật ma được thực hiện bởi một bác sĩ khác có giấy phép, nó vẫn bị khép vào hành vi gian lận. Tuy nhiên, những tội ác này rất khó chứng minh. Các bác sĩ không ghi lại việc mình làm trong khi các phòng khám cũng không có máy quay giám sát.
Trong khi đó, ngay cả khi các vụ việc được đưa ra tòa, các bác sĩ ma cũng hiếm khi bị phạt nặng. Điều này khiến các phòng khám bất chấp để kiếm lợi. Tuy nhiên, vụ việc của Kwon đang gây được sự chú ý và có thể thay đổi được nhiều thứ khi gia đình này không chỉ buộc tội các bác sĩ liên quan mà còn yêu cầu đổi luật để trừng trị thích đáng hơn.
Câu chuyện của Kwon
Chàng trai xấu số là một sinh viên đại học tình cảm và khiêm tốn. Gia đình nói cậu là kiểu con trai vào bếp nấu canh rong biển cho mẹ vào ngày sinh nhật. Cậu là một người khá hoàn hảo nhưng lại không cảm thấy tự tin về bề ngoài của mình. Kwon tin rằng phẫu thuật thẩm mỹ có thể khiến cậu thành công hơn.
Trong những bức ảnh được chụp không lâu trước khi qua đời, Kwon đã chỉnh sửa ảnh để khuôn mặt của mình trở nên V-like giống như gương mặt của những thần tượng K-pop. Mẹ và anh trai đã nỗ lực khuyên can nhưng Kwon vẫn bí mật đăng ký phẫu thuật thẩm mỹ ở một phòng khám nổi tiếng về phẫu thuật hàm ở khu phố Gangnam xa hoa của thủ đô Seoul.
Vào ngày 8/9/2016, bác sĩ tiến hành phẫu thuật gọt xương để thay đổi khuôn hàm của Kwon. Đây là ca phẫu thuật phổ biến ở quốc gia này và thường kéo dài từ 1 đến 2 giờ. Chi phí của loại phẫu thuật này vào khoảng 5.800 USD.
Tuy nhiên, ca mổ của Kwon không diễn ra như kế hoạch. Kwon bị chảy máu nhiều và anh được chuyển đến bệnh viện. 9h sáng hôm sau, bác sĩ thẩm mỹ phẫu thuật cho Kwon đến nơi chàng trai trẻ đang nằm cấp cứu. Anh ta nói với gia đình rằng việc phẫu thuật diễn ra như bình thường và có cảnh quay giám sát trong phòng mổ để chứng minh điều đó. Đây là quy định không bắt buộc nhưng nhiều bệnh viện lắp máy qua để tăng độ tin tưởng.
Mẹ của Kwon đã xem đoạn phim 500 lần. Cuộc phẫu thuật bắt đầu lúc 12h56. Một tiếng sau, bác sỹ phẫu thuật rời đi, một bác sĩ khác vào phòng mổ. Cả hai đi ra nhưng 30 phút sau chưa thấy ai vào lại dù các trợ lý, điều dưỡng vẫn ở trong phòng. Mẹ Kwon thấy rằng vị bác sĩ được chọn để gọt hàm cho con trai đã không hoàn thành cuộc phẫu thuật.
Phần lớn trong suốt ca mổ được thực hiện bởi một bác sĩ khác, người chỉ có bằng đa khoa mà không có chứng chỉ phẫu thuật thẩm mỹ. Đặc biệt, người này mới tốt nghiệp trường y dù quảng cáo nói rằng nơi đây đều là những bác sĩ dày dạn kinh nghiệm và bác sĩ được chọn sẽ chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối.
“Em trai tôi tin tưởng vào vị bác sĩ mà nó chọn nên mới quyết định phẫu thuật thẩm mỹ ở đây”, anh trai của nạn nhân cho biết.
Ca phẫu thuật kết thúc lúc 16h17 sau 3 tiếng. Theo các bác sĩ có kinh nghiệm, kiểu phẫu thuật tương tự chỉ mất một tiếng rưỡi hoặc ít hơn. Sau ca phẫu thuật, cả 2 bác sĩ về nhà để lại y tá khi nạn nhân bị mất máu. Tổng cộng, người ta đã lau sàn 13 lần vì máu chảy ra từ bệnh nhân. Đánh giá đoạn phim, các chuyên gia nói rằng Kwon có thể mất máu nhiều gấp 3 lần những gì các bác sĩ đã nói.
“Tôi không nghĩ vị bác sĩ ma quái này đã kiểm tra xem con tôi mất bao nhiêu máu. Tôi rất căm phẫn với điều đó. Mọi việc có lẽ sẽ khác nếu họ kiểm tra xem con tôi mất máu như thế nào nhưng chẳng ai làm vậy”, mẹ của Kwon nói trong đau khổ.
