Nếu như 10 năm trước khoa Nội tiết tiếp nhận 10 trẻ/năm đến khám và điều trị vì dậy thì sớm thì những năm gần đây khoa tiếp nhận 350 trẻ/năm. Đáng nói, độ tuổi nhỏ nhất được chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm là vài tháng tuổi. Điều này có nghĩa là tình trạng trẻ dậy thì sớm tăng gấp 35 lần so với 10 năm trước.
Giai đoạn dậy thì ở trẻ được ví giống như một chuyến “tàu lượn siêu tốc” với những sự thay đổi thất thường, nhanh chóng về cảm xúc, thể chất lẫn hành vi của trẻ. Bên cạnh đó, có một hệ lụy của tình trạng dậy thì sớm ở trẻ mà cha mẹ nào cũng quan tâm là: Trẻ dậy thì sớm có ảnh hưởng đến chiều cao không? Khi trẻ dậy thì sớm tức là phát triển nhanh theo tuổi xương, làm cho trẻ có chiều cao vượt trội so với các bạn. Nhưng dậy thì sớm cũng đồng nghĩa với việc dầu xương đóng khép sớm, rút ngắn thời kỳ sinh trưởng, từ đó ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi trưởng thành.
Dậy thì sớm ở trẻ là gì?
Dậy thì sớm là khi cơ thể trẻ bắt đầu thay đổi thành người trưởng thành (dậy thì) quá sớm. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), trẻ dậy thì sớm có dấu hiệu phát triển giới tính trước 8 tuổi ở bé gái và 9 tuổi ở bé trai.
Nguyên nhân trẻ dậy thì sớm?
Nguyên nhân của dậy thì sớm thường không thể được tìm thấy. Hiếm khi, một số bệnh, chẳng hạn như nhiễm trùng, rối loạn hormone, khối u, bất thường hoặc chấn thương não, có thể gây ra dậy thì sớm.
Một số yếu tố khác có liên quan đến dậy thì sớm bao gồm: Giới tính, di truyền, tình trạng béo phì…
Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái
– Ngực phát triển
– Mọc lông mu hoặc lông nách
– Thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài
– Bắt đầu có kinh nguyệt
Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé trai
– Dương vật và tinh hoàn của trẻ phát triển
– Tóc, lông nách và lông ở vùng kín bắt đầu xuất hiện.
– Tăng trưởng chiều cao khá nhanh ở bé trai, có thể nhận thấy rõ.
– Thay đổi giọng nói và khuôn mặt, rõ nhất là giọng nói càng ngày trở nên ồm và vang hay còn gọi là vỡ giọng.
– Mụn trứng cá xuất hiện nhiều trên khuôn mặt, chủ yếu là hai má và trán
– Cơ thể trẻ bắt đầu có mùi.
Các loại dậy thì sớm
Dậy thì sớm ở trẻ em được chia làm 2 loại: Ngoại biên (dậy thì sớm giả) và trung ương (dậy thì sớm thật).
– Dậy thì sớm ngoại biên có bất thường và u nang buồng trứng, bệnh lý di truyền gây tiết hormone sinh dục.
– Dậy thì sớm trung ương có sự bất thường hoặc khối u trong não, gây kích thích tuyến sinh dục.
Tác hại của việc trẻ dậy thì sớm
– Ảnh hưởng về tâm lý: Những thay đổi trên cơ thể có thể khiến trẻ thấy ngại ngùng, xấu hổ vì cảm thấy khác biệt so với bạn bè, bị bạn bè trêu chọc. Điều này có thể khiến bé tự ti, ảnh hưởng đến kết quả học tập, trầm cảm và thậm chí để lại di chứng tâm lý cho đến khi trưởng thành.
– Quan hệ tình dục sớm: Sự phát triển tâm sinh lý quá sớm sẽ dẫn đến những ham muốn tình dục. Trẻ còn quá nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng… dễ dẫn tới mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Với bé gái có thể thêm cả mối lo mang thai khi tuổi đời còn quá nhỏ dẫn đến nạo, phá thai, để lại những sang chấn cả về thể chất lẫn tinh thần.
