Nếu liên Bộ điều chỉnh các mức chi – trích Quỹ bình ổn, mức điều chỉnh giá giá xăng dầu sẽ giữ nguyên hoặc giảm nhiều hơn con số 100 – 200 đồng/lít.
Trong quý I/2021, giá xăng trong nước có 6 lần điều chỉnh, trong đó có 5 lần tăng giá và 1 lần đi ngang. Hiện giá bán xăng RON95-III tại Petrolimex là 19.040 đồng/lít; xăng E5 RON92 là 17.850 đồng/lít. Với việc giá dầu thế giới giảm nhẹ trong 2 tuần qua, nhiều khả năng giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh giảm nhẹ.
Tại kỳ điều chỉnh mới đây 27/3, giá xăng E5RON92 không cao hơn 17.851 đồng/lít (tăng 129 đồng/lít); xăng RON95-III không cao hơn 19.046 đồng/lít (tăng 165 đồng/lít); dầu diesel 0.05S không cao hơn 14.243 đồng/lít (giảm 158 đồng/lít); dầu hỏa không cao hơn 13.004 đồng/lít (giảm 169 đồng/lít); và dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.757 đồng/kg (giảm 12 đồng/kg).
Diễn biến giá xăng tại thị trường Singapore
Giá dầu thô trên thị trường quốc tế cùng kỳ cũng giảm nhẹ tương ứng khoảng 1-2%. Riêng tuần vừa qua, giá dầu thô giảm khoảng 2% do sản lượng tăng trong khi một số quốc gia kéo dài thời gian giãn cách xã hội, làm giảm hy vọng vào sự hồi phục nhu cầu nhiên liệu trong tương lai gần.
Sáng nay 12/4 trên thị trường Châu Á, giá dầu hồi phục bởi nhà đầu tư hy vọng nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ sẽ tăng khi mùa đi lại (mùa Hè) đang đến gần và việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 vẫn tiếp tục được tăng tốc triển khai. Mỹ đã tiêm phòng đầy đủ được cho 70 triệu dân của mình.
Giữa buổi sáng nay theo giờ Việt Nam, dầu Brent tăng 25 US cent (0,4%) lên 63,2 USD/thùng, trong khi WTI tăng 17 US cent (0,3%) lên 59,49 USD/thùng.
Chỉ số giá sản xuất tại Mỹ được ghi nhận tăng 1% trong tháng 3/2021 và kéo theo đó là mức lạm phát năm ước tính của nền kinh tế Mỹ ở mức 4,2%, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, và cao hơn đáng kể so với dự báo của giới chuyên gia.
Diễn biến giá dầu thô
Tuy nhiên, áp lực giảm giá dầu gần đây gia tăng sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, gọi là OPEC+, quyết định sẽ tăng nguồn cung thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7. Nếu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran liên quan đến hạt nhân, nguồn cung dầu sẽ còn tăng thêm nữa.
“Đúng vào lúc triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu đang có lợi cho giá dầu, thì OPEC+ lại đi đến quyết định nâng sản lượng”, Giám đốc Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates cho hay.
Việc nhiều quốc gia trên thế giới – đặc biệt là châu Âu – phải phong tỏa trở lại để chống làn sóng Covid-19 mới, cộng thêm chương trình tiêm chủng gặp khó ở một số nơi, cũng có thể đe dọa bức tranh nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 chuyển xấu ở nhiều nước cũng khiến cho triển vọng nhu cầu dầu mỏ thế giới trở nên không chắc chắn. Stephen Innes, chiến lược gia thị trường của công ty Axi, cho biết: “Một sự yên tĩnh đến mứng đáng lo ngại đang bao trùm thị trường dầu mỏ khi các nhà giao dịch có tâm lý chờ đợi xem tình hình sẽ diễn biến như thế nào”.
Việc các nền kinh tế mở cửa trở lại quá nhanh gây nguy cơ dịch bệnh Covid-19 sẽ tái bùng phát trở lại. Theo ông Innes, điều đó có khả năng sẽ tiếp tục “làm giảm triển vọng du lịch toàn cầu” và giữ cho giá dao động trong khoảng hiện tại khi mùa hè đến gần.
Đó là lý do khiến các phân tích kỹ thuật đều cho thấy giá dầu thô có nhiều khả năng sẽ giảm tiếp trong tuần này cũng như tương lai gần sắp tới.
“Đang có một sự kéo-đẩy thực sự trên thị trường, do sự giằng co giữa các yếu tố gồm chiến dịch tiêm chủng được đẩy nhanh ở Mỹ, sản lượng dầu tăng, và lệnh phong tỏa mới ở châu Âu. Vì thế, giá dầu đang trong trạng thái giằng co”, nhà quản lý John Kilduff thuộc Again Capital cho biết.
Chiến lược gia trưởng Stephen Innes thuộc Axi cũng cho rằng giá dầu sẽ giằng co trong vùng 60-70 USD/thùng trong lúc nhà đầu tư đánh giá tác động của những yếu tố này.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn kỳ vọng vào sự khởi sắc của nhu cầu dầu trong nửa cuối của năm nay, nhờ đà tăng trưởng mạnh của Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đàm phán nhằm đưa Mỹ và Iran quay trở lại thỏa thận hạt nhân 2015 đang có bước tiến, nhưng giới chức Iran phát tín hiệu còn bất đồng với Washington về việc biện pháp trừng phạt nào cần được dỡ bỏ. Nếu thỏa thuận được nối lại, Iran có thể tăng mạnh xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc này sẽ không sớm xảy ra.
Tham khảo: Refinitiv