Bất chấp cái chết của Kwon, phòng khám vẫn mở cửa và tiếp tục quảng cáo rằng 14 năm trôi qua, không bệnh nhân nào của họ gặp tai biến trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, nó đóng cửa vào năm ngoái mà không ai biết lý do vì sao.
Thiếu sót của luật
Gia đình Kwon muốn bắt những người liên quan phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, họ sớm phát hiện ra rằng các quy định xung quanh vấn đề này còn yếu và chưa hoàn thiện. Tòa Tối cao Hàn Quốc phê duyệt việc phẫu thuật thẩm mỹ như một hoạt động y tế vào năm 1974 và các bác sĩ phẫu thuật phải vượt qua các kỳ thi chuyên môn.
Năm 2014, nhà chức trách Hàn Quốc đã biết đến sự tồn tại của các ca phẫu thuật ma. Năm 2015, một nhóm bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã yêu cầu Bộ Y tế và Phúc lợi thắt chặt các quy tắc bằng cách yêu cầu các bác sĩ cho bệnh nhân biết ai là người thực hiện phẫu thuật và lắp máy quay giám sát trong các phòng mổ.
Thời điểm đó, các nhóm hoạt động đã bắt đầu theo dõi các cuộc phẫu thuật ma. Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc cũng thành lập một đội đặc nhiệm để tìm hiểu phương thức hoạt động của loại hình này. Năm 2018, luật của Hàn Quốc thay đổi nhằm tăng hình phạt đối với các bác sĩ góp mặt trong các ca phẫu thuật ma. Tuy nhiên, một bài báo được xuất bản năm 2018 trên Tạp chí Y khoa uy tín cho biết tình trạng này vẫn đang diễn ra “tràn lan”.
Những người trong cuộc cũng đã thừa nhận về điều này. Một bác sĩ giấu tên cho biết mình bắt đầu công việc tại một trong những cơ sở thẩm mỹ lớn nhất Hàn Quốc vào năm 2012. Tuy nhiên, anh đã bỏ việc ở đó vì “không muốn sống với cảm giác tội lỗi”. Công việc chính của anh ta là thực hiện các ca phẫu thuật cho các bác sĩ chính. Tên anh ta thậm chí còn không có trong danh sách bác sĩ của bệnh viện.
Tình trạng này xảy ra bởi lợi nhuận nó mang lại quá lớn. Hàn Quốc có tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ trên đầu người cao nhất thế giới. Trước khi Covid-19 nổ ra, Hàn Quốc còn là nơi thu hút đông đảo người nước ngoài tới phẫu thuật thẩm mỹ. Chỉ riêng ở Seoul, có tới 561 trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ.
Các bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng thường thuê những ngôi sao K-pop để quảng cáo cho mình. Tuy nhiên, họ quá bận rộn nên không thể phẫu thuật cho tất cả bệnh nhân, đặc biệt là khi các bác sĩ ngôi sao thường xuyên phải làm công việc ra mặt để tư vấn cho khách hàng mới. Đó là lý do các bác sĩ ma xuất hiện.
Nỗ lực ngăn chặn những đau thương
Hầu hết các ngày, mẹ của Kwon đều đứng bên ngoài tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc ở thủ đô Seoul. Bà trở thành một trong những người đòi hỏi mạnh mẽ nhất cho sự thay đổi trong ngành công nghiệp này. Sau cái chết của con trai, bà và người chồng nghỉ hưu đã chuyển hẳn đến Seoul để đòi lại công lý cho đứa con xấu số.
Mỗi ngày, người phụ nữ này đều đeo một tấm biển yêu cầu nhà chức trách đưa ra quy định bắt buộc phải có máy quay giám sát trong các phòng phẫu thuật thẩm mỹ.
“Tôi sẽ chẳng biết được những gì xảy ra với con tôi nếu không có máy quay giám sát”, bà mẹ mất con kể lại. Người phụ nữ này cũng muốn các bác sĩ sẽ bị thu bằng vĩnh viễn nếu họ phạm tội giết người hoặc ngộ sát.
Tuy nhiên, các bác sĩ phản đối khi cho rằng họ không thấy thoải mái khi làm việc trong điều kiện bị theo dõi. Trong khi đó, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cũng lên tiếng công khai phản đối dự luật này và coi đó là hành vi xâm phạm quyền riêng tư đồng thời làm các bác sĩ phân tâm, có thể xảy ra tai nạn trong quá trình phẫu thuật.
Dẫu vậy, khi nhiều người trong xã hội Hàn Quốc vạch trần tình trạng bác sĩ ma thông qua mạng xã hội. Nó góp phần nâng cao nhận thức của người dân nước này và dẫn tới những yêu cầu pháp lý mà Nhà Xanh buộc phải giải quyết nếu có đủ số người ủng hộ.