– Hạn chế chiều cao: Những trẻ bước vào giai đoạn dậy thì khi quá sớm sẽ có giai đoạn dậy thì ngắn. Cộng với giai đoạn tăng trưởng ấy không kéo dài và khi giai đoạn ấy kết thúc, trẻ cũng chậm phát triển lại.
– Nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang ở các bé gái, vô sinh ở bé trai: Chu kỳ kinh nguyệt sớm trước khi 8 tuổi ở bé gái có nguy cơ phát triển thành chứng rối loạn nội tiết tố và gây hội chứng buồng trứng đa nang khi trưởng thành. Dậy thì sớm ở bé trai còn có thể dẫn đến vô sinh nếu không được điều chỉnh kịp thời.
Khi nào nên đưa trẻ đi khám dậy thì sớm?
Nếu nhận thấy con bạn có dấu hiệu dậy thì sớm hơn so với bạn bè đồng trang lứa, bạn nên cân nhắc đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Chẩn đoán trẻ dậy thì sớm bằng cách nào?
Nếu trẻ bị dậy thì sớm, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nội tiết nhi khoa (một bác sĩ chuyên về tăng trưởng và rối loạn nội tiết tố ở trẻ em) để điều trị. Trẻ dậy thì trước 8 tuổi cần được đánh giá cẩn thận:
– Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp phát hiện hàm lượng hormone bất thường.
– Chụp cắt lớp, cộng hưởng từ và siêu âm giúp phát hiện các khối u có thể là nguyên nhân gây dậy thì sớm.
– Chụp X-quang cổ tay giúp xác định tốc độ trưởng thành của xương. Nếu xương già nhanh quá so với tuổi thực, ví dụ đứa trẻ lên 7 mà tuổi xương lại tương đương với trẻ 12 tuổi thì nhiều nguy cơ trẻ không đạt chiều cao tối đa khi trưởng thành.
Khám dậy thì sớm cho trẻ ở đâu?
Bố mẹ nên đưa bé đến khám tại các bệnh viện, phòng khám có chuyên khoa nội tiết trẻ em. Ví dụ như:
Tại Hà Nội:
– Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền – Bệnh viện Nhi Trung ương
– Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Tại TP.HCM
– Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố
– Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Điều trị dậy thì sớm cho trẻ như thế nào?
Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân:
– Nguyên nhân do khối u: Tùy thuộc vào loại u mà bác sĩ đưa ra điều trị cụ thể
– Nguyên nhân nguyên phát thì thuốc được chọn lựa là đồng vận GnRH. Thuốc này làm cho tuyến yên giảm bài tiết gonadotropins dẫn đến giảm tiết hormone sinh dục. Trẻ sẽ được tiêm thuốc mỗi tháng hoặc 3 tháng một lần đến khoảng 10 -11 tuổi ở nữ và 11-12 tuổi ở nam.
Cho đến nay, việc điều trị này chưa có bất kỳ tác dụng phụ đáng kể lâu dài nào.
Phòng ngừa dậy thì sớm cho trẻ
– Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học. Bữa ăn không nên thừa chất, chứa nhiều dầu mỡ, chất bảo quản, chất tạo màu mà nên cho con ăn một chế độ cân bằng, có đủ 4 nhóm chất là chất đạm, chất béo, tinh bột, rau củ…
– Không nên cho trẻ dùng nhiều loại thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tăng trưởng, tăng chiều cao…
– Kiểm soát cân nặng cho trẻ, tránh tình trạng béo phì ở trẻ. Đồng thời, nên khích lệ để con tập thể dục, ra ngoài vận động và giao lưu bạn bè, tránh để bé ở một mình trong phòng, xem phim và đọc sách có nội dung dành cho người lớn.