Cuộc chiến pháp lý kéo dài 10 năm nay giữa Google và Oracle đã gần đi đến hồi kết khi Tòa án Tối cao Mỹ đứng về phía Google với tỷ lệ 6 phiếu thuận, 2 phiếu chống. Phán quyết này đã lật ngược lại chiến thắng trước đó của Oracle với khoản tiền mà Google phải trả lên đến 9 tỷ USD.
Phán quyết này cho rằng Google không vi phạm luật bản quyền khi họ kết hợp ngôn ngữ lập trình Java của Oracle vào hệ điều hành Android. Cùng với việc đó, Google sao chép code của Oracle dành cho API Java vào Android và vụ việc này đã khởi đầu cho vụ kiện kéo dài nhiều năm nay về việc sử dụng lại các API và bản quyền đã có từ trước.
Trước đó vào năm 2018, một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết rằng Google đã vi phạm luật bản quyền khi sử dụng các API vào và trường hợp của họ không được xem là hành vi “Fair-use” hay sử dụng hợp lý bản quyền đó. Nhưng phán quyết mới của Tòa án Tối cao Mỹ đã lật ngược phát quyết này khi cho rằng việc Google sao chép các API Java được xem như việc “sử dụng hợp lý” và không vi phạm luật bản quyền.
Phán quyết này không chỉ cứu cho Google một khoản tiền phạt khổng lồ lên tới 9 tỷ USD mà còn cứu cả ngành công nghiệp phần mềm trên toàn cầu.
Trước khi phán quyết được đưa ra, Microsoft đã nộp một lá đơn khẩn cấp đề nghị Tòa án Tối cao đứng về phía Google. Lá thư này phần nào cho thấy tầm quan trọng của phán quyết này.
“Các nhà phát triển dựa vào việc chia sẻ, chỉnh sửa và cải thiện các dòng code đã được phát triển trước đó để tạo ra các sản phẩm mới và phát triển các chức năng mới. Cả nguyên nhân và hiệu ứng từ việc cộng tác phát triển này đều làm gia tăng nhu cầu của việc trao đổi thông tin và tương thích một cách liền mạch …”
Nếu các API trở thành đối tượng bảo hộ bản quyền, thì một nhà phát triển phần mềm ban đầu sẽ dễ dàng khóa chặt người dùng của mình trong một tiêu chuẩn độc quyền. Điều đó sẽ tạo ra nhiều vấn đề cho người tiêu dùng cũng như làm các công ty phần mềm khởi nghiệp khó có thể thâm nhập vào các thị trường phần mềm đã có sẵn. Do vậy, nhiều người lo ngại rằng nếu Oracle giành chiến thắng trong vụ kiện này, họ sẽ mở ra hàng loạt vụ kiện bản quyền API tương tự như các vụ kiện bằng sáng chế dạng patent troll trong suốt 20 năm qua.
Điều này càng nghiêm trọng hơn nữa nếu xét đến sự phổ biến của các API trong thế giới phần mềm hiện nay khi hầu hết các ứng dụng, các dịch vụ phần mềm đều được xây dựng trên một hoặc nhiều mảnh ghép phần mềm từ những người đi trước. Trong trường hợp Oracle giành chiến thắng, các khoản phí bản quyền chồng chất lên nhau sẽ tạo thành một gánh nặng khổng lồ cho những nhà phát triển cũng như người tiêu dùng, và cũng có thể là dấu chấm hết cho ngành phần mềm hiện nay.
Kent Walker, phó chủ tịch cấp cao Google về các vấn đề toàn cầu, đã gọi phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ là “một chiến thắng to lớn cho sự sáng tạo, khả năng tương tác và điện toán.”
Tham khảo TechCrunch
Pháp luật và Bạn đọc