Những tín hiệu tích cực từ đầu năm
Ngành mía đường Việt Nam đã khởi đầu năm 2021 với nhiều tín hiệu tích cực khi, lần đầu tiên, mặt hàng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã không còn khả năng chi phối thị trường trong nước như những năm gần đây. Yếu tố đầu tác động tích cực đầu tiên đến từ việc Bộ Công Thương thực hiện điều tra áp dụng phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu. Yếu tố thứ 2 đã góp phần tạo sự hanh thông cho thị trường đường nội địa là sự sụt giảm sản lượng sản xuất ở các vùng vốn có thế mạnh nhiều năm nay như: Thái Lan, Brazil, Trung Quốc…
Các sản phẩm đường trong nước đã chiếm ưu thế và ít bị tác động bởi dịch Covid-19.
Các yếu tố trên đã giúp sản phẩm đường nội giảm áp lực bị ép giá, lượng tiêu thụ tốt hơn và giá đường trong nước cũng tăng lên đáng kể. Theo đó, giá đường nội địa đã tăng từ mức 13.500 – 14.000 đồng/kg vào thời điểm cuối năm 2020 lên mức 15.000 – 16.500 đồng/kg vào cuối tháng 2/2021.
Nhờ vậy, trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp đường vẫn ăn nên làm ra. Đơn cử, TTC Biên Hòa (SBT) vẫn tăng trưởng mạnh và ổn định. Cụ thể, niên độ 2019-2020 vừa qua SBT đã kết thúc ấn tượng khi sản lượng đường tiêu thụ đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 41% so với niên độ trước, doanh thu thuần đạt 12.889 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và vượt 18% kế hoạch đã đặt ra. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 512 tỷ, tăng 21% so với cùng kỳ và vượt 19% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 363 tỷ, tăng 40% so với cùng kỳ.
Các nhà phân tích dự báo, giá đường Việt vẫn còn dư địa tăng trưởng do giá đang thấp hơn so với các nước trong khu vực từ 30 – 40%. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ các nhà sản xuất đường gia tăng biên lợi nhuận, cải thiện lợi nhuận gộp trong các quý sau của năm 2021.
Giá đường nội địa vẫn còn dư địa tăng trưởng do giá đang thấp hơn so với các nước trong khu vực từ 30 – 40%. (Theo Báo cáo triển vọng ngành đường 2021 của VCBS)
Cơ hội rộng đường cho các doanh nghiệp lớn
Mặc dù tạm chiếm ưu thế trên thị trường nhưng về dài hạn, ngành đường nội địa vẫn đối mặt với nhiều thách thức khi năng suất mía kém cạnh tranh hơn Thái Lan khiến chi phí sản xuất cao hơn; việc kiểm soát lỏng lẻo đối với đường nhập khẩu giá rẻ qua biên giới làm sai lệch cung cầu thị trường và giá đường; thời gian áp thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá không đủ dài… Vì vậy, để phát triển bền vững và đi đường dài, các doanh nghiệp nội cần có những giải pháp cụ thể để tự nâng cao năng lực cạnh tranh bên cạnh nỗ lực của Nhà nước.
Với SBT, dù đang đứng đầu ngành và tận dụng được tối đa những lợi thế hiện có từ thị trường, nhưng doanh nghiệp vẫn liên tục đầu tư vào nội lực để có thể mở rộng thị phần ở thị trường nội địa. SBT không ngừng đa dạng hoá các dòng sản phẩm, liên tục phát triển các dòng sản phẩm mới để tận dụng tối đa chuỗi giá trị cây mía, gia tăng biên lợi nhuận và đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của thị trường. Song song đó, để thích ứng với thời đại mới, doanh nghiệp cũng không đứng ngoài lộ trình chuyển đổi số để tăng hiệu quả vận hành.
SBT tự tin trong cuộc đua ở thị trường nội địa nhờ sở hữu vùng nguyên liệu lớn (chiếm 28% tổng diện tích trồng mía cả nước), có công suất luyện đường (850 nghìn tấn đường/năm) mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước.
Bà Đặng Huỳnh Ức My – Phó Chủ tịch HĐQT SBT, cho biết: “SBT đang triển khai hệ thống Oracle Cloud ERP với mục tiêu tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả quản trị tài chính. Oracle Cloud ERP được tích hợp với các hệ thống hiện tại của SBT để tạo thành một hệ thống chuỗi cung ứng kinh doanh tích hợp toàn diện. Dự án hiện đang được tích cực triển khai cho toàn bộ 20 đơn vị của công ty tại 4 nước: Việt Nam, Singapore, Lào và Campuchia để hoàn thiện hệ thống quản lý từ nông trường đến sản xuất, phân phối sản phẩm đến khách hàng cũng như hướng đến kinh doanh thương mại quốc tế.”
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tại Việt Nam, tổng nhu cầu tiêu thụ đường hiện khoảng 2 triệu tấn và dự báo nhu cầu sử dụng đường trong nước sẽ tăng lên 2,5 triệu tấn vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện nguồn cung vẫn chưa đủ đáp ứng cho thị trường trong nước.
Đơn cử, vụ đầu năm 2021, dự kiến sản lượng mía ép chỉ đạt khoảng 5,5 triệu tấn, ước tính sản xuất ra 600.000 tấn đường và hết vụ sớm vào 30/4/2021. Vì vậy, cơ hội trở nên rộng đường hơn đối với những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực mạnh như: Đường TTC Biên Hòa, Đường Sơn La, Đường Quảng Ngãi…
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, dù thị trường vẫn tiềm ẩn những thách thức nhưng dư địa tăng trưởng của ngành còn lớn. Đường xa mới biết ngựa hay, thị trường nội địa vẫn còn rộng đường cho các doanh nghiệp chủ động nâng cao nội lực để thích nghi với sự thay đổi liên tục của thị trường.