Những căn hộ giá 20 triệu đồng/m2 đã thuộc về lịch sử!
“Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở hiện chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân“, báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản Quý IV/2020 và cả năm 2020 của Bộ Xây dựng cho biết.
Chia sẻ một cách thẳng thắn tại Tọa đàm Triển vọng thị trường bất động sản 2021, TS. Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam – cho biết: “Những căn hộ có giá 20 triệu đồng/m2 đã thuộc về lịch sử”.
TS. Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam.
“Do các thủ tục pháp lý kéo dài, cho nên ngày xưa cũng vị trí đó, giá 30 triệu đồng/m2, giờ lên 50 triệu đồng/m2”.
Theo cách hiểu thông thường, với mức giá 50 triệu đồng/m2, dự án đó mặc định trở thành trung cấp, mức giá 70 – 80 triệu đồng/m2 thì được gọi là hạng sang, cao cấp.
Tính pháp lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến hai bất động sản đặt cạnh nhau, nhưng thường dự án xây dựng sau bao giờ cũng cao giá hơn dự án xây trước. Lý do không phải bởi căn hộ mới hơn, mà bởi chi phí đẩy vào nhiều hơn, theo TS. Khương.
Bàn về câu chuyện cao cấp, ông Khương cho biết, thị trường Việt Nam thực sự không có một định nghĩa nào phản ánh đúng giá trị.
“Có một chung cư bán căn hộ giá 35 triệu đồng/m2, thay vì sơn tường không thì họ ốp đá lên, mức giá nâng lên 40 triệu đồng/m2, thậm chí nâng lên 50 – 70 triệu đồng/m2, phong là cao cấp”.
“Một tài sản được coi là cao cấp hay hạng sang, có nhiều yếu tố. Trong đó, có yếu tố tiện ích xã hội, nhu cầu, và đặc biệt là mang tính phong cách sống, tính thể hiện”, ông Khương bình luận.
Tại TPHCM, chừng 15 – 20 năm trước, tại quận 7, có một dự án chỉ tung ra 99 căn, mà ông Khương cho biết “khi gọi tên dự án đó người ta đã biết mình ở đẳng cấp nào”.
“Bởi nó có những giá trị đặc thù riêng liên quan đến việc được gọi là sang hoặc siêu sang, và người ta sẵn sàng bỏ vào cả triệu USD mua một căn hộ“, vị Giám đốc cấp cao của Savills cho biết.