Mặc dù thị trường tác phẩm nghệ thuật mã hóa số bất ngờ trở nên sôi động trong những tháng qua, nhưng điều ít ai ngờ là những thương vụ mua bán NFT có thể sẽ tạo ra hóa đơn thuế khổng lồ.
Tháng trước, một bức tranh NFT của nghệ sĩ kỹ thuật số Mike Winkelman (nghệ danh Beeple) đã được bán với giá 69,34 triệu USD, lập kỷ lục về giá ở cuộc đấu giá nghệ thuật ảo. Đây là tác phẩm đã được ông thực hiện từ năm 2013 ở dạng NFT – chứng chỉ xác thực kỹ thuật số chạy trên công nghệ blockchain.
Ban đầu, bức tranh này được đưa ra đấu giá ở mức 100 USD và nhanh chóng vượt mốc 1 triệu USD ngay trong ngày đầu tiên. Chỉ trong 20 phút ở lượt đấu giá cuối, các nhà thầu đã nhanh chóng đẩy giá của tác phẩm này từ 14,75 triệu USD lên tới 60,25 triệu USD. Tính cả phí đấu giá và phí bảo hiểm, người đấu giá thành công tác phẩm NFT này sẽ phải trả số tiền 69,34 triệu USD bằng tiền điện tử.
Sự kiện đấu giá này đã thu hút tới 22 triệu người xem cùng lúc và danh tính của người đấu giá thành công vẫn còn là một ẩn số. Mặc dù theo thông báo, người giành chiến thắng trong cuộc đấu giá là MetaKovan (sống ở Canada một thời gian và chuyển đến Singapore vào năm 2017), nhưng nhiều nguồn tin cho rằng, đây có thể là bí danh của doanh nhân tiền điện tử Vignesh Sundaresan hoặc BitAccess – đồng sáng lập công ty ATM bitcoin.
Cũng theo một số nguồn tin, tác phẩm này lẽ ra đã có thể được phát giá lên tới 70 triệu USD bởi Justin Sun của Tron (TRX). Đáng tiếc, sự cố kỹ thuật trên sàn đấu giá Christie đã giúp MetaKovan bất ngờ giành được chiến thắng. Ở vào thời điểm đó, Mike Winkelman chắc chắn không thể hình dung được khoản thuế khổng lồ mà bản thân sẽ phải đối mặt trong tương lai.
Cụ thể, hóa đơn thuế mà Mike Winkelman phải chi trả sau cuộc đấu giá này có thể lên tới hàng chục triệu USD. Ngoài việc báo cáo lợi nhuận từ tiền điện tử trên tờ khai thuế cá nhân, Winkelman cũng phải trả thuế thu nhập liên bang và tiểu bang đối với số tiền thu được từ việc bán các tác phẩm nghệ thuật. Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) coi việc mua và bán NFT là hình thức thu nhập đầu tư, do đó sẽ bị yêu cầu thanh toán thuế thu nhập vốn.
Thuế tăng vốn áp dụng cho NFT, giống như thuế áp dụng cho việc bán cổ phiếu. Tuy nhiên, vì NFT được coi là có thể tái chế nên thuế suất của chúng thậm chí còn cao hơn, lên tới 28%. Ngoài ra, người mua và người bán cần hiểu rằng, tiền điện tử mà họ sử dụng để mua NFT cũng sẽ bị đánh thuế.
Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật mã hóa được mua bằng các loại tiền điện tử, bao gồm Ethereum và WAX. Các loại tiền điện tử này cũng phải chịu thuế tăng vốn, tùy thuộc vào mức tăng giá trị của chúng kể từ lần mua ban đầu và khoảng thời gian người mua nắm giữ.
Nếu người mua nắm giữ tiền điện tử trong hơn một năm, họ sẽ cần phải trả thuế thu nhập vốn dài hạn. Đối với cá nhân có thu nhập từ 40.000 USD đến 441.000 USD, thuế suất thu nhập vốn dài hạn là 15%, đối với cá nhân có thu nhập vượt quá mức này, thuế suất là 20%. Mức thuế thu nhập cá nhân ngắn hạn đối với việc nắm giữ tài sản số dưới một năm có thể lên tới 39,6%.
Mặt khác, theo các chuyên gia pháp lý, NFT không cần phải trả thuế bán hàng như tác phẩm nghệ thuật thực tế, nhưng luật thuế sẽ sớm lấp lỗ hổng này. Sở Thuế vụ Mỹ đã bắt đầu đàn áp tiền điện tử trong những tháng gần đây. Những cá nhân không khai báo hoặc cố gắng che giấu tài sản số trong tờ khai thuế có thể phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc từ IRS.
Nhiều người mua và người bán NFT có thể không biết các loại thuế và phí cao mà họ sẽ phải đối mặt. Shehan Chandrasekera, giám đốc chiến lược thuế tại CoinTracker cho rằng, khi nói đến thị trường NFT mới nổi, có quá nhiều yếu tố chưa biết, và nhiều người có thể không biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày họ kê khai nộp thuế.