Batdongsan.com.vn vừa tổ chức báo cáo quý I/2021 trong bối cảnh đơn vị này ghi nhận kỷ lục mới sau 14 năm hoạt động với 5 triệu người dùng (so với khoảng 4 triệu người dùng trước đây), lượng người dùng mới tăng trên 60%.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn – khẳng định lại nhận định ông đưa ra từ năm ngoái: Những yếu tố ngắn hạn không thể làm ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Bằng chứng là mức độ quan tâm tới bất động sản, theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, thường tăng bật lên sau mỗi đợt Covid-19.
“Sự quan tâm tới bất động sản trong thời kỳ Covid như quả bóng, nén xuống lại bật lên, chứ không xì ra. Bản thân thị trường Việt Nam, người dân thường chỉ đầu tư vào các lĩnh vực như vàng, chứng khoán, bất động sản, trong đó bất động sản nhận được sự quan tâm rất lớn”, ông Quốc Anh cho biết.
Có sự tương đồng giữa thị trường bất động sản giai đoạn 2006 – 2009 và giai đoạn 2020 – 2021?
Với thắc mắc của nhiều người liệu có sự tương đồng giữa thị trường bất động sản giai đoạn 2006 – 2009 và giai đoạn 2020 – 2021, ông Quốc Anh đưa ra một sự so sánh mang tính tổng quan để mỗi người tự tìm câu trả lời phù hợp.
Bức tranh kinh tế giai đoạn 2006 – 2009 có gì?
– Trước năm 2006: Thị trường đóng băng, dòng vốn chuyển sang chứng khoán
Chúng ta bước vào giai đoạn thị trường đóng băng dài hạn, giảm hẳn về giao dịch do quy định hạn chế phân lô bán nền. Thời điểm ấy, thị trường đóng băng, dòng vốn chuyển sang chứng khoán khá nhiều.
– Giai đoạn 2006 – 2007: Chứng khoán đạt đỉnh lịch sử, một phần vốn chứng khoán đổ sang bất động sản
Chỉ số VnIndex tăng từ 300 giai đoạn đầu năm 2016 lên đỉnh rất cao 1.170,67 điểm vào ngày 12/3/2007. Đây là giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Lúc ấy, bắt đầu có một phần dòng vốn chuyển dần từ chứng khoán sang bất động sản, kéo thị trường bất động sản ấm dần lên.
Giữa năm 2007, khi thị trường chứng khoán quá nóng, Ngân hàng Nhà nước đưa ra Chỉ thị số 03/2007/CT – NHNN, ngày 28/5/2007, quy định tỷ lệ dư nợ vốn cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá,… để khách hàng đầu tư, kinh doanh chứng khoán của tổ chức tín dụng ở mức dưới 3% tổng dư nợ của tổ chức tín dụng đó. Mức quy định dưới 3% các Tổ chức tín dụng phải thực hiện với thời điểm cuối cùng là 31/12/2007.
Việc kiểm soát dòng vốn vay ngân hàng đổ vào chứng khoán khiến thị trường chứng khoán đi xuống.
“Khi thị trường chứng khoán đi xuống, bất động sản bắt đầu phát triển rất mạnh”, ông Quốc Anh kể.
– Giai đoạn 2008 – 2009: Giai đoạn lịch sử của cả nền kinh tế, khi thị trường bất động sản bắt đầu có tín hiệu không tốt, xuất hiện nợ xấu… trong bối cảnh toàn cầu khủng hoảng kinh tế.
Bức tranh ‘sốt đất’ hiện tại có gì?
Từ “sốt đất” được để trong ngoặc kép, bởi ông Quốc Anh không dùng từ “sốt đất”, mà cho rằng “thị trường đang ấm dần lên”.
“Năm 2020, nói một cách thẳng thắn thì thế giới đang trải qua một đợt suy thoái lớn về kinh tế, đa phần các nền kinh tế đều tăng trưởng âm”.
“Thị trường bất động sản có sự suy giảm về mặt thanh khoản từ cuối năm 2019, khi nguồn cung bắt đầu giảm, đến 2020 bắt đầu chịu tác động của dịch Covid-19, khiến lượng thanh khoản giảm nhiều. Một yếu tố rõ ràng là dòng tiền chuyển sang chứng khoán khá nhiều”, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhìn nhận.
Yếu tố tương đồng thứ 2, ông Quốc Anh cho biết, từ tháng 1/2021 đến thời điểm hiện tại, một tín hiệu nữa là chứng khoán đã vượt đỉnh 2018, VnIndex qua mốc 1.200 điểm, các chỉ số kinh tế dần hồi phục.
Yếu tố tương đồng thứ 3 là quy hoạch.
“Khi thông tin quy hoạch được ban hành thì các từ khóa liên quan đến quy hoạch cũng được tìm kiếm nhiều. Và thị trường ấm lên, thanh khoản mạnh hơn, thông tin sốt đất nhiều hơn…”, ông Quốc Anh nói.
Năm 2006, dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy lượng tìm kiếm liên quan đến quy hoạch đạt đỉnh, khi nhiều tỉnh thành ban hành quy hoạch mới. Khi có quy hoạch không gian Hà Nội, tầm nhìn 2020, cộng thêm các thông tin về quy hoạch, về đô thị, các thành phố xung quanh Hà Nội, lượng tìm kiếm thông tin rất cao vào năm 2007.
Nguồn: Google Trends/Batdongsan.com.vn.
Thị trường bất động sản của hiện tại được bổ trợ từ quy hoạch khu Hòa Lạc năm 2020, đến năm 2021, khi nhiều tỉnh thành trên cả nước công bố thông tin quy hoạch, thì chỉ số tìm kiếm đã lên mức rất cao.
Bất động sản năm 2021 liệu cái kết có như 2009?
Chia sẻ bên lề sự kiện, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng thị trường bất động sản sẽ không đi vào vết lịch sử của năm 2009. Một trong những yếu tố quan trọng góp vào câu chuyện thị trường giai đoạn 2006 – 2009 là tín dụng, khi tăng trưởng tín dụng bất động sản giai đoạn ấy lên tới 40%. Nhưng hiện nay, tín dụng được kiểm soát rất tốt.
“Theo phân tích cá nhân chứ không phải phân tích của Batdongsan.com.vn, tôi vẫn nghĩ đâu đó thị trường bất động sản Việt Nam sẽ dần dần quay lại giai đoạn 2014 – 2017 nhiều hơn là giai đoạn 2006 – 2009”.
“Tại vì sao? Tôi vẫn có niềm tin thị trường bất động sản Việt Nam giống một đứa trẻ, phải có những bước vấp ngã đầu tiên, học hỏi kinh nghiệm, tiếp tục đi dài hơn, và lại ngã, và sẽ tiếp tục hiểu cách đi thế nào để bước dài hơn nữa. Thị trường Việt Nam các chu kỳ sẽ càng ngày càng dài, với cách quản lý tốt hơn, người dân, nhà đầu tư khôn ngoan hơn, không chỉ nghe lời đồn nữa mà biết tìm kiếm thông tin, xác minh thông tin, phân tích, mọi thứ đều rõ ràng hơn… thì chặng đường chúng ta đi sẽ dài hơn rất nhiều”, ông Quốc Anh nói.