Lưu Bị cũng giống ông tổ Lưu Bang của mình, đều là nhân vật ghê gớm có xuất thân tầm thường, phấn đấu trở thành người đứng đầu một đất nước.
Lưu Bang vốn là một kẻ du côn vô lại, leo lên được chức Đình trưởng thì bắt đầu gây dựng sự nghiệp.
Lưu Bị lại càng dứt khoát hơn, từ một kẻ bán giày cỏ dấn thân vào quân đội, đuổi được đám giặc Khăn Vàng gây rối loạn rồi dần dần gây dựng cơ đồ của riêng mình. Việc này quả là ứng với câu nói: Thời thế tạo anh hùng.
Chỉ có điều, cuối cùng Lưu Bị vẫn chẳng thể phục hưng được nhà Hán, phải ra đi trong ngậm ngùi tiếc nuối khi giấc mộng bá vương vẫn chưa thể hoàn thành. Tuy nhiên, nếu như Lưu Bị thực sự thành công, thống nhất được thiên hạ, có lẽ 2 công thần dưới đây sẽ là những người phải chết đầu tiên.
Người đứng đầu sóng ngọn gió chính là Mã Siêu.
Mã Siêu là người từ phía Tây Lương tới đầu quân cho Lưu Bị. Chắc hẳn mọi người đều biết đến Mã Siêu, sau khi đầu quân cho Lưu Hoàng thúc, về cơ bản không tạo thêm được chiến tích gì.
Trong câu chuyện Tam quốc vào giai đoạn sau, lần duy nhất Mã Siêu xuất hiện là thời điểm Gia Cát Lượng xuất chinh đi Bắc phạt, lúc đi ngang qua mộ của ông có thắp hương viếng.
Khi vợ con bị kẻ khác chém chết rồi ném xuống dưới thành, Mã Siêu rơi vào cảnh tan cửa nát nhà, không còn lốt thoát, hoàn toàn mất đi chí tiến thủ.
Lưu Bị thu nhận Mã Siêu, cơ bản cũng chỉ cho một chức hữu danh vô thực, binh quyền vẫn được giao cho những thân tín như Nguỵ Diên, Trương Phi.
Mã Siêu không còn cơ hội cầm quân đánh trận, chẳng khác nào một thứ linh vật chỉ để trang trí, chuyện giết Tào Tháo báo thù, diệt Trương Lỗ rửa hận đều trở thành ước mơ không thể nào thực hiện.
Hình ảnh nhân vật Mã Siêu trên phim.
Có lẽ Mã Siêu có thể kiên trì chờ đợi tới thời điểm Lưu Bị phó thác con côi tại thành Bạch Đế, Gia Cát Lượng thật sự nắm quyền, ông có thể phô bày sức mạnh của mình. Ngặt nỗi ông trời ghen ghét anh tài, Mã Siêu đoản mệnh, tới khi ấy cỏ trên mộ ông đã phải cao tới hai mét.
Với một nhân vật chỉ bày ra xem đã có vẻ ghê gớm như vậy, giả dụ Lưu Bị bình định được thiên hạ, người đầu tiên ông muốn giết chết chắc hẳn là Mã Siêu.
Đừng nhắc tới việc năm xưa Lưu Bị và cha của Mã Siêu là Mã Đằng cùng nhau mang “Y đái chiếu” (Chiếu thư trong đai ngọc), cùng lập mưu thảo phạt Tào Tháo, bởi nói trắng ra thì đó chỉ là một vụ mua bán, trong chuyện làm ăn không thể nghĩ tới tình cảm.
Mã Siêu có năng lực vượt trội, cầm quân đánh trận cũng có thể kiểm soát một phương trời, người tộc Khương còn hết sức tin phục ông, một ông vua mới dẹp yên đất nước như Lưu Bị sẽ không cho phép một quả bom hẹn giờ như thế được lắp vào bên cạnh ngai vàng của mình.
Đối tượng bị tiêu diệt thứ hai sẽ là ai?
Người đọc thông minh hẳn rất dễ nghĩ ra được, người đó là “Gia Cát thôn phu”. Tuy rằng Gia Cát Lượng khiêm tốn tự xưng là thôn phu sơn dã, thế nhưng ông quả thật là một nhân vật đến quỷ thần cũng không thể lường được. Mà đã như vậy thì giả sử Lưu Bị giành được thiên hạ, chắc hẳn vị quân chủ này sẽ phải phong thưởng nhiều hậu lễ, dùng thái độ nhún nhường cầu hiền với Gia Cát Lượng.
Nếu ngày nào đó Lưu Bị không còn trên đời, vậy thì đứa con trai ngu dốt Lưu Thiện có thể đối phó với Gia Cát Lượng không?
Hình ảnh nhân vật Lưu Bị và Gia Cát Lượng trên phim.
May mà Lưu Bị lúc còn sống không dễ dàng thống nhất được thiên hạ, vẫn phải cần đến sự trợ giúp của Gia Cát Lượng cho nên Khổng Minh tiên sinh mới tạm thời vẫn bảo toàn được tính mạng, bởi suy cho cùng, khi vẫn chưa giành được thiên hạ, Lưu Bị vẫn cần Gia Cát Lượng hơn bất cứ ai.
Bởi thế khi ở thành Bạch Đế, Lưu Bị biết rất rõ rằng: Nếu ông không kéo theo Khổng Minh chết chung khi chỉ còn lại chút ít hơi thở cuối cùng, Thục Hán sẽ hoàn toàn chẳng có ai làm lung lay được địa vị của Gia Cát Lượng, đứa con trai Lưu Thiện của ông cũng chỉ có thể răm rắp nghe theo Gia Cát Lượng.
Nhưng tại sao Lưu Bị lại buông tha cho Gia Cát Lượng? Đó là bởi danh tướng của Thục Hán gần như đã chết sạch, đứa con trai Lưu Thiện ngu ngốc bất tài, hy vọng phục hưng nhà Hán đành phải gửi gắm vào Gia Cát Lượng. Còn về sau liệu Gia Cát Lượng có mưu phản, thay thế ngai vàng của Lưu Thiện hay không, cũng chỉ có thể đánh cược một phen.
Nói đến đây, rất nhiều người sẽ không chấp nhận, cho rằng Lưu Bị đâu có nghĩ thế. Nhưng xét trên thực tế thì chẳng có lý do nào có thể giải thích cho việc ông ta không nghĩ vậy?
Trước khi tắt thở, Lưu Bị nói với Gia Cát Lượng rằng “Nếu cảm thấy Lưu Thiện không đáng tin, tiên sinh hãy phế truất nó, thay thế nó, tự mình thống lĩnh Thục Hán”, đây đâu có phải là một câu nói thật lòng?
Đây thực ra chính là một lời cảnh cáo, miệng nam mô nhưng bụng một bồ dao găm! Nếu Gia Cát Lượng khi đó mảy may có suy nghĩ nào khác đi, có lẽ ông cũng đã không thể giữ được mạng của mình rồi.
*Theo quan điểm của Sohu (Trung Quốc)