Là vựa cà phê của thế giới (xuất khẩu đứng thứ 2 sau Brazil), Việt Nam còn là quốc gia có văn hóa thưởng thức cà phê độc đáo. Do đó, dễ dàng nhận thấy đây là sân chơi khốc liệt của hàng loạt thương hiệu cà phê chuỗi nổi tiếng trên thế giới như Starbuck, Coffee Beans and Tea Leaf, My Life Coffee, McCafe… đến các tên tuổi nội địa gồm Trung Nguyên, Phúc Long, Highlands, Coffee House, King Coffee…
Cuộc chiến thị trường chuỗi cafe thêm khốc liệt hậu đại dịch?
Năm 2020, đại dịch Covid-19 dù giáng đòn nặng khiến tình hình kinh doanh sụt giảm, song sau đó là một xu hướng tiêu dùng mới được hình thành. Điều này đồng nghĩa với một cuộc chiến mới của thị trường chuỗi cà phê đã và đang diễn ra.
Đơn cử là cuộc đổ xô vào mô hình kinh doanh cửa hàng lưu động, kiôt bán hàng mang đi của hàng loạt thương hiệu lớn – trước đây chỉ bán trong cửa hàng. Và hơn thế nữa là cuộc chiến tại những khu vực mới, nằm ngoài trung tâm, nhằm phục vụ “tận miệng” khách hàng trong bối cảnh hạn chế đi lại.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Patricia Marques – Tổng Giám Đốc Starbucks Việt Nam nhận định: “Chúng tôi nhận thấy trong Covid-19, doanh thu của các cửa hàng ở các quận trung tâm như quận 1 hoặc đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ đã không tốt như trước. Trong khi, doanh thu tại cửa hàng ở các quận như Phú Nhuận thì ngược lại”.
Lúc bấy giờ, đại diện chuỗi Starbucks cho biết đại dịch không chỉ khiến thương hiệu mất khách du lịch quốc tế và chuyên gia mà cả khách Việt. Bởi, do lo ngại Covid-19, các gia đình ở các khu vực ngoại ô không còn xuống trung tâm vào cuối tuần mà sẽ chọn giải trí ở gần nhà. Đơn cử, nhìn lại năm 2020, những cửa hàng ở các quận Thủ Đức, Phú Nhuận… của chuỗi này đã tăng trưởng rất tốt.
Và dĩ nhiên, năm 2021 Starbucks sẽ đánh mạnh vào các khu vực ngoài trung tâm. Hoạt động tại phân khúc cao cấp, Starbucks nổi tiếng với sự chỉnh chu và chịu chi, và năm nay việc tìm các địa điểm mới theo bà Patricia Marques: “Vấn đề không phải là chúng tôi không trả được 35.000 USD/năm để bán những sản phẩm có giá 70.000 đồng, mà vấn đề là ở đó đã ít khách đi“. Theo kế hoạch trong tháng 4/2021, Starbucks sẽ mở 2 cửa hàng tại Nha Trang.
Bà Patricia Marques – Tổng Giám Đốc Starbucks Việt Nam.
“Ông lớn” Thái Lan – Café Amazon chính thức gia nhập và tuyên bố sẽ phủ khắp từ năm 2021
Trong động thái mới nhất, Café Amazon – chuỗi cà phê hàng đầu tại Thái Lan và khu vực Đông Nam Á – đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến thứ 10 trong kế hoạch mở rộng toàn cầu. Hiện nay, Café Amazon đã có 5 cửa hàng tại Việt Nam, cụ thể: 2 cửa hàng tại Tp.HCM và 3 cửa hàng con lại nằm trong hệ thống siêu thị Go! tại Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh.
Được biết, Café Amazon thành lập vào năm 2002, hiện sở hữu hơn 3.000 cửa hàng trong nước và 9 quốc gia khác trên thế giới.
“Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng của đầu tư. Nhận thấy tiềm năng phát triển lâu dài tại Việt Nam, Café Amazon đã có kế hoạch mở rộng hệ thống cửa hàng trên khắp cả nước trong tương lai, cụ thể trong năm 2021, Café Amazon dự định mở thêm nhiều cửa hàng tại Tp.HCM và các tỉnh lân cận”, phía Café Amazon nhấn mạnh.
Sản phẩm của chuỗi này theo giới thiệu là dòng cà phê đặc trưng như Amazon Signature với hương thơm và mùi vị đậm đà. Cà phê được chọn lọc từ các trang trại đạt chuẩn và rang trong nhà máy rang độc quyền “Amazon Inspiring Campus” (Thái Lan).
Liên tục mở rộng và hầu như không chuỗi nào có ý định dừng ở con số nhất định
Điểm qua về ngành, đặc biệt từ năm 2013, thị trường cà phê Việt Nam thực sự nóng lên khi Starbucks bắt đầu gia tăng sự hiện diện của mình và tiếp đến là chuỗi cà phê đến từ Hàn Quốc Coffee Bene, thương hiệu đến từ Mỹ PJ’s Coffee.
Tính đến hiện tại, hệ thống Highlands đang sở hữu số lượng quán nhiều nhất với gần 150 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành. Starbucks có khoảng 30 cửa hàng, Trung Nguyên hơn 60 cửa hàng, The Coffee House 80 cửa hàng….
Mỗi thương hiệu với một mùi vị, phong cách cùng chiến lược kinh doanh riêng vẫn tìm được chỗ đứng, thậm chí tăng trưởng tốt tại thị trường đa dạng và đầy tiềm năng này. Ghi nhận, hiện chưa có chuỗi nào bày tỏ ý định dừng ở con số nhất định mà tiếp tục có kế hoạch đầu tư để mở rộng và phát triển.
Trước Café Amazon, một thương hiệu đình đám của 3 ông bầu cũng lấn sân chuỗi cà phê: Tuyên bố chỉ bán cà phê thật và sạch (giống như bóng đá phải sạch), mục tiêu đạt 10.000 điểm bán sau 2 năm. Hay Vinamilk cũng tuyên bố trở lại với đúc kết kinh nghiệm từ 2 bài học cũ bằng chuỗi Hi-Café.
Không chỉ liên tục mở rộng quy mô, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành cũng liên tục tăng trưởng. Số liệu thống kê cho thấy doanh thu của hầu hết các chuỗi tăng đều giai đoạn. Tính đến cuối năm 2019, với độ phủ dày đặc, Higlands đạt mức doanh thu 2.199 tỷ đồng, tăng trưởng 35% và bỏ xa các đối thủ còn lại. Biên lợi nhuận gộp vào mức 69%, LNST đạt 84 tỷ đồng.
Lãi hàng chục tỷ còn có Starbucks với 52 tỷ LSNT trong năm 2019, doanh thu vào mức 783 tỷ đồng. Cùng thu về mức doanh thu khoảng 800 tỷ là chuỗi Phúc Long và The Coffee Houses, tuy nhiên tính đến cuối năm 2019 chuỗi The Coffee House ghi nhận thua lỗ ròng 81 tỷ đồng, Phúc Long có lãi 20 tỷ.
Đến nay, dịch Covid-19 không những tác động lên tốc độ mở rộng thị trường mà còn tác động lên “concept” của các thương hiệu. Chia sẻ bởi người trong ngành, đại dịch khiến nhiều thương hiệu F&B tại Việt Nam nhận ra rằng đầu tư lớn để mở cửa hàng sẽ gánh chịu rất nhiều rủi ro về cả mặt logistics lẫn doanh thu. Thời gian tới, không ai đoán được khi nào thì Covid-19 quay lại và với cường độ yếu mạnh ra sao, do đó nhiều đơn vị thu hẹp quy mô đầu tư, xây và sớm đưa vào vận hành nhanh.