Khi cơn bão Frances di chuyển đến bờ biển Florida vào tháng 9/2004, Walmart đã sử dụng một trong những công cụ trợ giúp mới nhất của mình – chương trình dữ liệu được gọi là “công nghệ dự đoán” để tìm hiểu xem người tiêu dùng sẽ mua gì trước khi cơn bão lớn ập tới.
Lần đầu tiên họ thực hiện phương pháp này là khi cơn bão Charley đổ bộ vào tháng 8 năm đó. Dựa trên lịch sử của người mua sắm vào thời điểm này, Walmart bắt đầu thử và dự đoán sản phẩm mà họ sẽ mua nhiều nhất trước khi cơn bão Frances ập đến.
Lấy từ dữ liệu về các mặt hàng bán chạy nhất trước đây, Walmart phát hiện ra một điều khá thú vị là sản phẩm được mua tích trữ nhiều nhất không phải nhu yếu phẩm như nước hay giấy vệ sinh mà lại là… bánh ngọt Pop-Tarts.
Theo thống kê, mặt hàng trên có doanh số cao gấp 7 lần bình thường. Rất nhanh chóng, Walmart đã mua vào một lượng lớn bánh Pop-Tarts rồi phân phối đến các cửa hàng trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão để sẵn sàng phục vụ khách hàng. Trước thời điểm này, Walmart không hề biết rằng những chiếc bánh Pop-Tarts lại bán chạy đến vậy.
Tại sao người mua sắm lại tích trữ Pop-Tarts trước và sau cơn bão?
Một người dân Florida mua hàng tích trữ trước khi cơn bão ập đến.
Không phải ngẫu nhiên sản phẩm này được người tiêu dùng Mỹ săn lùng trước và sau mỗi cơn bão. Năm 2018, Pop-Tarts nằm trong danh sách hàng hóa khẩn cấp của Walmart trước khi cơn bão Florence đổ bộ vào Bắc Carolina. Theo thông tin trên trang web của công ty, hơn 350.000 hộp Pop-Tarts đã được gửi đến các cửa hàng tại khu vực này trước và sau cơn bão để đáp ứng nhu cầu của người dân. Và đúng như dự đoán của Walmart, sản phẩm này đã nhanh chóng cháy hàng.
Người tiêu dùng có thể thưởng thức bánh Pop-Tarts mà không cần nướng. Điều này rất thuận tiện trong trường hợp điện bị cắt khi có bão. Những chiếc bánh còn được sản xuất theo cách đặc biệt để vận chuyển và bảo quản mà không cần làm lạnh. Chúng có thể giữ được lâu ngay cả khi bảo quản ở nhiệt độ thường trong thời gian tương đối dài.
Chính vì sự thuận tiện này cùng hương vị thơm ngon, Pop-Tarts đã trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Nhờ sự nhanh nhạy trong kinh doanh, Walmart đã hưởng lợi lớn trước và sau các cơn bão.
Kho dữ liệu khổng lồ của Walmart
Với hàng trăm triệu người đến mua sắm tại các cửa hàng mỗi tuần, Walmart sở hữu một kho lưu trữ thông tin khổng lồ. Họ trả tiền cho một hệ thống theo dõi doanh số bán hàng có tên là Retail Link.
Như vậy, về cơ bản, thói quen mua hàng của người tiêu dùng đã được theo dõi bất cứ khi nào họ thanh toán. Tất nhiên, Walmart giữ kín những thông tin này vì không muốn đối thủ biết động thái tiếp theo của mình.
Một nguồn tin cho biết thời điểm năm 2014, gã khổng lồ bán lẻ đã này thu thập tới 2,5 petabyte dữ liệu từ hàng triệu khách hàng mỗi giờ. Mỗi petabyte tương đương với 20 triệu tủ hồ sơ. Dữ liệu do Walmart tạo ra trong 1 giờ cao gấp 167 lần lượng sách trong Thư viện Quốc hội Mỹ.
Với lượng dữ liệu khổng lồ như vậy, công ty đã tìm mọi cách tận dụng để cải thiện hiệu quả hoạt động. CEO mảng thương mại điện tử toàn cầu của Walmart từng chia sẻ: “Chúng tôi muốn hiểu mọi sản phẩm và mọi khách hàng trên thế giới. Chúng tôi muốn kết nối hai đối tượng này với nhau trong một giao dịch theo cách hiệu quả nhất có thể”.
Nguồn: Tổng hợp