Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Rồng Việt (VDSC) đã có những đánh giá tích cực về triển vọng TTCK Việt Nam trong tháng 4.
Cụ thể, VDSC cho rằng TTCK tháng 4 sẽ tiếp nối xung lực của tháng 3. Hai yếu tố xúc tác chính bao gồm (1) Động lực từ dòng vốn nước ngoài mới và các nhà đầu tư cá nhân trong nước, (2) Sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, việc hệ thống giao dịch quá tải vẫn là rủi ro hiện hữu trong ngắn hạn. Do đó, VDSC cho rằng chỉ số VN Index có thể dao động trong khoảng 1.200 – 1.300 điểm.
Dòng tiền nước ngoài mới và các nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn là lực lượng chính thúc đẩy thị trường tiến xa hơn trong xu hướng bán ròng của khối ngoại
Trong một năm qua (31/03/2020 – 31/03/2021), khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng với giá trị lũy kế hơn 29.379 tỷ đồng. Tuy nhiên, VDSC không xem đây là rủi ro đáng kể nhờ vào sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân trong nước và các quỹ nước ngoại mới.
Mới đây, quỹ ETFs mới đến từ Đài Loan – Fubon FTSE Vietnam ETF do Fubon Financial Holdings đã được thành lập vào ngày 16/3/2021. Vào cuối tháng 3 vừa qua, Fubon FTSE Vietnam ETF đã tiến hành IPO và huy động được 5,28 tỷ TWD (khoảng 4.279 tỷ đồng). Trước đó, Fubon FTSE Vietnam ETF dự kiến huy động tối 10 tỷ Đài Tệ (khoảng 8.100 tỷ đồng) để đầu tư vào chứng khoán Việt Nam. Do quỹ này tham chiếu chỉ số FTSE Vietnam 30 Index và điều này có thể kỳ vọng dòng vốn sẽ tạo nên sự khởi sắc cho nhóm cổ phiếu VN30 (chiếm 40-50% giá trị giao dịch của VN Index) trong thời gian tới và góp phần củng cố đà tăng của VN-Index.
Nhóm ngân hàng sẽ là động lực chính hỗ trợ thị trường trong tháng 4 nhờ triển vọng kinh doanh tích cực
VDSC cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm cổ phiếu VinGroup là những cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Trong khi nhóm VinGroup đang có những câu chuyện riêng thì nhóm cổ phiếu ngân hàng lại có nền tảng tăng trưởng khá rõ ràng.
Cụ thể, VDSC dự đoán tăng trưởng LNTT 2021 của các ngân hàng trong danh sách theo dõi là 26% trong năm 2021. Trong đó, thu nhập lãi dự kiến tăng 17%. Ngoài ra, hệ số CIR có thể tăng nhẹ, nhưng chi phí dự phòng sẽ giảm vừa phải (-2%), điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lợi nhuận.
KQKD Q1 còn khả quan hơn với LNTT tăng trưởng 115% nhờ đóng góp của thu nhập ngoài lãi và chi phí dự phòng tăng trưởng âm. Do đó, kỳ vọng từ nhóm cổ phiếu ngân hàng là câu chuyện đáng chú ý hỗ trợ đà tăng của thị trường trong tháng 4.
Trong tháng 4, một sự kiện quan trọng là đến thời điểm tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF tham chiếu các bộ chỉ số như VN30, VNFinlead và VNDiamond. Nhà đầu tư cần quan sát dòng tiền của các quỹ ETF như SSIAM VNFinlead ETF và VFMVN Diamond khi hai quỹ này có hiệu suất đầu tư (% tăng trưởng NAV/share) quý 1 tốt nhất thị trường khi lần lượt đạt mức 19,4% và 18,8% trong khi VN-Index và VN30 ghi nhận tăng trưởng thấp hơn với mức 7,9% và 11,7%.
Quỹ VFM VN Diamond ETF (NAV: 424 triệu USD) liên tiếp thu hút dòng tiền từ khối ngoại kể từ đầu năm 2021 với giá trị gần 95 triệu USD. Trong kỳ tái cơ cấu đợt này, nhóm cổ phiếu ngân hàng bao gồm ACB, EIB, MSB và VIB được kì vọng sẽ hưởng lợi với dòng tiền của quỹ Diamond khi thỏa mãn các điều kiện được thêm vào rổ chỉ số trong khi KDH đối mặt rủi ro bị loại khỏi rổ chỉ số. Trong khi đó, quỹ SSIAM VNFinlead ETF sẽ loại VND trong kỳ tái cơ cấu tiếp theo do VND đã thực hiện chuyển sang sàn HNX.
Đầu tư có chọn lọc là chiến lược ưu tiên khi VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm
VDSC ưu tiên phương pháp tiếp cận từ dưới lên trong giai đoạn này của thị trường khi VN-Index đã vượt qua ngưỡng tâm lý từ đầu tháng 4. Cụ thể, VDSC tập trung vào các cổ phiếu có “kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi” và có kỳ vọng tăng trưởng rõ ràng trong năm 2021.
Sau khi mùa ĐHCĐ kết thúc, thị trường sẽ rơi vào vùng “trống thông tin”. Do đó, động lực thúc đẩy thị trường trong thời điểm cuối tháng 4 và tháng 5 sẽ cần được xem xét lại đặc biệt là yếu tố kỹ thuật về quá tải hệ thống giao dịch chưa được giải quyết một cách triệt để.