Chiều ngày 6/4/2021, CTCP Thế giới số (Digiworld, DGW) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thông qua tình hình kinh doanh năm 2020 cũng như lên kế hoạch cho năm tiếp theo.
Năm 2020, Công ty thực hiện 12.535 tỷ doanh thu, tăng 48% và LNST 267 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2019. Trong đó, tăng trưởng mạnh mẽ có mảng máy tính xách tay và máy tính bảng (ghi nhận tăng 66%, đạt 1.199 tỷ đồng doanh thu) trong bối cảnh nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến tăng cao trong và sau đại dịch Covid-19. Song song, doanh thu điện thoại di động cũng tăng mạnh khoảng 68%, đạt 2.228 tỷ đồng, bên cạnh thương hiệu Xiaomi tiếp tục gia tăng thị phần, từ tháng 6/2020 DGW còn ghi nhận đóng góp từ các dòng iPhone 12 của Apple.
Với kết quả trên, Công ty dự chia cổ tức 2020 bằng tiền tỷ lệ 10% và phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 1:1. Thời gian thực hiện dự kiến quý 2-3/2021. Dự kiến, vốn chủ DGW sẽ tăng lên 863 tỷ đồng.
Cùng với đó, DGW cũng thông qua phương án phát hành ESOP, tỷ lệ 2,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Giá chào bán 120.000 đồng/cp, thị giá trên sàn hiện đang vào mức 125.000 đồng/cp.
Quý 1/2021 đạt 105 tỷ lợi nhuận sau thuế, thực hiện hơn 1/3 kế hoạch
Năm 2021, DGW kỳ vọng doanh thu vào mức 15.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng. Trong đó, mảng laptop dẫn đầu mức tăng với 59%, mảng điện thoại di động cũng lạc quan với mức tăng 55%, dự đóng góp 7.500 tỷ đồng vào doanh thu chung. Mảng laptop, năm 2021 với sự đóng góp thêm từ thương hiệu Apple và Huawei, đại diện DGW nhấn mạnh tự tin đạt được 5.000 tỷ doanh thu từ mảng này, tức tăng 59% so với năm 2020. Đây cũng là mảng tăng trưởng mạnh nhất của DGW trong năm nay.
Riêng quý 1/2021, Công ty ước đạt 5.005 tỷ doanh thu, tương ứng thu về 105 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 117% và 133% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là mảng di động với mức tăng 120%, tương ứng doanh thu vào đóng góp 2.834 tỷ đồng, chiếm 57% tổng doanh thu Công ty. Mảng laptops, máy tính xách tay tiếp tục tăng 71% và thu về 1.372 tỷ doanh thu, chiếm 27% tổng doanh thu. Hai mảng còn lại gồm thiết bị văn phòng tăng 64% (đạt 718 tỷ doanh thu, đóng góp 14%) và mảng hàng tiêu dùng tăng 24% lên 81 tỷ doanh thu.
Thảo luận
1. Chia sẻ về việc Xiaomi mở cửa hàng chính thức tại Việt Nam?
Ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch DGW – nhấn mạnh đây là nguồn thông tin không chính thức, hiện Xiaomi vẫn hoạt động tại Việt Nam thông qua các đối tác. “Nếu quý cổ đông quan tâm, Xiaomi và DGW sẽ có thông tin chính thức nếu có kế hoạch mới sau đó”, ông Việt nói. Cũng liên quan đến việc Xiaomi có sản xuất tại Việt Nam không, ông Việt đồng tình hiện nay rất nhiều sản phẩm Xiaomi vẫn chưa có mặt tại Việt Nam và giá thành cũng khá cao.
2. Các mảng kinh doanh mới, cụ thể Home Appliance (tivi, máy giặt…) đặt kế hoạch thế nào?
Cuối năm nay và đầu năm sau, DGW sẽ phát triển thêm mảng mới là Home Appliance (thiết bị gia dụng). Theo DGW, thị trường tivi, máy giặt… hiện có quy mô 2,4 tỷ USD cũng là thị trường mới tiềm năng của DGW trong tương lai, Công ty kế hoạch cố gắng để có thể chiếm một thị phần đáng kể tại thị trường này.
Đây theo DGW cũng là một trong những động thái mở rộng để đảm bảo tăng trưởng 25%/năm thời gian tới. Dù vậy, năm 2021 bước đầu tham gia phân phối Home Appliance, do tuỳ thuộc vào tiến độ nhà máy… DGW chưa ghi nhận doanh thu vào con số tổng. Trong đó, trước mắt DGW sẽ phân phối chính sản phẩm điện gia dụng của thương hiệu Xiaomi.
“Nếu 10 năm nữa làm gì tôi chưa biết chính xác, nhưng nói 3 năm tôi có thể biết rõ để có thể đảm bảo mức tăng trưởng 2 chữ số hằng năm”, đại diện DGW nói thêm.
3. Đầu tư vào hệ thống cầm đồ VietMoney, DGW có thể chia sẻ về lợi thế hiện nay của đơn vị này so với F88… Và VietMoney sẽ tác động, hỗ trợ gì cho hoạt động của DGW? VietMoney nếu đang lỗ nhưng có đợt huy động vốn tiếp theo, DGW có kế hoạch tham gia sâu hơn không?
Để thực hiện chiến lược Công ty tỷ USD, đại diện DGW cho biết Công ty luôn tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, mô hình kinh doanh mới. Và, mô hình mới thường sẽ tìm kiếm những công ty non trẻ nhưng có tiềm năng lớn. Trong đó, DGW tập trung nhóm công ty tài chính tiêu dùng, liên quan đến các sản phẩm tiêu dùng hiện Công ty đang phân phối. Và, việc khai phá đơn vị hỗ trợ tài chính cho khách hàng tiêu dùng là một trong những xu hướng đầu tư hiện nay, có thể không riêng DGW, đại diện Công ty nói thêm.
“Nói thêm về VietMoney, nhìn công ty này tôi thấy tôi của 10 năm trước, mới mẻ và non trẻ. Với tôi, con người là yếu tố quan trọng nhất, và VietMoney có được đội ngũ theo tôi là nhiệt huyết. Đây cũng là điểm khác biệt của VietMoney so với các đơn vị khác hiện nay”, ông Việt bổ sung.
Tính đến thời điểm 31/12/2021, DGW đang nắm 21,86% vốn tại Công ty VietMoney, tương đương hơn 50,5 triệu cổ phần. Được biết, VietMoney thành lập từ năm 2018, là một trong số ít các công ty tiên phong hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ cá nhân. Định hướng VietMoney sẽ trở thành dịch vụ cầm đồ và tài chính tiêu dùng số 1 tại Viêt Nam (thị trường nhiều tiềm năng với quy mô > 5 tỷ USD).