Thông tư 03/2021 của NHNN cho phép giãn trích lập nợ tái cơ cấu tối đa 3 năm, giúp giảm áp lực dự phòng lên các ngân hàng.
Nhiều nhà băng báo lãi quý I tăng bằng lần với triển vọng tích cực cả năm 2021.
Sacombank được chú ý khi cổ phiếu nhiều phiên giao dịch với khối lượng lớn, VPBank được quan tâm bởi thương vụ bán vốn FE Credit, nhiều ngân hàng khác được để ý bởi những thông tin khác nhau.
—–
Tuần qua, thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng 7-10% như ACB, TCB, VPB…, cá biệt STB tăng 19%, VIB tăng 17%. Tính từ đầu năm, cổ phiếu ngân hàng tăng giá 30-50%. Diễn biến trên một phần đến từ triển vọng tích cực của ngành trong năm 2021 và những câu chuyện riêng của từng ngân hàng.
Nhiều yếu tố thúc đẩy lợi nhuận
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. Bên cạnh những quy định liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thông tư mới cho phép ngân hàng giãn thời gian trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu trong tối đa 3 năm. Điều này giúp giảm áp lực dự phòng nợ xấu cho các tổ chức tín dụng.
Ngay cả khi chưa có quy định mới, theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), các khoản nợ tái cơ cấu không phải vấn đề lớn đối với các nhà băng. Đến hết năm 2020, ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 355.000 tỷ đồng dư nợ.
Tại các ngân hàng niêm yết, dư nợ tái cơ cấu bắt đầu giảm trong quý IV/2020. Theo thống kê của BSC, 80 – 90% các doanh nghiệp đã tái cơ cấu nợ có thể quay trở về hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó tiếp tục trả gốc và lãi. Điều này giúp tỷ lệ nợ xấu trong các khoản nợ tái cơ cấu sẽ chỉ ở mức 10-20%.
Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research, hầu hết các ngân hàng đã đẩy nhanh xóa nợ xấu và tăng trích lập dự phòng bao nợ xấu trong quý IV/2020. Tại ngày 31/12/2020, tỷ lệ bao phủ nợ xấu trung bình cao nhất 3 năm qua.
Ngân hàng được giãn trích lập nợ tái cơ cấu trong 3 năm. Ảnh: Bảo Linh.
Trong khi áp lực nợ xấu, trích lập giảm, lợi nhuận của ngân hàng được thúc đẩy từ nhiều yếu tố bao gồm tín dụng phục hồi và nguồn thu ngoài lãi như phí dịch vụ, bancassurance…
Triển vọng tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm 2021, kéo theo tăng trưởng thu nhập lãi thuần. NHNN đặt mục tiêu tín dụng tăng 12% và có thể mở rộng lên 13-14%, cân đối phù hợp với tình hình thị trường và nền kinh tế. Phần lớn chuyên gia phân tích cũng dự báo tín dụng sẽ tăng cao hơn 12%. BSC kỳ vọng tín dụng tăng 14%.
Với nguồn thu ngoài lãi, bancassurance sẽ là yếu tố đóng góp ổn định trong thu nhập. Các hợp đồng bancassurance độc quyền lớn đã hoàn tất cho phép ngân hàng ghi nhận phí up-front trong thời gian tới.
Vừa qua, nhiều ngân hàng công bố, ước kết quả kinh doanh quý I, phần lớn đều tăng trưởng trên 100% so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, SeABank báo lãi trước thuế tăng 130% quý I, trong khi MSB tăng 315%, VietinBank 135-170%… SSI Research kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng cao hơn so với các ngành khác trong quý đầu năm, nhờ tỷ suất lợi nhuận tương đối hấp dẫn và triển vọng tín dụng được cải thiện.
Với các ngân hàng thuộc diện nghiên cứu, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý I sẽ tăng 55 -65% so với cùng kỳ 2020. Riêng nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) có khả năng sẽ đạt tăng trưởng 75-85% khi đã tăng trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề. Các ngân hàng thương mại cổ phần dự kiến tăng lợi nhuận trước thuế 45-55% trong quý đầu năm. Năm 2021, lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng ước tính sẽ tăng 24%, được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng 15% và chi phí tín dụng giảm 22 điểm cơ bản.
Trong khi áp lực nợ xấu, trích lập giảm, lợi nhuận của ngân hàng được thúc đẩy từ nhiều yếu tố bao gồm tín dụng phục hồi và nguồn thu ngoài lãi như phí dịch vụ, bancassurance…
Bên cạnh triển vọng chung của ngành, mỗi ngân hàng có câu chuyện riêng. Đơn cử, tại Sacombank, những thông tin xoay quanh vấn đề cổ đông, tập đoàn mới đầu tư vào nhà băng này vẫn liên tục xuất hiện. Kết hợp với những phiên giao dịch thanh khoản lớn gần đây, cổ phiếu STB thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Trong một tuần qua, khối lượng giao dịch cổ phiếu STB dao động 30-100 triệu đơn vị mỗi phiên. Phiên 30/3, cổ phiếu STB tăng trần với thanh khoản khớp lệnh kỷ lục gần 100 triệu đơn vị, giá trị giao dịch hơn 1.800 tỷ đồng. Trước đó, gần 45,2 triệu cổ phiếu STB được thỏa thuận ở giá 20.000 đồng/cp, tương đương giá trị gần 901,5 tỷ đồng, ngày 24/3. Tổng khối lượng thỏa thuận từ đầu tháng 3, gần 96,8 triệu cổ phiếu, với giá trị hơn 1.937 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu STB một năm qua. Nguồn: TradingView. |
Đầu năm, Kienlongbank ( UPCoM: KLB ) có kế hoạch bán toàn bộ cổ phần STB, là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một nhóm cổ đông, để tất toán nợ có liên quan chậm nhất là ngày 31/3.
VPBank cũng là ngân hàng nhận được chú ý với kế hoạch bán vốn tại FE Credit. CTCK từng dự báo, thương vụ này có thể hoàn tất trong nửa đầu năm 2021. Trong trường hợp đàm phán không thành công, VPBank sẽ xem xét IPO FE Credit vào cuối năm. FE Credit có thể được định giá cổ phiếu vào khoảng 3 – 4 lần giá trị sổ sách. Nếu bán vốn thành công, nguồn thu này sẽ đóng góp vào lợi nhuận.