Trong quá khứ, LG từng là nhà sản xuất thiết bị cầm tay lớn thứ 3 thế giới. Năm 2009, hãng đã bán khoảng 120.000.000 điện thoại phổ thông. Đến năm 2010, LG gia nhập thị trường smartphone với màn ra mắt Optimus chạy Android.
Sang năm 2013, LG đánh dấu mốc thành công với smartphone dòng G. Chỉ trong 11 tháng đầu bán ra, doanh số G3 đã đạt 10.000.000 máy và được vinh danh là smartphone tốt nhất tại MWC 2015.
Năm 2019, mạng xã hội bắt đầu nổi lên một loạt các meme về LG. Nguyên nhân là khi ấy, hãng đã liên tục tung ra thị trường các mẫu mang tính thử nghiệm điển hình như V50 ThinQ (tháng 5/2019) hay LG Wing (tháng 10/2020). Quyết định này đã khiến lợi nhuận của hãng giảm mạnh.
Trong một thời gian dài, LG thường được coi là “chậm chân” hơn so với các đối thủ như Apple hay Samsung. Bởi mãi đến năm 2010, hãng này mới gia nhập thị trường smartphone. Đáng chú ý, thậm chí lúc đó hãng vẫn chọn hệ điều hành Windows Mobile của Microsoft, chứ không phải Google Android.
Hay như đến năm 2015, các đối thủ đã dùng chip Snapdragon 810, LG vẫn sử dụng Snapdragon 808 với dòng LG G4. Sau đó thì liên tục có những báo cáo về lỗi khởi động trên G4, khiến tập đoàn phải thu hồi sản phẩm lỗi và sửa miễn phí. Từ năm 2016, mảng smartphone của LG đã luôn chứng kiến những cú trượt dài trong thị phần smartphone toàn cầu.
Ngày 5/4, LG Electronics thông báo đóng cửa bộ phận di động, hoàn tất trước ngày 31/7 năm nay. Theo đó, LG là thương hiệu lớn đầu tiên từ bỏ thị trường hoàn toàn.
Liên quan đến nguyên nhân, hãng tư vấn Counterpoint cho rằng, các yếu tố dẫn đến việc LG đóng cửa bộ phận smartphone gồm: doanh số yếu kém so với các bộ phận khác như đồ gia dụng; hai mẫu Wing và Velvet gây thất vọng; lợi nhuận không cải thiện dù áp dụng các biện pháp như chuyển sản xuất sang Việt Nam, cơ cấu lại danh mục sản phẩm.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị